Những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn trên phim

30/04/2017 06:09 GMT+7

Bộ phim tư liệu VN: 30 ngày ở Sài Gòn do Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước thuộc Bộ Nội vụ mua bản quyền tại Viện Phim quốc gia Pháp được công chiếu trong dịp kỷ niệm 42 năm ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2017).

Những hình ảnh đắt giá
Những thước phim màu VN: 30 ngày ở Sài Gòn của đạo diễn Pháp Jean-Pierre Moscardo đưa người xem trở lại những ngày cuối cùng của cuộc chiến và những ngày đầu thống nhất đất nước với nhiều hình ảnh đắt giá, chân thực và sống động. Không chỉ có hình ảnh cờ hoa chiến thắng, những thước phim của Jean-Pierre Moscardo còn ghi lại cả những ngày cuối cùng của chế độ VN Cộng hòa.
Hình ảnh trong phim VN: '30 ngày ở Sài Gòn' ẢNH: CỤC VT-LT NN CUNG CẤP
Trong phim, người xem được thấy hình ảnh những dòng người tản cư liên tục di chuyển, trước cửa Đại sứ quán Mỹ hàng người thấp thỏm chờ đợi suất lên trực thăng rời khỏi Sài Gòn. Vào ngày 28.4.1975, Jean-Pierre Moscardo có mặt tại cây cầu trên xa lộ nằm ở cửa ngõ Sài Gòn.
Ông ghi lại hình ảnh và đưa ra lời bình: “Thậm chí không thể nói đây là cuộc chiến. Chỉ có một vài lính bộ binh (VN Cộng hòa - PV) đang cố bảo vệ cây cầu trước một đội quân đang tiến vào như vũ bão”. Trong khi đó tại Sài Gòn đang diễn ra một cuộc “mặc cả” chính trị, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức đã đẩy nhanh quá trình sụp đổ về mặt quân sự, người kế nhiệm ông - Tổng thống Trần Văn Hương cũng phải chuyển giao quyền lực. Và thời gian của tướng Dương Văn Minh chỉ là để đầu hàng. Ngày 29.4.1975, đường phố Sài Gòn vắng bóng người, hầu hết người dân đã về nhà ẩn nấp, các ngả đường đều bị phong tỏa. Ngày 30.4, những đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, VN Cộng hòa sụp đổ. Bộ phim đã ghi lại hình ảnh các phóng viên phỏng vấn tướng Dương Văn Minh. Tướng Minh đã thừa nhận: “Tôi trao lại quyền hành cho những người xứng đáng hơn tôi rất nhiều”.
Người xem thấy được hình ảnh khí thế hào hùng của đoàn quân giải phóng. Ở một góc phố, mọi người phấn khích đập bỏ bức tượng thủy quân lục chiến. Trên đường phố, học sinh, sinh viên dọn dẹp, làm sạch thành phố. Jean-Pierre Moscardo đã phỏng vấn một người trong số đó, người này hào hứng nói: “Chẳng ai giao cho chúng tôi cả. Chúng tôi tự làm thôi. Bạn này bảo bạn kia. Có tới vài trăm bạn tham gia”.
Đưa phim quý về VN
“Đây là những thước phim chưa từng được công bố tại VN”, bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Trung tâm khoa học và công nghệ văn thư lưu trữ thuộc Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước (VT-LT NN), cho biết. Những thước phim này càng quý hơn bởi gần như chưa có những bộ phim như vậy về miền Nam VN trong giai đoạn 1975 do nhà làm phim nước ngoài thực hiện được lưu trữ trong nước. Đó là lý do năm 2015, Cục VT-LT NN đã quyết định mua bản sao và bản quyền sử dụng bộ phim Vietnam: Les 30 jours de Saigon (tựa tiếng Việt: VN: 30 ngày ở Sài Gòn) của đạo diễn Jean-Pierre Moscardo được bảo quản tại Viện Phim quốc gia Pháp. Trong năm 2016, Cục đã phối hợp với Viện Phim VN thực hiện hậu kỳ.
Bộ phim được giữ nguyên vẹn độ dài, nội dung, trong đó có cả những góc nhìn độc lập, quan điểm của đạo diễn về sự kiện ngày 30.4.1975, chẳng hạn những câu hỏi vẫn còn hoài nghi về chiến thắng của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN: “Như vậy là bà Nguyễn Ngọc Dung (Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam VN) đã vạch ra con đường hợp tình hợp lý về chủ nghĩa xã hội, được tất cả đồng lòng theo đuổi. Liệu rằng lịch sử sẽ chứng minh rằng bà đúng? Liệu rằng bản sắc của một miền Nam khác biệt và mang đậm tính cá nhân có được tôn trọng hơn? Quá trình thống nhất VN sẽ diễn ra một cách êm đềm với sự đồng thuận của cả một dân tộc tự hào đã giành lại được hòa bình và phẩm giá? Liệu những người chiến thắng có đủ sự dũng cảm và sáng suốt để không vội vã đưa Sài Gòn vào khuôn phép? Với những câu hỏi được đặt ra từ hy vọng và ngờ vực này ta chưa nên vội vàng tìm câu trả lời. Cách mạng mới chỉ bắt đầu”.
Lịch sử cần được quan sát từ nhiều góc nhìn khác nhau, để việc nhìn nhận sự kiện, nhân vật lịch sử được đầy đủ, toàn diện hơn. Ông Hoàng Trường, Phó cục trưởng Cục VT-LT NN, nhìn nhận: “Những tư liệu này là rất quý giá không chỉ với sự kiện năm 1975 mà còn có ý nghĩa thời sự cho tới ngày nay”.
Ông Hoàng Trường cho biết, từ năm 2012, Cục VT-LT NN đã cử cán bộ đi khảo sát, thống kê và sưu tầm những tài liệu lưu trữ quý của VN và về VN ở nhiều nước trên thế giới như Nga, Pháp, Đức, Bỉ... Theo thống kê, ở Pháp có tới hơn 100 phim tư liệu, ở Nga có gần 200 phim liên quan đến VN đang được lưu trữ. Cùng với bộ phim VN: 30 ngày ở Sài Gòn, Cục VT-LT NN cũng mua bản sao và bản quyền bộ phim Hồ Chí Minh trên đất nước Lenin do Xưởng phim thời sự tài liệu T.Ư Nga sản xuất năm 1976, được bảo quản tại Viện Lưu trữ tài liệu phim ảnh quốc gia Nga. Bộ phim có nhiều hình ảnh quý về mối quan hệ Liên Xô - VN, tình cảm của nhân dân Liên Xô với Chủ tịch Hồ Chí Minh, những sinh viên xuất sắc của VN tạm biệt người thân lên đường sang Liên Xô học tập… Phim sẽ được công chiếu trên sóng truyền hình trong thời gian tới.
Bộ phim VN: 30 ngày ở Sài Gòn được phát sóng các giờ trong ngày 30.4: 6 giờ 30, 22 giờ 45 (VTV8), 14 giờ 45 (VTV6), 23 giờ (VTV9), 9 giờ 15 (H1 - Đài phát thanh - truyền hình Hà Nội), 17 giờ (kênh Truyền hình Quốc hội VN).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.