Những người 'mắc kẹt' ở phố cà phê đường tàu

08/03/2023 10:10 GMT+7

Thời gian gần đây, bất chấp lệnh cấm và khuyến cáo của lực lượng chức năng, người dân sống ở 2 bên đường ray tàu hỏa (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã sử dụng nhiều cách để tiếp tục đón khách vào uống cà phê, nước giải khát.

Lý giải về việc này, bà Nguyễn Mai Anh (68 tuổi, chủ quán cà phê ga Đông Dương ở Khu tập thể đường sắt chắn 5, đường Trần Phú, P.Hàng Bông, Q.Hoàn Kiếm) cho biết, gia đình không có bất kể nguồn thu nhập nào khác nên đành tiếp tục kinh doanh, dù điều này vi phạm hành lang an toàn đường sắt.

Những phận người 'mắc kẹt' ở phố cà phê đường tàu - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Mai Anh lý giải do không có bất kể nguồn thu nhập nào khác nên đành tiếp tục kinh doanh

NGUYỄN TRƯỜNG

Theo bà Nguyễn Mai Anh, từ năm 1960 - 1975, nhiều cán bộ, công nhân khác được ngành đường sắt phân chia về sống ở khu tập thể. Tiếp đó, tất cả mọi người về nghỉ hưu non theo theo Quyết định 176/HĐBT ngày 8.9.1990 của Hội đồng Bộ trưởng.

Ở thời điểm này, mọi người về hưu nhưng không có trợ cấp xã hội, không có lương hưu và bảo hiểm. Để mưu sinh, bà đã xoay xở đủ thứ nghề nhưng vẫn không đủ tiền nuôi con ăn, học, trang trải cuộc sống, vì nhà trong xóm đường tàu không có mặt tiền.

Phố cà phê đường tàu đóng cửa, khách nước ngoài tiếc nuối ‘quay đầu’

Vào năm 2004, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi được phê duyệt, cũng là lúc toàn bộ khu vực ven đường tàu nằm trong quy hoạch của dự án. Đến năm 2005, khi luật Đường sắt được ban hành, toàn bộ nhà cửa của mọi người được phân chia về đây đều được xác định nằm trong hành lang an toàn đường sắt.

"Kể từ năm 2005 đến nay, chưa có bất kỳ cơ quan chức năng nào đứng ra giải phóng mặt bằng, di dời người dân ra khỏi hành lang an toàn đường sắt; khiến cuộc sống, sinh hoạt của chúng tôi chịu vô vàn khó khăn, vất vả", bà Anh nói.

Những phận người 'mắc kẹt' ở phố cà phê đường tàu - Ảnh 2.

Thời gian gần đây, người dân sống ven đường ray tàu hỏa đã áp dụng nhiều chiêu trò để tiếp tục đón khách du lịch vào sử dụng dịch vụ giải khát

NGUYỄN TRƯỜNG

Khi nhận thấy tiềm năng kinh doanh cà phê, nước uống ven đường tàu có thể cải thiện cuộc sống, bà Anh cũng như các hộ gia đình đã sử dụng chính căn nhà đang ở để phục vụ du khách. Và, phố cà phê đường tàu dần dần hình thành; việc kinh doanh cà phê, nước uống giúp cuộc sống của 7 thành viên trong gia đình bà ổn định hơn.

Tuy nhiên, hồi tháng 9.2022, trước kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc xử lý người buôn bán, chụp ảnh trên đường sắt, gây mất an toàn giao thông, UBND Q.Hoàn Kiếm đã quyết định tạm đóng cửa phố cà phê đường tàu, thu hồi toàn bộ giấy phép kinh doanh của các cơ sở trong khu vực này.

Xem nhanh 20h ngày 7.3: Lại bẫy lừa ‘con đang cấp cứu’ | Động đất liên tiếp ở Kon Tum

Mong được hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi việc phù hợp

Cũng theo bà Anh, việc tạm thời bị đóng cửa khiến cuộc sống gia đình bà bấp bênh. Thời gian đầu, bà cũng như nhiều người dân cơ bản chấp hành quyết định của chính quyền và mong chờ giải pháp để đảm bảo kế sinh nhai. Tuy nhiên, gia đình bà chờ mãi mà chưa thấy cơ quan chức năng có động thái tích cực nào.

"Gia đình tôi có thể nhịn mặc được chứ không thể nhịn ăn được, đành tiếp tục đón khách để mưu sinh. Tại sao các ngành, cơ quan chức năng không có giải pháp giải quyết giúp chúng tôi có cuộc sống ổn định, cứ để chúng tôi mắc kẹt ở nơi này", bà Anh phân bua.

Trước khẳng định của cơ quan chức năng về việc nơi sinh sống đang vi phạm hành lang an toàn đường sắt, bà Anh bày tỏ mong muốn được sớm giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và được chuyển đổi sang công việc thích hợp.

"Không ai trong chúng tôi mong muốn sống bám vào đường sắt như thế này. Dự án đường sắt đô thị thì cứ treo mãi đến bây giờ. Tôi khẩn thiết đề nghị ngành đường sắt sớm có giải pháp để người dân được ổn định cuộc sống. Hoặc là, trong quá trình chưa giải phóng mặt bằng thì cơ quan chức năng có phương án để tôi tiếp tục được kinh doanh, đảm bảo quyền mưu sinh", bà Anh chia sẻ thêm.

Những phận người 'mắc kẹt' ở phố cà phê đường tàu - Ảnh 3.

Cụ Bùi Thị Loan mong muốn mọi người được chuyển đến nơi khác sinh sống để thế hệ trẻ trong khu đường tàu có cuộc sống tốt đẹp hơn

NGUYỄN TRƯỜNG

Cùng chung nguyện vọng, cụ Bùi Thị Loan (88 tuổi, nhân viên đường sắt về hưu sống ở Khu tập thể đường sắt chắn 5) cho hay, bản thân đã già nhưng còn thế hệ con, cháu. Thời gian vừa qua, cụ Loan cảm thấy buồn vì nhiều người đi ngang qua cứ tưởng khu vực này "có gì đó" nên có người đứng canh gác.

"Tôi mong muốn ở trên quan tâm hơn nữa để chúng tôi được chuyển đến nơi khác sinh sống. Có như vậy thì cuộc sống của thế hệ con, cháu, tầng lớp thanh niên, thiếu nhi trong khu này sẽ tốt đẹp hơn, đỡ khổ hơn đời tôi", cụ Loan trăn trở.

"Chẻ" theo luật thì không được phép tiếp tục kinh doanh

Theo lãnh đạo UBND P.Hàng Bông, ở Khu tập thể đường sắt chắn 5 có 43 hộ dân đang sinh sống, trong đó có 20 hộ kinh doanh dịch vụ ăn, uống, cà phê. Kể từ khi UBND Q.Hoàn Kiếm có quyết định tạm đóng cửa phố cà phê đường tàu, một số hộ dân đã dừng hẳn dịch vụ kinh doanh ăn, uống; số còn lại đang cố bám trụ vì không có nghề nghiệp ổn định.

Trước động thái chống đối, dùng chiêu trò để tiếp tục đón khách của người dân phố cà phê đường tàu, vị lãnh đạo này bày tỏ sự cảm thông, nhưng "chẻ" theo luật thì không được phép tiếp tục kinh doanh.

Những phận người 'mắc kẹt' ở phố cà phê đường tàu - Ảnh 4.

Hình ảnh du khách đứng trong quán cà phê quan sát tàu hỏa đi qua vào chiều 4.3

QUỲNH VÂN

Về giải pháp ngăn chặn hoạt động kinh doanh ven đường tàu trong thời gian tới, lãnh đạo UBND P.Hàng Bông cho biết sẽ gửi văn bản đến Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Sở Du lịch Hà Nội, Công an Q.Hoàn Kiếm đề nghị cùng phối hợp.

Ngoài ra, P.Hàng Bông cũng sẽ đề nghị Phòng Tư pháp (UBND Q.Hoàn Kiếm) tư vấn chế tài xử lý để cưỡng chế xử phạt các trường hợp chống đối, hoặc tư vấn hướng xử lý vi phạm đảm bảo theo quy định của pháp luật.

"Phường cũng mong ngành đường sắt sớm có giải pháp giải phóng mặt bằng, đưa người dân ở phố cà phê đường tàu đến nơi khác sinh sống. Như vậy mới giúp họ có cuộc sống đỡ bấp bênh hơn. Họ đều là những cán bộ, công nhân viên trong ngành đường sắt, sống ở đây ít nhất cũng 2 thế hệ", vị lãnh đạo này bày tỏ.

Theo UBND Q.Hoàn Kiếm, có hơn 30 hộ dân kinh doanh cà phê ngay sát tuyến đường tàu đi qua các phường Hàng Bông, Cửa Đông, Cửa Nam... Với quan điểm không đánh đổi sự an toàn của người dân với bất kể lợi ích kinh tế nào, hồi tháng 9.2022, chính quyền sở tại đã lập rào chắn, chốt chặn hai đầu lối vào phố cà phê đường tàu nằm trên đường Trần Phú và Phùng Hưng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.