Những người phụ nữ nhìn ra thế giới

08/03/2024 04:11 GMT+7

Stéphanie Do, nữ nghị sĩ gốc Việt đầu tiên trong Quốc hội Pháp, luôn ý thức được mình may mắn khi có cả hạnh phúc lẫn thành công.

"Mô hình gia đình" của bà tương đối lạ: chồng quyết hết mọi việc trong nhà, còn vợ sẽ "chiến đấu" cho những vấn đề của xã hội. Điều đó dường như không giống với "truyền thống" vẫn được mô tả tại VN - phụ nữ phụ thuộc vào nam giới từ nhỏ tới lớn theo chuẩn tam tòng tứ đức.

Nhưng ngay cả trong "truyền thống", những xác lập vị trí của phụ nữ trong gia đình, trong xã hội Việt vẫn có nhiều câu chuyện đáng kể. Trong số này, có chuyện bà Cả Mọc, con gái nhà yêu nước Hoàng Đạo Thành, lập ra Hội tế sinh để phụng dưỡng người già và nuôi dưỡng trẻ em không nơi nương tựa. Trường học của bà không chỉ nuôi ăn, nuôi học mà còn là cơ sở cho trẻ bình dân, đặt nền móng cho giáo dục mầm non của nước VN độc lập.

Hay như nhà sư phạm Lê Thị Tuất, người VN đầu tiên có chứng chỉ sư phạm hiện đại về giáo dục trước tiểu học. Nhiệt huyết của họ cũng lôi cuốn được nhiều nam giới tham gia vào công cuộc thiện nguyện này. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Hội tế sinh của bà góp công trong việc diệt giặc đói và giặc dốt, nhiều trí thức và thanh thiếu niên tham gia Hội đã đi theo Việt Minh…

Dù mới chỉ có những thành công bước đầu, Hoa hậu Thế giới người Việt Ngô Phương Lan cũng chọn cho mình "vị trí trong phòng khách" chứ không ở bếp. Cô có dự án từ thiện Nhịp cầu tri thức dài hơi, lo từ học phí, học cụ đến bảo hiểm, đồng phục, tiền ăn học cho học trò nghèo ở Đại Lộc, Quảng Nam. Ở đó, trước khi cô tới, học trò vẫn còn phải bơi qua sông để đến trường, đèn chỉ được bật 1 tiếng vào giờ ăn tối nhờ nhà chùa phát tâm cho dùng nhờ máy phát điện.

Điểm chung của họ là những người sẵn sàng nhìn ra thế giới, lo câu chuyện của xã hội - "nữ tính lạ" chứ không chỉ quanh bếp. Nếu bà Cả Mọc ở vậy phụng dưỡng mẹ chồng, lo cho các em khi cha mất, thì những Ngô Phương Lan, Stéphanie Do đã có sự tự do của thời đại. Trong đó, sự hiểu nhau, cách thức chia sẻ của người cùng gia đình vô cùng quan trọng. Họ sẵn sàng bỏ qua sức ép của mô hình truyền thống để có được chất lượng trong từng giây phút cuộc đời. Nói cách khác, là đạt tới sự cân bằng trong chia sẻ.

Ngày 8.3, như thường lệ, lại là ngày ở nhiều nơi tại VN, nam giới tặng quà cho phụ nữ, phụ nữ được "đi ra đi vào". Bản thân việc tặng quà và đi ra đi vào này, về bản chất, cũng là một "mô hình truyền thống" với nội dung tôn vinh phụ nữ trong ngày đặc biệt. Vào những thập niên cuối thế kỷ trước, điều này có thể quan trọng, là tôn vinh, thì bây giờ sự tôn vinh đó không còn nhiều ý nghĩa đến vậy. Khi nhận thức về bình đẳng giới đã tốt lên, sự tôn vinh cần thực chất hơn. Đó là cơ chế, chính sách đặc thù để phụ nữ làm giàu, khởi nghiệp, khẳng định vị thế trong xã hội... Những việc đó cần được làm thường ngày, chứ không phải chỉ trong một ngày kỷ niệm.

Điều quan trọng nhất, xóa bỏ được sức ép lên phụ nữ, chúng ta cũng sẽ xóa bỏ sức ép lên những người mang giới tính còn lại. Sẽ không có ai bị ép phải kết hôn dị giới nếu họ là LGBT; cũng không ai bị bắt phải cứng cỏi, phải kiếm được nhiều tiền nhất trong nhà chỉ vì là đàn ông. Chấp nhận những "nữ tính lạ" cũng là con đường mở ra cái nhìn giới đa dạng, và chỉ có chấp nhận đa dạng, hạnh phúc mới rộng đường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.