Những nhà Duy Tân xứ Quảng: Anh tài từ vùng đất mở

06/08/2020 06:25 GMT+7

Tìm đọc lại 'lý lịch trích ngang' các nhà Duy Tân xứ Quảng , ta ngạc nhiên khi đa số đều là những quan chức thức thời, là con cái của những phú gia ở những 'nguồn' gắn liền với sự phát triển của cảng thị Trà Nhiêu, Hội An từ trước đó.

Họ được đi học, được tiếp thu những cái mới cộng với sự ưu thời mẫn thế, trở thành những tấm gương có sức thu hút rộng lớn và sâu sắc.
Đó là một Tiểu La Nguyễn Thành, con của Bố chánh Bình Định, Kinh lược sứ Nguyễn Trường được mang danh Ấm Hàm và là quý tử có ăn học, đọc nhiều tân thư và cả Binh pháp Tôn Tử trước khi ra kinh ứng thí. Quê ở làng Thạnh Mỹ, huyện Thăng Bình (Quảng Nam), Tiểu La chưa kịp ứng thí thì kinh thành Huế thất thủ và vua Hàm Nghi phải xuất bôn… Sự kiện này là bước ngoặt trong cuộc đời ông.
Một chí sĩ Lê Cơ, theo tài liệu gia đình, là con ông Lê Tuân tức ông Bá Tư và bà Nguyễn Thị Thuộc, một gia đình danh gia vọng tộc trong vùng, là ngoại thích của ông Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Thuật (tức ông Thượng Hà Đình). Ông sinh tại làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương (Tiên Phước), thuở nhỏ theo học với ông Huấn đạo Lộc Sơn tại nhà cùng với 2 người em trai và 4 người chị con ông bác ruột. Các ông bà này có lẽ về sau sẽ trở thành những nữ giáo sư đầu tiên tại trường Phú Lâm. Lê Cơ cùng đi thi khoa Canh Tý 1900 với Phan Châu Trinh (anh em cô cậu ruột) và đậu Tam trường trước khi quyết định ở nhà rồi mới “bị” mời ra làm lý trưởng…
Một Phan Châu Trinh lừng lẫy, sinh ra tại làng Tây Lộc, xã Tam Phước (nay là xã Tam Lộc, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) trong một gia đình danh tiếng. Thân phụ là cụ Phan Văn Bình, làm quan chức Quản cơ Sơn phòng (chức quan võ trông coi biên giới các vùng núi); mẹ là bà Lê Thị Chung, con gái nhà vọng tộc ở làng Phú Lâm thông làu chữ Hán. Cụ Phan Văn Bình sau đó là một nhân sĩ của phong trào Cần Vương có lẽ ít nhiều tác động đến tư tưởng của Phan Châu Trinh. Năm 28 tuổi, Phan Châu Trinh đỗ cử nhân (1900), 29 tuổi đỗ phó bảng (1901), cùng khoa với phó bảng Nguyễn Sinh Huy (thân sinh của Nguyễn Ái Quốc). Năm 1902, Phan Châu Trinh được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Thừa biện ở Bộ Lễ, đến năm 1904 cụ xin từ quan.

Lớp kẻ sĩ kiệt xuất

Cụ Huỳnh Thúc Kháng, sau này trở thành Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, chủ bút báo Tiếng Dân rồi quyền Chủ tịch nước VN Dân chủ cộng hòa.
Ông quê ở làng Thạnh Bình, nay thuộc xã Tiên Cảnh, H.Tiên Phước (Quảng Nam). Cha ông là cụ ông Huỳnh Văn Phương, tự Tấn Hữu, là một phú nông am tường Nho học, nhiều phen thi cử nhưng không đỗ. Tuy cha mất sớm, nhưng từ năm 8 tuổi cụ đã bắt đầu học chữ Nho dưới sự dạy dỗ của người cậu ruột là Tế tửu quốc tử giám Nguyễn Đình Tựu.
Trường hợp cụ Trần Quý Cáp (Trần Nghị) có khác các nhà Duy Tân trên đây về gia thế. Cụ sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, nhưng cha cũng là một người “ham đọc sách” quê ở thôn Thai La, làng Bất Nhị, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Phước, TX.Điện Bàn, Quảng Nam). Trần Nghị rất thông minh, hiếu học từ nhỏ. Tuy nhà nghèo nhưng ở gần nhà cụ Phụ đạo Nguyễn Thành Ý nhiều sách nên được mượn đọc. Năm 20 tuổi, cụ đến học với cụ cử nhân Lê Cung ở làng Nông Sơn, rồi được Đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong nghe tiếng chọn về học ở trường tỉnh ở Thanh Chiêm... Nhờ vậy, Trần Quý Cáp trở thành một trong 6 học sinh lỗi lạc của cụ Đốc gồm Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Quang… mà sau này một số người trong đó đã tạo ra huyền thoại “Ngũ phụng tề phi” đất Quảng…
Điều này giúp chúng ta nhận thấy, các yếu tố kinh tế gia đình, học vấn và tính ưu thời mẫn thế của một lớp kẻ sĩ kiệt xuất Quảng Nam đã đóng góp phần quan trọng vào sự nghiệp Duy Tân, đổi mới, cách mạng của một vùng đất. Giáo sư Hồ Song (tại hội thảo khoa học về Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng hồi tháng 9.1992) khi đánh giá về các nhà Duy Tân xứ Quảng đã cho rằng: “Vai trò của lớp người tiên giác ấy (Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng) đã thức tỉnh và tổ chức quần chúng, chứng minh về khả năng hấp thụ, tạo dựng nên những kỳ tích của những con người bình thường, dân dã khi được tiếp xúc với những hệ tư tưởng mới”.
Một chi tiết khác cần lưu tâm: Những gia đình hào phú ở những vùng bán sơn địa đã sinh ra những anh tài xứ Quảng ấy cũng lại định cư ven những đầu nguồn của dòng Thu Bồn giàu có, chi phối hầu như toàn bộ lịch sử - văn hóa một vùng địa linh này. Đó cũng là các “ngõ nguồn” sản xuất, chế biến và cung cấp các sản vật đến cảng thị Trà Nhiêu, Hội An trong nhiều thế kỷ; làm “kinh tế đối ngoại” cho Đàng Trong giàu có. Rồi đến lượt chính các tàu buôn từ Trung Hoa, Nhật Bản... lại mang về những tân thư (theo nghĩa rộng, gồm cả sách báo và những thành tựu vật chất), nuôi dưỡng và phát huy tinh thần ái quốc, vì dân vì nước của những đứa con ấy!
Có thể thấy, chính cảng thị Hội An với chính sách mở cửa buôn bán, làm bạn với các nước từ thời các chúa Nguyễn Đàng Trong đã góp phần hun đúc cho tinh thần Duy Tân, đổi mới của người Quảng từ những nhà “tiên giác” kiệt xuất!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.