Những nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới

11/10/2016 16:27 GMT+7

Thế giới lấy năng lượng từ hóa thạch truyền thống cho đến công nghệ tân tiến. Dưới đây là các nước sản xuất năng lượng hàng đầu, theo số liệu từ Hội đồng Năng lượng Thế giới (WEC).

Dầu mỏ - Ả Rập Xê Út - 526 triệu tấn/năm. Trữ lượng dầu thô khủng giúp Ả Rập Xê Út trở thành trung tâm của ngành công nghiệp năng lượng thế giới. Giếng dầu đầu tiên của nước này được khai thác năm 1938. Hiện tại, lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt của quốc gia Trung Đông chiếm khoảng 50% nền kinh tế đất nước, theo số liệu từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Dù dầu không được các nhà môi trường học ưu ái, đây vẫn là yếu tố không thể thiếu của cuộc sống hiện đại, đặc biệt là khi nhắc đến cách thức tiếp nhiên liệu cho ô tô và máy bay. Reuters
Than đá - Trung Quốc. Trung Quốc có thể vẫn là vua của than đá, nhưng “cơn cuồng” nhiên liệu hóa thạch của nước này đang giảm đi. Trong tháng 8, Trung Quốc sản xuất 278 triệu tấn than đá, giảm 11%. Than đá không phải nguồn năng lượng sạch như gió và năng lượng mặt trời nhưng nó vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. WEC cho hay trên thế giới, tiêu thụ than đang đi lên và được dự kiến sẽ tăng thêm nữa khi các nước đang phát triển mở rộng nhu cầu năng lượng. Reuters
Khí đốt - Nga. Khí đốt là thành phần không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng Nga với hãng năng lượng khổng lồ Gazprom. Nga tuyên bố họ có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Gazprom, công ty mà chính phủ Nga nắm phần lớn cổ phần, sản xuất 418,5 triệu mét khối khí đốt vào năm ngoái. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng khí đốt có nguy cơ kỹ thuật và tài chính thấp, được xem là có lượng carbon thấp so với các loại nhiên liệu hóa thạch khác.
Thủy điện - Trung Quốc. WEC mô tả thủy điện là “nguồn năng lượng tái tạo linh hoạt nhất, nhất quán nhất”. Đứng đầu thế giới về thủy điện, Trung Quốc là nơi có đập Tam Hiệp “khủng”. Theo Hiệp hội Thủy điện Quốc tế, Trung Quốc tạo ra 19,4 gigawatt thủy điện trong năm 2015. Con số trên cách xa một nước khác cũng là cường quốc khi xét đến thủy điện là Brazil, với chỉ 2,5 gigawatt. Reuters
Năng lượng hạt nhân - Mỹ. Dù còn là vấn đề gây tranh cãi, năng lượng hạt nhân vẫn là một nguồn năng lượng chính tại Mỹ. Theo Viện Năng lượng Nguyên tử, 19,5% điện năng Mỹ đến từ năng lượng hạt nhân trong năm 2015. Nước này đang có 99 lò phản ứng hạt nhân hoạt động. Reuters
Gió - Mỹ. Năng lượng gió dần trở thành thành phần quan trọng trong hỗn hợp năng lượng và kinh tế Mỹ. Theo Hiệp hội Năng lượng Gió Mỹ, đến cuối năm 2015, có 88.000 việc làm liên quan đến năng lượng gió. Đầu tư vào các dự án gió mới đạt 128 tỉ USD. Reuters
Địa nhiệt - Mỹ. Mỹ sản xuất nhiều điện thông qua năng lượng địa nhiệt hơn bất kỳ nước nào trên thế giới, theo Bộ Năng lượng Mỹ. Năng lượng địa nhiệt có tiềm năng đáng kể. Năm 2011, báo cáo của IEA cho biết điện địa nhiệt có tiềm năng đạt khoảng 3,5% sản lượng điện thế giới. Điều này giúp toàn cầu giảm dần 800 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm. Reuters
Năng lượng mặt trời - Đức - 25 gigawatt. Năng lượng mặt trời có sân chơi lớn khi nhắc đến việc cắt giảm lượng khí thải carbon, tạo ra tương lai sạch, bền vững cho Trái đất. Đức có công suất năng lượng mặt trời đạt 25 gigawatt năm 2011. Chính phủ nước này nhấn mạnh vào tầm quan trọng của năng lượng sạch. Năm 2015, năng lượng tái tạo chiếm khoảng 30% tổng sản lượng điện, tăng từ mức gần 26% hồi năm 2014. Cùng với gió, mặt trời được chính phủ quốc gia châu Âu xem là nguồn năng lượng tái tạo quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Reuters

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.