Những ngày lang thang… bánh mì!

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
10/10/2022 13:33 GMT+7

Đôi khi, đi qua những phố phường, tôi chợt dừng lại. Một Sài Gòn mùa nối tiếp mùa, năm nối tiếp năm đọng lại quá nhiều kỷ niệm với một kẻ tự nhận mình lang thang.

Và đôi khi, với ổ bánh mì, quen thuộc với những ông chủ bà chủ đứng sau chiếc xe bên vệ đường. Ký ức ấy của tôi, có khi chỉ với trên tay ổ bánh bọc trong tờ giấy báo…

Huế và 10 năm không gặp… bánh mì

Năm 1972, gia đình tôi từ Quảng Trị vào trú ngụ ở Phú Lương (Huế), một địa chỉ gần với sân bay Phú Bài, bây giờ thuộc thị trấn Hương Thủy. Một thị trấn nhỏ chạy dọc theo QL1, đêm xe nhà binh mải miết ngược xuôi, ngay từ sáng sớm tiếng rao bánh mì và các thứ bánh bèo nậm lọc trải dài theo con đường loang lổ thời chiến trận. Mạ tôi có chiếc hầu bao nho nhỏ bỏ từng đồng bạc khến (5 đồng) và bạc tròn (10 đồng) thời ấy. Bà để đó và thỉnh thoảng lại móc ra cho lũ nhỏ chúng tôi ăn quà vặt. Có khi buổi xế chiều, 5 đồng bạc khến là mua được một ổ bánh mì ngọt cuộn tròn như con rắn múp míp. Nhưng buổi sáng sớm, khi tiếng rao “bánh mì đây” bay qua cánh cổng nhà bà cô (là nơi gia đình tôi trú ngụ), mạ tôi lại móc cho mỗi đứa 10 đồng. Chừng ấy, đủ cho một ổ bánh mì nhỏ, nóng rất giòn với vài lát thịt, chả và món nước chan rất dụng công của mấy o mấy mệ.

Tung tăng ra cổng, là đón trên tay một món ăn sáng vừa có chút vị béo của thịt, chút tinh bột nở phía ngoài thì giòn phía trong thì mềm mại đằm một thứ nước đỏ au. Cứ thế, rong chơi cho hết buổi sáng thời chiến không phải đến trường.

Ba tháng ở Phú Lương vào mùa thu ấy, rồi lại đến 10 năm sau, năm 1982, khi từ quê nhà Quảng Trị trở lại Huế, tôi lại gặp trên một vài con đường có bán bánh mì. Một thứ bánh mì của những ngày khó khăn bao cấp, thật khó tả được vị của nó. Nhưng người ta trong tháng ngày kham khổ cũng “nhớ” đến bánh mì bằng cách này hay cách khác. Bột mì rất hiếm, và các thứ nhào trộn để nướng ra chiếc bánh mì cũng khác. Song, ở quê nhà miền quê Gio Linh (Quảng Trị) của tôi bấy giờ làm sao có được. Những ổ bánh mì nhỏ, hầu như không có bột nở ấy, cũng truyền được hơi ấm nhớ nhung để qua cả một mùa đông dài của Huế.

Ấy là một cảm thức gặp lại ổ bánh mì sau 10 năm, cho dù trong thời đoạn gian lao thiếu thốn, vẫn lưu dấu một điều thú vị để bây giờ ngồi nhớ…

Ổ bánh mì chị O. trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nhỏ nhắn vậy, nhưng rất ngon khi bên ly cà phê nhâm nhi ngày mới đến

TRẦN THANH BÌNH

Bánh mì mỗi sáng đường quen

Khó nói hết từ những năm của thập niên 1980 đó cho đến bây giờ, dù một thời gian dài hiếm khi xuất hiện, bánh mì đã… quẫy mình để lên ngôi. Có khi thầm lặng, có khi sôi nổi chẳng chút e dè để cạnh tranh với những món ăn khác nhan nhản vỉa hè. Khác với những món ăn phải tụ hội quán xá với hương vị của đủ thứ như phở, bún, hủ tiếu, bánh cuốn, bún đậu…, bánh mì tự lâu nay vẫn là một món ăn di động: xe đẩy với nhiều thứ thực phẩm ăn kèm cùng gia vị hay đựng trong bao bố ủ nóng cột trên xe đạp hoặc có khi chỉ với một chiếc bàn tẻo teo vừa đủ để vài hộp thịt, chả. Dù cả khi có tiệm, có quán trưng bày hoành tráng nhưng bánh mì cũng vẫn là thứ mang về. Một món ăn không phân biệt thực khách là thế, nó luôn bình đẳng như dáng vẻ xưa nay vẫn vậy. Tiền nhiều, thì đến xếp hàng ở những tiệm bánh mì nổi tiếng của Sài Thành, nhưng tiền ít cỡ chục ngàn cũng có thể dằn bụng buổi sáng bên chiếc xe đẩy bánh mì sinh viên…

Bánh mì bì xíu mại nóng hổi đầy ú ụ giá cực bình dân ngay tại Sài Gòn

Cũng là ăn bánh mì cả thôi, tự nhận vậy để nói rằng cái món ăn cộng đồng này dù du nhập cả hơn trăm năm, bây giờ biến tấu đủ cung bậc thì vẫn là thứ tay cầm đơn giản, chẳng cầu kỳ. Họa chăng, ở các nhà hàng lớn hay nhiều nơi, dù vẫn giữ nguyên cách ăn bánh mì kiểu Tây, vẫn cầm bánh để xé hoặc có kẹp bít tết, thì vẫn tay cầm, không muỗng nĩa!

Mỗi ngày, trên con đường đi làm quen thuộc, tôi có 2 xe bánh mì thường ghé. Một xe nằm trên vỉa hè lề phải đường Hồ Văn Huê (Q. Phú Nhuận). Bà bán bánh mì, đôi khi có ông chồng chạy xe ôm phụ mỗi lúc có khách đứng đợi đông. Nhưng dù cuốc xe của ông chồng chưa về tới, dù khách có đứng năm ba người co duỗi chân sốt ruột, bà vẫn cứ nhẩn nha gắp gắp bỏ bỏ chỉn chu, ràng rịt cẩn thận. Không ai dám thúc hối và cũng chẳng ai dám phàn nàn. Cứ nhìn cái cung cách bán chăm chút của bà, mà hình dung sau đó, khi cầm trên tay ổ bánh, đi về ngồi với ly cà phê phía sau ban công của một tòa nhà văn phòng, lại thấy hiển hiện giá trị của một ổ bánh mì chỉ 18 ngàn đồng nhưng gom cả sự chậm rãi từ tốn, gửi cả cái tình trong ổ bánh mì của bà chủ chiếc xe đẩy nho nhỏ ấy.

Địa chỉ thứ hai, là một con hẻm nhỏ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3). Chị chủ chiếc xe đẩy tên O. nét mặt phúc hậu nhưng không kém phần quý phái. Mỗi buổi sáng, chị bán đúng 100 ổ mì, lấy từ một lò bánh mì gần chợ Tân Định. Ổ bánh nhỏ, da giòn mà theo lời chị kể, lò này làm bánh từ trước năm 1975. Trong vòng 2 tiếng, từ 7 giờ đến 9 giờ sáng là chị thu dọn về nhà, như lời chị nói là để chăm cháu. Mỗi lúc dừng xe, tôi lại rao từ xa: cho ổ bánh mì nóng giòn đêêê… để thấy chị nở nụ cười. Ổ bánh nóng săn chắc gần như gọn trong bàn tay, chị rạch một đường điệu nghệ và thoăn thoắt bỏ vào đó thịt chả, hành ngò, dưa leo và loại nước chan rim lại từ món thịt viên có sốt cà chua. Chị luôn cẩn thận hỏi khách có dùng ớt cay hay ớt vừa, hay là không ớt. Do khách hàng quen thuộc, nên cái vị ớt cay nồng đến mức vã chút mồ hôi khi ăn của tôi, chị chẳng bao giờ quên.

Bánh mì hiếm hoi hiện diện trên bàn buổi sáng của mùa dịch năm ngoái

TRẦN THANH BÌNH

Vĩ thanh

Ngày mùa dịch tháng 8 năm ngoái, trên đường đến Viện Pasteur ở Q.3 tiêm vắc xin về, qua con đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp), tôi chợt thấy cánh cửa mở hé của một lò bánh ghi bảng Bánh mì Bình Định. Quay xe lại, tôi bước ghé đến bên cổng hỏi nhỏ, và được cô chủ lò bán cho chục ổ bánh mì còn nóng. Chưa bao giờ thấy… nỗi “khắc khoải” bánh mì trào dâng cảm hứng đến vậy, khi về nhà nghe tiếng reo mừng của con gái. Mới hay, trong thời đoạn ngặt nghèo, bánh mì không hẳn chỉ là một món ăn thuần túy, nó còn là thứ đơn giản nhưng nói đến bao điều!

Bởi vậy, bánh mì với tôi là thế, trên con đường quen thuộc mỗi ngày. Nhưng có khi “lạc” qua một địa bàn chưa từng đến, ở Sài Gòn này, tôi vẫn thấy tíu tít ngày mới bên cạnh những chiếc xe nhỏ chất trong đó bánh mì nhìn qua lớp kính mỏng. Ngày dần trôi, và lớp bánh ấy vơi dần…

Bánh mì Sài Gòn và những biến tấu lạ

Sài Gòn qua bao thăng trầm với bao năm đi về, với tôi và không biết bao người, mỗi khi cầm trên tay ổ bánh mì và cắn miếng đầu tiên, tôi lại hình dung trong những tòa nhà chung cư cao thấp ấy, trong muôn vạn ngóc ngách hang cùng ngõ hẻm ấy, bánh mì cũng đang có cả hàng triệu người cầm trên tay, để bắt đầu một ngày mới đến.

An nhiên và đơn giản!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.