Những người lao mình vào thảm họa: Ám ảnh nghẹn lòng tình mẫu tử phút cuối

27/02/2023 12:12 GMT+7

Lần cứu nạn cứu hộ vụ tàu chìm, trung tá Nguyễn Chí Thành tìm thấy xác người mẹ đang ôm con chặt cứng.

Cứu nạn cứu hộ không chỉ cần sức khỏe...

Nổi tiếng dấn thân, xông pha ở những trận địa cứu nạn cứu hộ nguy hiểm, trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó đội trưởng Đội Công tác chữa cháycứu nạn cứu hộ (PC07, Công an TP.HCM) còn có "duyên" chứng kiến hình ảnh tình cảm gia đình thiêng liêng, cha mẹ dang tay che chở con cái cả khi không còn cơ hội sống…

Phía sau tấm ảnh lính cứu hỏa Việt Nam ăn bánh mì giữa đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ

Những người lao mình vào thảm họa: Lần cứu nạn cứu hộ ám ảnh  - Ảnh 1.

Trung tá Nguyễn Chí Thành tham gia cứu nạn cứu hộ sau thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ

PC07

Nhớ những ngày cứu nạn cứu hộ sau thảm họa động đất khủng khiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ, trung tá Thành vẫn bị ám ảnh bởi sự hoang tàn đổ nát. Sau một ngày bới từng lớp đất đá, mảng tường, anh nhìn thấy 4 nạn nhân nằm chồng lên nhau, gồm có cha mẹ, con trai 12 tuổi và con gái 4 tuổi.

"Cha mẹ đang vòng tay che chở cho các con. Rất đau lòng, thương tâm, đồng cảm. Tôi cũng có gia đình nên thấy được sự thiêng liêng, những phút cuối đời họ vẫn bảo bọc nhau", anh xót xa.

Để có thể đưa từng người ra khỏi đống đổ nát, anh vừa làm vừa nói nhỏ: "Chúng tôi là lực lượng CNCH của Việt Nam đến đây để tìm kiếm các bạn. Hãy cho phép đưa các bạn lên, ở đây lạnh lẽo lắm".

Trung tá Nguyễn Chí Thành nổi tiếng vì xông pha nhận các nhiệm vụ khó - Ảnh: Vũ Phượng, PC07

Anh Bùi Xuân Mai (người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ phiên dịch cho đoàn) xúc động cho biết, khi ấy, cả 4 người ôm chặt lấy nhau, vòng tay của người cha như bao bọc, che chở cả gia đình. Chứng kiến anh Thành vừa làm vừa nói rồi đưa được 4 thi thể ra ngoài, anh Mai cảm nhận được, anh Thành làm cứu nạn không chỉ có sức khỏe, mà còn có trái tim yêu thương, sẻ chia.

Nhưng đây không phải lần đầu anh gặp tình cảm gia đình thiêng liêng trong khi cứu nạn.

Dưới lòng sông tối đen như mực, tôi mò mẫm thì tìm được một người phụ nữ. Chuẩn bị đưa chị này kéo ra ngoài thì phát hiện tay chị vẫn ôm chặt con. Hình ảnh ấy cả đời tôi không thể quên, đến chết người mẹ vẫn ôm chặt con"

Trung tá Nguyễn Chí Thành

Trước đó, năm 2011, anh tham gia cứu nạn cứu hộ vụ tàu chìm ở KDL Dìn Ký Bình Dương, lặn mò tìm 16 nạn nhân mất tích. Đó là ngày trời giông gió, mưa lớn, lục bình kín mặt sông, lực lượng không thể nào xác định được vị trí tàu chìm.

Tất cả cùng bung sức, từ 18 giờ hôm trước đến 13 giờ ngày hôm sau mới xác định được vị trí tàu. Anh kể: "Dưới lòng sông tối đen như mực, tôi mò mẫm thì tìm được một người phụ nữ. Chuẩn bị đưa chị này kéo ra ngoài thì phát hiện tay chị vẫn ôm chặt con. Hình ảnh ấy cả đời tôi không thể quên, đến chết người mẹ vẫn ôm chặt con".

Chính những hình ảnh ấy thôi thúc trung tá Thành bằng mọi cách phải cứu được người hoặc ít nhất đưa nạn nhân về với gia đình của họ, dù là trong hoàn cảnh nào.

Mất ngủ vì sợ hãi

Cùng đội với trung tá Nguyễn Chí Thành, đại úy Nguyễn Trường Nam có gần 17 năm làm công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho hay, đến giờ, anh vẫn còn cảm thấy run sợ khi nhắc đến lần tham gia lặn tìm người trong vụ nổ sà lan xáng cạp ở Long An (đoạn giáp TP.HCM).

Những lần cứu nạn cứu hộ, các chiến sĩ phải lặn dưới dòng nước đen kịt nhiều giờ

Khi ấy, trung tá Thành còn là tiểu đội phó. Anh Nam và anh Thành lặn chung một đường dây xuống sông Vàm Cỏ Đông tìm nạn nhân mất tích. Đại úy Nam kể lại: "Khi đó đang lặn mò tìm thì anh Thành và tôi cùng mò trúng thi thể, tôi tính ôm đi lên mà anh Thành không cho, anh ôm một mình rồi anh cứ đẩy đi lên rồi hai anh em lên cùng một lúc. Lên đến mặt nước, tôi nhìn thấy nạn nhân chỉ có nửa thân dưới, nội tạng đổ hết ra ngoài. Tới đó đã hiểu vì sao anh Thành nhận làm mà không để tôi phụ. Về nhà tôi bỏ ăn thịt thà, màu trắng, màu đỏ. Ngủ chập chờn, hình ảnh đó cứ luẩn quẩn trong đầu".

Tiếp xúc với nhiều thi thể trước đó, nhưng đây là lần đầu anh Nam tìm thấy nạn nhân không còn nguyên vẹn. Ngoài lặn tìm thi thể, anh cùng đồng đội cũng phải mang bịch đi lượm từng khối thịt còn vương vãi trên mặt đất, nỗi ám ảnh lại in hằn vào tâm trí.

Những người lao mình vào thảm họa: Lần cứu nạn cứu hộ ám ảnh  - Ảnh 5.

Những người lính PCCC và CNCH lao mình vào nơi nguy hiểm cứu người, cứu tài sản

PC07

"Đây là một vụ nổ 5 người chết. Thấy tôi như người mất hồn, anh em làm trước đã động viên, nói cứ bình thường không sao, nói ý nghĩa việc mình làm, trấn an tâm lý mình lại. Dần dần 1 - 2 tuần tôi cũng hoàn hồn, quay trở lại với công việc", anh nhớ lại.

Thượng úy Nguyễn Nhật Phương (vào nghề 10 năm) cũng không quên được lần chữa cháy đầu tiên tại ngôi nhà 3 tầng trên đường Hàn Hải Nguyên (Q.11) năm 2013.

Khi đến nơi, lửa bao quanh toàn bộ ngôi nhà, anh cùng đồng đội vừa dùng lăng phun nước, vừa dùng các thiết bị để phá cửa tiến vào bên trong. Mò mẫm trong bóng tối đen đặc khói, dưới ánh đèn trên chiếc nón bảo hộ, anh dùng bình khí tài tiến vào trong tìm thi thể.

Tham gia nhiều vụ chữa cháy và CNCH, thượng úy Nguyễn Nhật Phương đã vượt qua được nỗi sợ của chính bản thân

"Đó là lần đầu tôi tiếp cận thi thể, rất sợ hãi, được anh em đồng nghiệp động viên, hỗ trợ, tôi gạt qua sự sợ hãi cùng anh em đưa thi thể nạn nhân ra ngoài. Nhưng về đến đơn vị thì vẫn sợ, ám ảnh hơn 1 tuần sau mới dần quên", anh chia sẻ.

Sau đó, tưởng đã quen với nghề tiếp xúc thi thể, đầu năm 2014, thượng úy Phương tham gia chữa cháy trong vụ nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa chế tạo pháo hoa khiến 4 người chết. Đang cầm vòi xịt, thấy đồng nghiệp quấn chiếu đưa thi thể ra khỏi đám cháy, anh lại đứng sững người, tay chân bủn rủn.

Mất một lúc sau, anh mới hoàn hồn, tiếp tục công việc.

"Những lần sau đó, tôi dần dần hết sợ vì nghĩ rằng người chết cũng như người sống, chỉ là người ta nằm đó, không di chuyển được nữa thôi nên quen với công việc", anh bộc bạch.

Trăn trở khi có cháy

Vào ngành hơn 30 năm, đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PC07, Công an TP.HCM) cho biết, sau lần tận mắt chứng kiến các chiến sĩ chiến đấu với "giặc lửa" ngày còn đi học, ông đã ước mơ được trở thành cảnh sát PCCC.

Tốt nghiệp thủ khoa Cao đẳng Chữa cháy năm 1994 về làm chiến sĩ số 1 - chiến sĩ cầm lăng phun nước tại đội PCCC Q.3, lần lượt qua nhiều nhiệm vụ ở cơ sở, năm 2018, đại tá Tâm được bổ nhiệm Trưởng phòng PC07.

Những người lao mình vào thảm họa: Lần cứu nạn cứu hộ ám ảnh  - Ảnh 7.

Đại tá Huỳnh Quang Tâm (phải) chỉ huy trực tiếp tại hiện trường vụ cháy tại Q.5

PC07

Khi được hỏi về kỷ niệm khó quên trong nghề, đại tá Huỳnh Quang Tâm kể ngay, đó là một vụ cháy ở Q.3, lúc đó ông còn là tiểu đội trưởng. Đám cháy rất lớn, ông cùng 2 người khác tiến sâu vào trong nhà để dập tắt.

"Vậy nhưng chúng tôi vừa đi qua bức tường, trong tích tắc bức tường sập ngay sau lưng. Thời điểm xảy ra cháy là ban đêm, mình không kịp quan sát nhận định bức tường thế nào. Đó là lần hết sức may mắn, giúp tôi rút ra được rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình cứu nạn cứu hộ sau này", Trưởng phòng PC07 nói.

Nhận nhiệm vụ làm chỉ huy, đại tá Tâm ít xuất hiện tại hiện trường, nhưng mỗi khi nhận tin báo cháy, bằng kinh nghiệm lâu năm, ông vẫn trực tiếp điều động lực lượng, chủng loại phương tiện gì cho phù hợp, áp dụng kỹ thuật chữa cháy thế nào…

Vì vậy, cũng như các chiến sĩ, đại tá Huỳnh Quang Tâm cũng trăn trở, thấy có lỗi mỗi khi để xảy ra các vụ cháy. "Những trăn trở ấy đi theo tôi liên tục, như cái nghiệp của mình nên tôi luôn rút ra bài học kinh nghiệm để tham mưu, tổ chức sao cho hiệu quả. TP.HCM khoảng 15 triệu dân, rất nhiều cơ sở hoạt động, chúng tôi phải làm sao phòng cháy tối đa, nếu chẳng may có cháy xảy ra thì phải cố gắng hết sức để dập tắt nhanh nhất", Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ bày tỏ.

(Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.