Những mảnh ghép cuộc đời trong ‘Tập tàng’ của Lưu Hồng Vân

25/04/2021 16:00 GMT+7

Là một trong những thành viên khởi xướng phong trào thơ sinh viên những năm 1990 tại Hà Nội, nhưng mãi đến năm 2018, Lưu Hồng Vân mới xuất hiện trở lại và cho ra đời tập thơ đầu tay Rượu xưa . Gần đây nhất anh có tập thơ thứ hai mang tên Tập tàng .

99 bài trong Tập tàng là tập hợp muôn mặt của đời sống được Lưu Hồng Vân phản ánh vào thơ. Những điều tưởng chừng như bình thường của cuộc sống nhưng qua cái nhìn của anh nó lại mang nhiều nỗi niềm trắc ẩn. Đó là những suy tư, trăn trở và cả những bất an của tác giả trước bao điều chênh chao, vẩn đục đang từng ngày, từng giờ tác động vào mọi ngõ ngách đời sống.
Lưu Hồng Vân không chú trọng đẽo gọt câu chữ, thơ anh cứ tự nhiên, cứ hồn hậu mà tuôn chảy. Đó chính là tiếng lòng thành thật, tự nhiên và vô tư nhất. Nhưng có những thứ đang diễn ra làm cho người thơ Lưu Hồng Vân không khỏi nhói lòng. Người xóm làng/ Đi đâu hết/ Ngồi/ Nguội lạnh bếp than/ Thèm tiếng gà/ Dưới bóng cây đu đủ// Lối đi cũ/ Chen chúc nhà/ Những ngôi nhà ẩm mốc/ Cởi trần với gió mưa/ Nham nhở vết đen/ Ngày tháng/ Thanh niên trai tráng/ Bỏ bàn thờ/ Bỏ rơi mẹ/ Lãng quên cha/ Đường mưu sinh khúc khuỷu/ Chọn mưa giông nắng quái làm nhà// Cơn sốt đất đi qua/ Xóm vẫn hoang/ Tuổi tác// Có những người trở về/ Nhận ra điều lầm lạc/ Bước thấp bước cao/ Ngôi làng không muốn chứa (Xóm hoang).
Nhịp sống bình lặng, ấm áp, tình nghĩa của làng quê đã không còn như trước, thay vào đó là sự đổi khác và kéo theo hàng loạt bi kịch. Bản sắc văn hóa làng dần mai một, tình người và các thang bậc giá trị đạo đức cũng chao đảo. Vì vậy vấn đề bản ngã cá nhân, hơn lúc nào hết cần phải được coi trọng và gìn giữ, bởi nếu không sẽ dễ bị đánh mất chính mình trong một thế giới đầy bất trắc và lắm điều phi lý. Chúng bạn anh/ Có đứa không biết chiến tranh/ Chưa qua lính đến một ngày/ Chạy hồ sơ làm thương binh giả/ Anh chỉ cười nhân sinh quá sá// Qua vùng chết/ Con người biết vị tha... (Chiến tranh biên giới).
Quê hương Kinh Bắc là nơi chôn nhau cắt rốn và có những năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm của Lưu Hồng Vân. Kinh Bắc trở thành máu thịt với niềm thương nhớ vô bờ. Em có về con phố Đồng Côi/ Phố đông dân mà con người côi cút/ Nắng Thuận Thành giữa ngã tư mất hút/ Giữa đồng bằng khu công nghiệp Khai Sơn/... Nhà anh khuất trong bãi bồi xưa cũ/ Ngâm thịt ngâm xương đất vẫn bạc màu (Về quê). Đâu rồi bãi lúa nương dâu/ Thuyền đi ngược gió khói màu xanh đen (Cây cầu). Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã có những tác động không nhỏ đến đời sống của nhân dân. Bên cạnh những mặt tích cực còn có những bất cập, dẫn đến bao hệ lụy khôn lường: ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các tệ nạn xã hội có chiều hướng ngày càng gia tăng... - là những nỗi niềm thế sự trăn trở trong thơ Lưu Hồng Vân. 
Sự thay đổi chóng mặt nên đôi lúc nhà thơ tỏ ra hoang mang, lo lắng, vui ít, buồn nhiều: Thời bây giờ/ Cái gì cũng siêu tốc// Tàu siêu tốc rút ngắn bước đi/ Cây siêu tốc một đêm suy nghĩ/ Thức dậy dài hơn cả mùa mưa// Lợn siêu tốc/ Trâu bò siêu tốc// Khóc cười cưới xin siêu tốc/ Đến cốc nước em mời/ Cũng đun bằng siêu tốc...
Để rồi anh kết thúc bài thơ bằng lời dặn sâu sắc của người mẹ giàu trải nghiệm về đời: Mẹ dặn rằng/ Nếu đi chậm sẽ bước được xa. Lời dặn ấy rất ý nghĩa. Đó vừa là bài học, vừa là phương châm để sống, để làm việc cho chính bản thân anh trong suốt cả chặng đường đời.
Cái độc đáo trong thơ Lưu Hồng Vân là đằng sau mỗi diễn ngôn là sự ám gợi của các biểu tượng, mở ra những chiều kích, sự liên tưởng đa dạng và sâu sắc hơn.
Mơ như dòng sông bóng tối/ Cứ chảy về đêm/ Ta như thời gian đếm vội/ Đôi lúc bị lãng quên (Chấm than).
Mẹ đã lẫn như cây khô mất lá/ Tìm thấy nhang đốt cả nắm tay/ Đàn chim Nhạn là Âm Binh sống dậy/ Lưng chừng trời gãy cánh không bay (Về làng Mai).
Niềm vui đầy lại bỗng chốc hết ngay/ Em cứ đếm tình người/ như hạt cát/ Biết đâu/ Phía bên trong một khoảng trống rất dày (Đồng hồ cát).
Bằng vốn sống, sự trải nghiệm của bản thân, Lưu Hồng Vân đã vẽ lên bức tranh thơ với sự đa chiều, phức hợp, bộn bề, ngổn ngang đời sống của con người thời hiện đại. Nỗi lòng băn khoăn bắt nguồn từ hiện thực của đời sống được nhà thơ thể hiện bằng giọng điệu tâm tình, thủ thỉ như rót vào lòng người.
Ngay cả với tình yêu Lưu Hồng Vân cũng gửi trọn vào thơ đầy ắp nỗi niềm. Có những ngày/ Biển và lòng tốt giống nhau/ Cứ vỗ về tình yêu không giới hạn/ Xóa nhòa đi bao dấu chân trên cát/ Giận dữ bao nhiêu cũng chỉ sóng bạc đầu (Biển). Đó là tiếng lòng của một con người đã đi qua những tổn thương, va đập của đời. Con người ấy tự thức sâu sắc nỗi buồn - vui, được - mất để sống có trách nhiệm với đời, với người.
Tập tàng đã cho thấy hồn thơ Lưu Hồng Vân đạt đến sự chững chạc, “chậm rãi” mà chắn chắn. Sự chững chạc thể hiện rõ trên phương diện đời sống và cả trong những vần thơ. Ta cuộn mình trong chăn lầm lỗi/ Gói hết yêu thương như những mớ tập tàng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.