Những người không ngủ chờ... tết

Thúy Hằng
Thúy Hằng
11/01/2022 07:41 GMT+7

Càng gần tết, những người trẻ kinh doanh hoa tết càng thấp thỏm. Ở những chợ hoa đầu mối TP.HCM, nơi mở cửa suốt đêm, mọi người không ngủ để chờ đón tết - vụ buôn bán lớn nhất trong năm.

Đi qua đại dịch Covid-19, tình hình buôn bán liệu có khởi sắc hơn để bà con có một cái tết ấm no?

Dè dặt

Chúng tôi có mặt ở chợ hoa tươi Đầm Sen (Q.11) đúng lúc những xe hàng từ Đà Lạt chở hoa xuống. Trong đêm, nhiều thanh niên lực lưỡng cõng những kiện hoa nặng trịch đi phăm phăm trong lòng chợ. Tại sạp số 7, anh Nguyễn Thái Bình (33 tuổi, quê Tiền Giang, chủ sạp) cho hay đây là năm thứ 5 anh bán hoa ở chợ, thì 3 năm “nếm mùi” Covid-19. Sau giãn cách xã hội, anh Bình tâm tư rằng chợ vẫn chưa lấy lại được sự tấp nập, huyên náo như những năm trước.

Bán cơm chiên trước cổng chợ 3 năm nay, chị Lê Thị Ngọc (ngụ Q.11) lấy một ví dụ sinh động để thấy chợ đã vắng vẻ hơn: “Trước tôi bán mỗi đêm hết bay 9 ký gạo, bây giờ chỉ 3,5 ký” và “ngày trước bán từ 7 giờ 30 tối tới 3 giờ hôm sau là hết. Bây giờ phải ngồi nán tới 7, 8 giờ sáng”. Chị Ngọc tâm tư: “Ai cũng hồi hộp, chỉ mong không bùng phát dịch thêm lần nào nữa. Mấy hôm nay nghe ngóng tình hình F0 giảm mạnh ở TP cũng mừng lắm. Mong yên ổn để chúng tôi buôn bán, kiếm ít tiền ăn tết”.

Cùng với cha mẹ quản lý sạp hoa của gia đình từ năm 20 tuổi đến nay, chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (31 tuổi), sạp hoa số 1 hoa Phú Thọ trong chợ hoa tươi Đầm Sen, chưa quên những ngày tháng thịnh vượng khi chưa ai biết Covid-19 là gì. Sạp nhà chị trải rộng trên 4 căn nhà sát nhau ở cổng chợ Đầm Sen, thông thường có khoảng 20 nhân viên phụ bán. Tháng chạp, sạp bán 24/24 giờ, chủ yếu về đêm bởi đông khách sỉ và lẻ hơn cả. “Cha mẹ tôi bán hàng đã hơn 20 năm. Những cái tết trước đây, tất cả mọi thành viên đều bán hàng quay cuồng. Tới chiều 30 tết là sạch sẽ, không còn hoa gì. Chúng tôi chỉ nghỉ đúng ngày mùng 1 tết. Còn mùng 2 lại bắt đầu năm kinh doanh mới”, chị Nhung hồi tưởng.

Nhưng đó là những năm trước. Chị Nhung cho hay Tết Nguyên đán năm ngoái số hoa bán ra sụt giảm 40% vì ảnh hưởng dịch. Năm nay không biết khách mua hàng thế nào, nên chị vẫn chưa dám đặt hàng tết mà phải “nghe ngóng từ giờ tới rằm tháng chạp xem sao”.

Thông thường, tết là lúc nụ tầm xuân, hoa lan, hoa ly bán rất chạy. Hoa nhập khẩu như cúc mẫu đơn, đào đông, thanh liễu giá cao nhưng nhu cầu vẫn lớn. Không chỉ cung cấp hoa sỉ, lẻ cho TP.HCM, chị Nhung cung cấp hàng cho hầu hết các tỉnh miền Tây. Những tháng dịch, hàng bán ở TP.HCM đã chậm, tỉnh nào ở miền Tây giãn cách xã hội là họ cũng ngừng nhập hàng luôn vì “người dân đóng cửa ở trong nhà, ai mua bán bông hoa gì nữa”. Cô chủ trẻ bộc bạch: “Người miền Nam rất thích chơi nụ tầm xuân. Những tết trước, nhân viên cắm hoa luôn tay. Năm nay hồi hộp lắm, mong chờ dịch bệnh yên ổn, mọi người tuân thủ 5K, để ngày tết suôn sẻ cho chúng tôi bán buôn bình thường”.

Cũng thấp thỏm vì dịch, nhưng với anh Nguyễn Thái Bình thì suy nghĩ lạc quan: “Đi qua một năm dịch bệnh, nhiều biến cố, người dân sẽ đón một mùa xuân sung túc, an yên tại nhà. Năm ngoái nhập hoa bán tết 8 phần thì năm nay tôi dự định nhập 10 phần”.

Những người không ngủ ở chợ hoa tươi Đầm Sen (Q.11, TP.HCM). Đêm xuống, những thanh niên đẩy, vác kiện hoa đi phăm phăm trong lòng chợ.

Thúy Hằng

Hồi hộp “tháng củ mật”

Mới trở lại chợ hoa tươi Đầm Sen từ đầu tháng 10.2021 sau nhiều tháng giãn cách ở quê, Lương Thành Tài (24 tuổi, quê H.Gò Công Đông, Tiền Giang) đang thấp thỏm trong tháng chạp, vốn được coi là “tháng củ mật”. Là người làm thuê ở sạp hoa số 5 Phúc Hưng, Tài kể anh vốn sống về đêm. Mỗi ngày làm từ 8 giờ tối tới 9 giờ hôm sau, chủ của anh mà bán hết hàng vèo vèo thì anh em làm thuê như Tài mới có lương ăn tết. Tết năm ngoái, tính cả tiền lương tháng 12, thưởng tháng 13, Tài mang về 22 triệu đồng, số tiền rất lớn so với thu nhập từ trái sơ ri của bà con quê nhà. Anh giãi bày: “Mong sao F0 cứ giảm mạnh như đà này để tết nhất suôn sẻ, cho bán buôn phát đạt”.

Ghé chợ hoa Hồ Thị Kỷ (Q.10) cũng mở cửa cả ngày và sôi động nhất về đêm, chúng tôi lắng nghe những tâm tư của nhiều người trẻ kinh doanh trước tết 2022.

Trần Hồ Ánh Linh, 20 tuổi, quản lý sạp hoa Ánh Khôi tại chợ này, luôn tay ghi chép những đơn hoa lay ơn Đà Lạt. Cô cho biết ngày tết nhu cầu lay ơn sẽ tăng, đặc biệt các màu đỏ, cam. Giá hoa cũng sẽ nhích dần lên tùy giá chợ. “Từ 26 tết trở đi, bán hàng không xuể, gấp đôi, gấp ba bình thường. Nhưng năm nay dịch bệnh, bà con kinh tế khó khăn hơn, không biết còn mua hoa nhiều không. Chúng tôi cũng chưa dặn nhà vườn về số lượng hoa tết, cứ nghe ngóng dần xem sao”, Linh nói.

Trong khi đó, ở sạp số 001 lô B chợ Hồ Thị Kỷ, chuyên hoa hồng Đà Lạt, Nguyễn Vân Anh (20 tuổi) cho hay thông thường mỗi tháng chạp, cô và nhân viên cắm hoa, gói hoa không ngớt tay cả ngày lẫn đêm. “Nhưng tết năm nay thì không ai dám dự đoán vì dịch bệnh vốn đầy bất ngờ”, cô tâm tư.

Chị Nguyễn Thanh Lệ, chủ tiệm gốm Hạnh Phúc, chợ Hồ Thị Kỷ, cho hay nếu số lượng ca F0 của TP.HCM cứ giảm mạnh như những ngày qua, dịch bệnh hạ nhiệt mạnh ở TP, những người trông chờ cả năm vào mấy ngày tết như chị mới đỡ mất ăn mất ngủ. Chị Lệ bộc bạch: “Năm nay tôi không trông chờ vào việc gửi hàng đi các tỉnh, chỉ đợi mỗi tết ở TP. Ngày tết vốn bán được nhiều bình gốm gấp 10, 12 lần ngày thường vì ai cũng có nhu cầu trang trí, sửa sang nhà cửa. Chúng tôi cũng đang “nín thở” đợi tết, cầu mong cho tình hình an yên, để tất cả bà con được ấm no”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.