Những người trẻ kể câu chuyện đi xuyên Việt

18/06/2023 07:00 GMT+7

Nhiều người trẻ đi xuyên Việt để cảm nhận niềm vui, hiểu hơn về cuộc sống, tìm kiếm những bài học ngoài trường, lớp.

Phan Văn Dũng (26 tuổi), ngụ P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM, đi xuyên Việt hơn 1 tháng bằng xe máy. Hành trình này mang lại nhiều trải nghiệm mà Dũng cho là không hình ảnh, câu từ nào có thể diễn tả được; chỉ khi có mặt tại đó, nhìn bằng mắt, cảm nhận bằng trái tim, tâm hồn mới thấy chuyến đi thật sự giá trị.

Những người trẻ kể câu chuyện đi xuyên Việt - Ảnh 1.

Phan Văn Dũng chụp ảnh kỷ niệm khi đến suối Lê-nin ở tỉnh Cao Bằng

PHAN DŨNG

Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống của Dũng bị đảo lộn, anh quyết định tạm dừng công việc, lên đường đi xuyên Việt, dành thời gian cho bản thân để cân bằng mọi thứ. Trước khi đi, chàng trai chuẩn bị khoảng 30 triệu đồng cho hành trình từ TP.HCM đến Hà Giang, TP.HCM đến Cà Mau bằng xe máy. Theo tính toán, anh mất 32 ngày để hoàn thành chuyến đi.

"Đây là điều mình ấp ủ từ lâu, muốn có cơ hội khám phá cuộc sống của mọi người xung quanh, hiểu biết hơn về những vùng miền của đất nước", Dũng nói và cho biết 1 tháng trước ngày lên đường, anh lập kế hoạch chi tiết những nơi mình sẽ đi, dự trù kinh phí, bảo dưỡng xe, học các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Những ngày độc hành rong ruổi trên chiếc xe máy vượt gần 5.000 km qua 33 tỉnh, thành phố, Dũng ấn tượng cảnh sắc biển miền Trung, những làng biển xinh đẹp như tranh tại Phú Yên; đường biển hình vòng cung trong xanh ở Vĩnh Hy (Ninh Thuận).

Dọc đường, anh thường xuyên đặt câu hỏi cho bản thân và tự mình giải quyết, từ đó thấu hiểu chính mình hơn. Qua từng nơi khác nhau, anh thấy tầm mắt được mở mang, kiến thức về vùng miền, đất nước làm dày thêm kinh nghiệm sống. Trở về nhà, anh có nhiều câu chuyện kể cho mọi người.

"Lần đó mình đi từ Cao Bằng sang Hà Giang lúc trời tối, rất nhiều sương và gió lạnh, vô tình gặp một anh bị ngã xe bên đường. Mình giúp anh và được anh cho ở nhờ tại nhà. Anh là người dân tộc thiểu số, vợ đi làm xa, nhà thiếu thốn, có 2 con nhỏ rất thương, tối rồi mà cả nhà chưa ai ăn gì. Thế là mình vào bếp nấu ăn cho mọi người. Ban đêm ngủ ở nhà sàn gió lạnh nhưng trong lòng mình rất ấm áp", Dũng kể và nói rằng những câu chuyện giản dị, tình cảm giữa người với người trên hành trình giúp anh trân trọng, yêu quý cuộc sống hơn.

Yêu du lịch, thích khám phá, nhưng với lứa tuổi sinh viên, người mới ra trường như Vũ Thị Thu Thảo (23 tuổi), ngụ P.Bình An, TP.Thủ Đức, chọn đi xuyên Việt bằng xe đạp theo nhóm bạn. Cô gái kể: "Có những ngày đạp xe từ 90 đến 100 km rất mệt, chân cứng đơ, nếu không có đồng đội cổ vũ, động viên, tiếp sức thì mình không thể đi đến cuối cùng".

Nhưng chuyến đi cũng dạy cho Thảo bài học vượt qua giới hạn bản thân, dám thay đổi và khác biệt. Tham gia hành trình, cô có những người bạn luôn lắng nghe, sẵn sàng ngồi với mình, học được cách an ủi người khác, hiểu được sự có mặt của một người cũng là một cách động viên âm thầm.

Nhiều người trẻ cho rằng đi xuyên Việt là một trong những trải nghiệm đáng thử một lần trong đời. Do đó, có nhiều cách để đi xuyên Việt theo khả năng của từng người. Chọn làm tình nguyện viên tại các nông trại là cách Nguyễn Lâm Hậu (28 tuổi), ngụ P.Linh Đông, TP.Thủ Đức, có thể du lịch từ Lâm Đồng đến Ninh Bình với 10 triệu đồng trong vòng 1 năm.

Những người trẻ kể câu chuyện đi xuyên Việt - Ảnh 2.

Vũ Thị Thu Thảo (bìa trái) check-in cùng các bạn khi vượt đèo Hải Vân

VŨ THẢO

Hậu chia sẻ những nông trại, khu cắm trại, dã ngoại quy mô lớn thường tìm tình nguyện viên làm vườn, dọn cỏ, trồng cây, đón khách. Đổi lại họ sẽ hỗ trợ chỗ ở, bữa ăn và lương cho tình nguyện viên. Hậu tìm việc làm ở hội nhóm trên Facebook, sau đó liên hệ, trao đổi công việc.

Chàng trai lưu ý, tình nguyện viên cần tìm hiểu kỹ địa chỉ, thông tin nơi mình sắp làm việc, có fanpage, đánh giá từ Google Maps, chia sẻ của tình nguyện viên trước đó càng tốt. Ngoài ra, những nông trại, khu dã ngoại, cắm trại thường ở vùng sâu, vùng xa có nhịp sống chậm, một số nơi dùng điện năng lượng, không có sóng điện thoại hay wifi khá hạn chế.

Hậu chia sẻ: "Đi xuyên Việt mang lại nhiều trải nghiệm, cũng là một cách để thử thách bản thân, rời khỏi vùng an toàn. Nhưng đi xuyên Việt bạn cũng sẽ phải đánh đổi công việc, chấp nhận bỏ nguồn thu nhập của mình, sẵn sàng đối mặt với rủi ro, tai nạn hoặc một điều gì đó bất kỳ. Do đó, mỗi người trẻ nên cân nhắc kỹ và không đi theo trào lưu khi bản thân không có cái nhìn bao quát và sự chuẩn bị kỹ càng cho hành trình".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.