Những người giữ lửa cho bếp cơm gần 30 năm giữa Sài Gòn

20/06/2021 06:37 GMT+7

Có một căn bếp từ thiện nằm trên đường Rạch Bùng Binh (P.10, Q.3, TP.HCM) rộng chưa đến 10 m2 nhưng lại là nơi nấu bữa cơm nhà cho biết bao trẻ mồ côi, sinh viên khó khăn, người già neo đơn.

Trời Sài Gòn oi ả. Tấm màn kéo ghi đơn giản “bếp cơm từ thiện” không che đi hết cái nóng từ mặt đường. Bà Nguyễn Thị Phương (78 tuổi) vẫn áo bà ba, khăn rằn ngồi lặt trà ở góc căn bếp từ thiện Hội Cựu chiến binh P.10, Q.3. Bà không còn là người nấu chính 2 - 3 năm nay, nhưng là người “giữ lửa” cho bếp cơm hoạt động.

Nhà bà Phương nuôi trẻ mồ côi

Mỗi ngày, bà Nguyễn Thị Phương luôn có mặt khi bếp đến giờ phát cơm. Bếp có 2 người nấu chính. Cô Lê Thị Hạnh lo chuyện lặt rau, gọt củ quả và làm tài xế của bà Phương khi cần. Còn chuyện chiên xào, nêm nếm là của cô Huỳnh Thị Nở. Cả hai đều là những hoàn cảnh khó khăn và được hỗ trợ từ bếp cơm.
Từ sau năm 1995, trong một con hẻm nhỏ gần công trường Dân Chủ, người ta đã truyền tai nhau “nhà bà Phương nuôi trẻ mồ côi”. 4 giờ sáng, hơn 10 đứa trẻ tuổi ăn tuổi lớn đã đến gọi cửa nhà bà Phương. “Có đứa mồ côi, có đứa tật nguyền. Tụi nó còn ông bà, cô chú nhưng lại không ai chăm. Nên sáng là lại qua tìm bà Phương”, bà kể. Bữa sáng, bà Phương cho tụi nhỏ 1.000 - 2.000 đồng mua gói xôi, bịch cháo. Còn cơm trưa, chiều, bà nấu để tụi nhỏ ăn chung cho có mùi vị “gia đình”.
Vừa nấu cơm nuôi trẻ mồ côi, bà Phương trích thêm tiền thương binh của chồng và tiền con cái cho hằng tháng để mua thêm gạo, dầu ăn cho những gia đình đặc biệt khó khăn và người già neo đơn sống gần nhà. Lấy ngắn nuôi dài, bà Phương lập thêm tổ làm giá đỗ, muối dưa, dán bao bì… đủ việc thời vụ để mọi người trong khu có việc làm và bà cũng có thêm tiền mua gạo, mua dầu.
Duy trì hơn 10 năm, những đứa trẻ ăn cơm nhà bà Phương cũng lớn, tìm được việc làm. Bếp cơm cũng bắt đầu có nhiều nhà hảo tâm đóng góp để nấu thêm nhiều suất cơm từ thiện. Đến năm 2017, UBND phường cấp mặt bằng trên đường Rạch Bùng Binh cho bếp cơm làm “trụ sở”.
Những người giữ lửa cho bếp cơm gần 30 năm giữa Sài Gòn1

Các cụ già đến góp tiền hưu của mình cho bếp cơm

Cơm từ thiện ngon như cơm nhà

Giờ hẹn đến lấy cơm mỗi ngày là 9 giờ 30 phút. Các cô ở bếp sẽ chuẩn bị thức ăn cho 60 - 70 người ăn đủ 2 bữa trưa, chiều. Luôn có hơn 60 người nằm trong danh sách hỗ trợ cố định, phần còn lại dành cho khách vãng lai. Mỗi phần ăn sẽ có cơm, món mặn, món xào và canh. Thực đơn được thay đổi mỗi ngày để sinh viên khó khăn, người già neo đơn, cựu thanh niên xung phong mất sức lao động đến nhận cơm mỗi ngày không cảm thấy ngán.
Phụ bếp cơm từ những năm đầu, cô Nở “biết ý” của từng người đến nhận cơm. Khoảng 11 giờ trưa, nghe tiếng “con chào bà, con chào cô” của em Phan Công Ty (22 tuổi), cô Hạnh quay ngay vào bếp múc đồ xào và canh. Còn cô Nở vừa xới 2 bịch cơm đầy, vừa giải thích: “Thằng Ty ăn cơm nhiều nên phải múc thêm, không là nó đói, tội!”. Bà Phương vừa thấy Ty đã giới thiệu: “Thằng bé giỏi lắm, đề tài nghiên cứu cấp trường mới được duyệt. Lãnh được 7 triệu nữa đó”, bà Phương kể, hãnh diện như một người bà kể về cháu mình.
4 năm học tại Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM thì cũng tròn 4 năm Ty ăn cơm do bà và các cô ở bếp cơm nấu.
Nghe lời bà Phương kể, Ty cười tít mắt: “Bạn bè trong trường truyền tai nhau, ai khó khăn thì kiếm bếp cơm bà Phương, bếp cơm miễn phí và ngon như nhà nấu”. Sinh viên khó khăn muốn đăng ký ăn ở bếp cơm, không cần thưa gửi gì, hầu hết các bạn đều xin bằng những bức thư tay nêu rõ hoàn cảnh cá nhân.
Là người trực tiếp đứng nấu, cô Nở tâm sự, dù là cơm từ thiện, bà Phương luôn dặn phải đủ món, đầy đủ chất như “cơm nhà”. “Chính mình những ngày khó khăn cũng nhận cơm của bếp ăn. Mình hiểu sự khó khăn của người nhận, lòng tự trọng của họ. Chính vì vậy mà không thể làm sơ sài”, cô Nở kể.

Góp gió thành bão

Tùy vào thực đơn là trứng, cá hay thịt, tiền chợ mỗi ngày sẽ dao động từ 400.000 - 700.000 đồng. Nguồn kinh phí cho bếp cơm, bà Phương cho biết đều do bà con sống xung quanh “góp gió thành bão”. “Người ta góp không nhiều, khi thì 100.000 đồng, nhiều thì góp 500.000 đồng, nhưng họ rỉ rả cho suốt mấy chục năm”, bà Phương lý giải. Bà còn kể, bếp cơm may mắn có những nhà hảo tâm “đặc biệt”. Có anh xe ôm lâu lâu lại ghé cho một bịch rau củ, có chị bán vé số có ký muối, ký đường cũng góp sức.
Mọi tấm lòng góp vào bếp cơm đều được bà Phương tỉ mẩn ghi lại từng cái một. “1 kg muối mình cũng vẫn viết thư cảm ơn. Vì đó là tấm lòng của người ta. Nhiều năm trước có anh mặc áo điện lực đến quyên 10 triệu, hỏi mãi anh ấy không nói tên. Anh ấy trờ xe đi là tôi chạy theo ngay để ghi lại cho bằng được biển số xe”, bà Phương kể lại.
Để duy trì bếp cơm gần 30 năm nay, bà Phương khẳng định, sổ sách minh bạch là điều tiên quyết. Ngay tại bếp cơm, bà còn giữ những quyển sổ ghi chép những khoản nhận của bếp cơm qua từng năm. Gạo, mì gói, cháo dinh dưỡng được nhà hảo tâm chuyển đến đều có chữ ký xác nhận của tài xế.
Bà Phương còn nói mình giữ cả những quyển sổ từ những năm 1994, 1995 trong “tàng kinh các” ở nhà bà. “Sợ mối mọt ăn mất. Biết bao kỷ niệm!”, bà tặc lưỡi.
Bếp ăn của bằng khen
Với những công việc thầm lặng của mình, tập thể bếp cơm từ thiện Hội Cựu chiến binh P.10, Q.3 và cá nhân bà Phương nhận nhiều bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận các cấp. Ngày 12.3 vừa qua, bà Nguyễn Thị Phương đã đại diện tập thể bếp cơm nhận Bằng khen của UBND TP.HCM vì “đã có những đóng góp tích cực trong thực hiện các chương trình xã hội từ thiện liên tục nhiều năm, được bình chọn, tuyên dương là tấm gương thầm lặng mà cao cả trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố - lần 4”.
Mời bạn đọc gửi bài tham gia cuộc thi viết Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức với tổng giải thưởng 260 triệu đồng
Câu chuyện phản ánh trong bài dự thi phải là người thật, việc thật. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng để cho cuộc sống ngày một tốt hơn, góp phần lan tỏa những câu chuyện đầy tính nhân văn (nhận bài từ ngày 26.3 đến hết 31.7.2021).
Thể loại: ký sự, phóng sự hoặc ghi chép.
Giải thưởng dành cho tác giả có bài viết dự thi:
1 giải nhất: 30.000.000 đồng.
2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng.
3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng.
5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
5 nhân vật được vinh danh do Ban tổ chức và bạn đọc bình chọn: 30.000.000 đồng/trường hợp.
Bài dự thi gửi qua địa chỉ email chương trình: songdep@thanhnien.vn, Hoặc bằng thư qua đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi viết Sống đẹp).
Độc giả có thể xem thể lệ chi tiết tại địa chỉ: bit.ly/cuocthivietsongdep
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.