Những lý do để thu viện phí cao

02/09/2012 03:10 GMT+7

Gần đây dư luận rất bức xúc về việc viện phí đột ngột tăng cao mà nhiều người cho khá vô lý. Để giải thích việc này, một vài bệnh viện đã đưa ra những cách tính và những chi tiết cần phải đóng phí, chúng tôi xin công bố để bạn đọc tham khảo và thông cảm với ngành y tế:

 Những lý do để thu viện phí cao
Minh họa: DAD

I. Những nguyên nhân chính:

1. Viện phí cao vì nếu viện phí thấp, thay vì đi vào phòng khách sạn, người ta sẽ vào phòng cấp cứu để ngủ qua đêm, dẫn tới quá tải.

2. Viện phí cao khiến người ta sợ mắc bệnh. Thậm chí nếu rất cao chả ai dám bệnh. Như vậy, điều này giúp cho ý thức vệ sinh của xã hội được nâng lên.

3. Một cuộc thi trên truyền hình hiện nay giải nhất cũng vài trăm triệu đồng mà không thi không ai chết. Một lần nằm viện chỉ tốn trung bình vài chục triệu mà không nằm sẽ từ trần, như thế viện phí chưa phải là cao.

4. Thà cao một lần cho người ta an tâm phấn đấu, còn hơn lúc lên lúc xuống như giá xăng khiến bệnh nhân không kịp chuẩn bị.

5. Viện phí cao sẽ làm cho đời sống những ai công tác trong bệnh viện tăng lên. Những người này sẽ mua nhà, mua xe khiến bất động sản bớt đóng băng và kinh tế phát triển.

6. Viện phí cao giúp có ngân sách tu sửa các bệnh viện đẹp đẽ, lộng lẫy, có khả năng trở thành điểm đến cho khách du lịch văn hóa chuyển sang du lịch y tế, là một loại hình du lịch rất mới mẻ.

7. Cuối cùng, viện phí cao do hôm nay phí gì chả cao.

II. Những khoản phí mới cần phải đóng cho bệnh viện mà từ trước tới nay đã bỏ qua:

1. Phí sát trùng ruồi: Bệnh viện không phải không có ruồi, muỗi hay gián, nhưng những thứ ấy xưa nay không sát trùng. Từ khi có phí này, các con vật ấy được tẩy trùng thường xuyên, có thể vẫn bay, vẫn đậu nhưng vô hại.

2. Phí tiện mua thuốc: Bệnh nhân xưa nay vẫn được mua thuốc ở cửa hàng ngay trong sân bệnh viện. Do đó họ không tốn tiền xăng xe đi lại, việc ấy cần phải đóng phí (còn giá thuốc ấy có khác giá bên ngoài hay không là chuyện nữa).

3. Phí chào bác sĩ, y tá: Bệnh nhân nào vô bệnh viện gặp bác sĩ, y tá cũng kính cẩn chào khiến những người đó buộc phải chào lại, điều ấy khiến bác sĩ, y tá tốn kém một sức lực không nhỏ. Đã đến lúc đóng phí để các nhân viên có tiền bồi dưỡng cho việc này.

4. Phí ngồi ghế đá: Cứ chiều chiều, bệnh nhân hoặc người nhà lại tỏa ra các ghế đá để ngồi. Dù đá cứng nhưng trước sức ngồi nhiều như vậy ghế cũng mòn rất nhanh. Nếu không thu phí để sửa chữa, ghế sẽ gãy đổ.

5. Phí ngó nghiêng: Hầu hết bệnh nhân và gia đình khi vào bệnh viện đều ngó nghiêng dáo dác, nhìn tứ phía làm cho không khí mất vẻ nghiêm trang. Cần phải đóng phí này để chấn chỉnh mặc dù chả biết chấn chỉnh cách nào.

6. Phí mòn giường: Việc hai hay ba bệnh nhân nằm một giường khiến các giường bệnh rất mau xuống cấp. Cần tiền để thay mới luôn luôn. Chỉ hơi lạ là nhiều khoa không có giường bệnh vẫn cứ thu phí.

7. Phí cư trú: Rất nhiều bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân dưới tỉnh lên sau đó ở luôn trong bệnh viện. Như thế rõ ràng cần phải đóng một thứ phí gọi là phí cư trú, kiểu như phí xin visa khi đi du lịch.

8. Phí hy vọng: Ai vô bệnh viện cũng hy vọng mình khỏi bệnh. Điều ấy phải tốn công sức của đội ngũ y tá, bác sĩ chứ không phải tự nhiên mà có. Cần phải nộp lệ phí này.

9. Phí ân hận: Khi nằm bệnh viện, ai cũng ân hận trước đây mình sống không nghiêm túc, thiếu ý thức vệ sinh hoặc quá ham rượu bia, thuốc lá. Càng nộp phí cao, ân hận càng cao mà càng ân hận càng tốt cho xã hội.

Lê Hoàng

>> Thêm lá thư gửi từ phòng karaoke
>> Lá thư của kẻ trộm chó 
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.