Cẩn trọng với những mối nguy dễ gặp khi đi chơi lễ:

Những lưu ý khi đi phượt bằng xe máy

Phúc Kha
Phúc Kha
26/04/2023 08:00 GMT+7

Dịp nghỉ lễ Giỗ tổ, 30.4 và 1.5, nhiều người trẻ dự định đi du lịch bằng xe máy để có thể hòa mình vào thiên nhiên, chủ động thời gian và trải nghiệm nhiều cảm giác mới lạ... Tuy nhiên, đi phượt bằng xe máy, người trẻ có thể đối diện với nhiều mối nguy cần lưu ý.

Đã có không ít vụ tai nạn để lại hậu quả nghiêm trọng và đau lòng trên chính những cung đường phượt. Như vào tháng 2.2023, Báo Thanh Niên đăng tải thông tin một nam phượt thủ lái xe máy đổ đèo, ôm cua với tốc độ cao, dẫn đến tai nạn vì xe mất lái, trượt ngã trên đường. Vụ việc được xác định xảy ra trên QL6, đoạn qua địa bàn xã Phú Cường, H.Tân Lạc, Hòa Bình.

Báo Thanh Niên cũng từng đăng tải vụ việc "phượt thủ" suýt mất mạng tại đèo Cả (Phú Yên) vì chạy ẩu, vào cua bất chấp. Hay một nam thanh niên đi phượt thì gặp tai nạn ở đèo Hải Vân và rơi xuống vực khoảng gần 3 giờ sáng, sau đó đến hơn 6 giờ sáng thì người đi đường phát hiện mới gọi điện báo cơ quan chức năng…

Những lưu ý khi đi phượt bằng xe máy - Ảnh 1.

Khi di chuyển trên đường, người trẻ phải chú ý quan sát, chạy tốc độ vừa phải

Phúc Kha

Không phải cứ thích là xách ba lô lên và đi

Là phượt thủ có nhiều kinh nghiệm đi phượt, từng đi vòng quanh thế giới bằng xe máy trong hơn 1.100 ngày, anh Trần Đặng Đăng Khoa (37 tuổi) nhìn nhận: "Một số bạn trẻ đã gặp tai nạn do chạy xe tốc độ cao, gặp chướng ngại vật, xe mất kiểm soát, không làm chủ được tay lái. Ngoài ra, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra khi các phượt thủ cố tình phóng nhanh, vượt ẩu trên đường đèo. Do đó, khi di chuyển trên những đoạn đường đèo dốc, khúc đường quanh co, người điều khiển xe tuyệt đối không được phóng nhanh, vượt ẩu qua các ô tô, chỉ được vượt qua khi ô tô phát tín hiệu đồng ý cho vượt".

Theo anh Khoa, trước khi đi du lịch trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ, 30.4 và 1.5, bạn trẻ phải chuẩn bị đủ các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ gồm: kiểm tra xe kỹ càng, kiểm tra giấy tờ xe, nón bảo hiểm phải đạt tiêu chuẩn, áo khoác, mắt kiếng, đặc biệt phải chú ý vấn đề sức khỏe trong mùa nắng nóng, rồi kiến thức về điểm đến, nghiên cứu kỹ địa hình, điều kiện sống, con người, văn hóa vùng miền… nơi mình đến.

"Người lái xe học cách điều khiển xe máy khi vào cua, đổ đèo, tránh sương mù… để khi bước vào hành trình không bị bỡ ngỡ. Các bạn trẻ tuyệt đối phải chạy thật chậm, quan sát thật kỹ phía trước tay lái, tuân thủ vạch kẻ đường, biển báo hướng dẫn chạy xe trên đường đèo. Các bạn tuyệt đối không uống rượu bia khi lái xe vì rất dễ xảy tai nạn", anh Khoa chia sẻ.

Ngoài ra, anh Khoa cho biết nhiều bạn cứ thích là đi chơi mà không kiểm tra xem phanh xe có đảm bảo, đèn xe có đạt yêu cầu khi di chuyển ban đêm, hay dầu nhớt có đủ để vận hành xe... Cần kiểm tra độ mòn của lốp, thay mới săm nếu săm cũ của bạn đã có quá nhiều vết vá. Nếu không kiểm tra kỹ lưỡng về xe cộ thì rất dễ xảy ra những sự cố trên đường gây nguy hiểm cho mình, cho người đồng hành trong chuyến đi.

Anh Khoa khuyên xe đi phượt phải được kiểm tra, đảm bảo độ an toàn một cách chính xác nhất. Một số bạn trẻ gặp phải tai nạn gây nguy hiểm đến tính mạng khi đi phượt vì không chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi. Chẳng hạn, các bạn không biết cách cột dây ràng quần áo ở phía sau xe, khi chạy xe đường dài, dây ràng quấn vào bánh xe sẽ gây nguy hiểm cho người điều khiển…

Những lưu ý khi đi phượt bằng xe máy - Ảnh 2.

Nhiều phượt thủ gặp tai nạn trên đường vì phóng nhanh, vượt ẩu

Chụp màn hình

Mỗi con đường đều có thể nguy hiểm, đừng chủ quan

Từng đi phượt xuyên Việt bằng xe máy trong vòng 2 tháng, Nguyễn Tuấn Khanh (25 tuổi), người nổi tiếng trên mạng xã hội với câu chuyện mặc áo dài đi khắp VN, chia sẻ: "Khi đi phượt, các bạn hạn chế di chuyển vào ban đêm bởi vì ban đêm khi vào những nơi vắng, lên đèo… nếu không may có sự cố thì khó liên hệ nhờ người giúp đỡ".

Khanh cũng cho biết khi đi bằng xe máy, bạn trẻ phải hiểu và học về luật giao thông để luôn đi đúng tốc độ, đúng hướng dẫn an toàn của biển báo giao thông, đi đúng làn, tốc độ, chú ý quan sát đường, không vì một phút bốc đồng mà phóng nhanh, lạng lách.

Theo Khanh, khi đi phượt, bạn trẻ phải biết được sức khỏe của mình như thế nào để đáp ứng được đoạn đường đi. Bạn trẻ phải lên kế hoạch di chuyển bao nhiêu ki lô mét một ngày, chạy bao nhiêu ki lô mét sẽ cho mình và xe nghỉ ngơi.

Anh Đăng Khoa thì lưu ý các bạn trẻ khi chạy xe phải luôn giữ cho tinh thần tỉnh táo và tập trung hết sức, không chạy hàng 2, hàng 3 trên đường. Nếu đi theo nhóm, phải có người đi trước, người đi sau, xe dẫn đầu phải luôn biết đường, khi có chướng ngại vật, ổ gà, ổ voi phải phát tín hiệu, thông báo cho các xe sau. Các bạn phải phân công người dẫn đoàn và người chốt đoàn.

"Người dẫn đoàn có nhiệm vụ dẫn toàn bộ đoàn khi di chuyển, giảm tốc ở những đoạn đường phù hợp, báo hiệu cho toàn đoàn ở những đoạn đường nguy hiểm và thiếu an toàn. Người chốt đoàn đảm bảo không có xe nào trong đoàn bị tụt lại phía sau, bị tách khỏi đoàn hoặc xử lý các tình huống khi có xe trong đoàn gặp vấn đề. Một số nhóm đi phượt đã xảy ra tai nạn khi đi phượt là do không có kế hoạch cụ thể, quy định cho từng xe", anh Khoa chia sẻ.

"Những con đường càng quen thuộc thì càng nguy hiểm vì người lái xe sẽ chủ quan, không tập trung quan sát. Rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mỗi con đường đều là con đường nguy hiểm. Vì thế hãy luôn cẩn thận, đừng chủ quan", anh Khoa nhắn gửi. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.