Những nông dân xây cầu từ thiện

Những nông dân chân chất, mộc mạc, vì thương quý đồng bào mình nên chỉ trong 3 năm đã dồn tâm sức, tiền bạc, vận động những người khác xây dựng 47 cây cầu bê tông thay thế cầu khỉ.

Ông Nguyễn Văn Sáu Nhỏ (54 tuổi, ngụ ấp 18, xã Tân Long, TX.Ngã Năm, Sóc Trăng), một trong 13 nông dân và là người khởi xướng phong trào xóa cầu khỉ, xây cầu bê tông thiện nguyện, cho biết Tân Long là xã vùng sâu vùng xa của tỉnh, người dân nơi đây đi lại vô cùng khó khăn bởi sông rạch chằng chịt. Thương nhất là các cháu học sinh phải đi học bằng ghe, xuồng, qua những cây cầu tạm bợ tiềm ẩn nhiều rủi ro, tai nạn. Do đó, những nông dân như ông rất mong có được cây cầu vững chãi để mọi người đi lại thuận tiện, an toàn hơn.
Nhóm nông dân tình nguyện xây cầu từ thiện xã Tân Long ra đời từ năm 2015, gồm 13 người. Mặc dù hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn nhưng ai cũng tranh thủ vừa làm ruộng, vừa vận động kinh phí và trực tiếp xây cầu. Tất cả đều làm việc không công, không đòi hỏi bất cứ một ưu đãi nào. Cây cầu đầu tiên được xây dựng bắc qua kênh Sáu Hằng, dài 28 m, rộng 2 m, kinh phí trên 70 triệu đồng thuộc ấp Long An, xã Tân Long. Ban đầu, để có tiền xây cầu, mỗi người trong nhóm tự nguyện đóng góp rồi vận động thêm tài trợ và bà con trong xóm. Khi có tiền, nhóm đo đạc, thiết kế rồi tìm mua vật tư, dụng cụ “đồ nghề” để xây cầu.
Theo ông Nhỏ, tiền xây cầu mỗi người dân góp một ít, nhưng phần lớn là của các nhà hảo tâm. Còn công xây cầu chủ yếu là do nhóm nông dân thực hiện với sự hỗ trợ của bà con địa phương, kể cả cây, ván dùng phục vụ cho xây dựng cầu. Trước khi làm họ đều có đơn xin phép chính quyền địa phương, có bản vẽ thiết kế phù hợp với địa hình như độ thông thuyền, độ cao cầu, chiều dài, rộng… nhằm có chiếc cầu đảm bảo, không cản trở giao thông đường thủy của ghe tàu.
Đến nay, sau 3 năm hoạt động, nhóm đã vận động xây dựng được 47 cầu bê tông, kinh phí từ 70 - 100 triệu đồng/cầu. Trong đó có 12 cầu thuộc TX.Ngã Năm, 35 cầu thuộc các xã vùng xa của H.Thạnh Trị. Hiện nhóm đang tích cực xây dựng thêm 4 cây cầu ở xã Tân Long. “Mỗi khi cầu xây xong chúng tôi mừng lắm. Thấy bà con đi lại thuận tiện, các cháu học sinh chạy xe đi học dễ dàng, ai cũng vui, nhiều đêm về vui quá ngủ không được”, ông Nhỏ chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.