Những lớp học tranh tre trống hơ trống hoác của trẻ em vùng cao Thanh Hóa

09/12/2019 11:19 GMT+7

Ở huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa), đến nay vẫn còn hàng trăm đứa trẻ phải học trong các lớp học dựng bằng tre nứa . Mùa đông đến, những tấm phên đan bằng thân nứa không đủ che ấm cho lũ trẻ khi ngồi học.

Những ngày đầu đông, tiết trời ở miền tây Thanh Hóa lạnh hơn các khu vực khác. Trong những bản làng nằm sâu giữa núi rừng của huyện Lang Chánh, vẫn còn nhiều lắm những lớp học dựng bằng tranh tre, nứa lá, do địa phương do không có tiền xây phòng học kiên cố.
Túp lều trống hoác rộng chừng hơn 10 m2 là nơi học của hơn chục đứa trẻ ở bản Năng Cát suốt nhiều năm qua ẢNH MINH HẢI
Con đường dài gần 10 km từ trung tâm xã Trí Nang (huyện Lang Chánh) vào bản nông thôn mới Năng Cát (xã Trí Nang) không còn khó khăn như trước. Đường bê tông trải vào đến tận cửa nhà dân, hai bên đường trong bản nhiều đoạn được trồng hoa để trang trí, trông rất ấn tượng. 
Những đôi mắt ngây thơ của trẻ qua tấm phên đan bằng tre nứa ẢNH MINH HẢI
Vì đây là bản nông thôn mới, và cũng là điểm du lịch cộng đồng mới nổi, nên đời sống người dân trong bản đã bớt khó khăn, nhà cửa khang trang hơn nhiều bản làng khác.
Nhưng buồn thay, đằng sau bức tranh nông thôn mới khá tươi đẹp trên, vẫn còn hàng chục đứa trẻ vẫn phải học trong túp lều dựng bằng tre, nứa mong manh giữa núi rừng.
Những bức tranh được treo trên tấm phên để trẻ học. Cuối buổi, các cô giáo lại phải thu gom cất giữ tránh mưa gió gây hư hỏng ẢNH MINH HẢI 
Do cách xa trung tâm, nên Trường mầm non xã Trí Nang đã lập điểm lẻ trong bản Năng Cát từ hàng chục năm trước. Ban đầu, điểm lẻ này được người dân góp sức vào rừng lấy tre, luồng, nứa, lá cọ về dựng thành lớp học.
Đến năm 2017, điểm lẻ được đầu tư xây dựng 2 phòng học kiên cố, nhưng do không đủ phòng nên nhà trường vẫn phải dựng thêm một phòng bằng tre, nứa.
Số lượng trẻ mầm non ở bản Năng Cát cần đến 3 phòng học, nhưng mới có 2 phòng kiên cố nên hơn 10 đứa trẻ phải học trong túp lều bằng tre nứa ẢNH MINH HẢI
Gọi là phòng học nhưng đúng hơn là một túp lều trống hoác, được dựng trong khuôn viên của điểm lẻ. Hằng ngày, các giáo viên sắp xếp bàn ghế, treo tranh ảnh và tổ chức dạy, tổ chức trò chơi cho khoảng 15 trong tổng số 46 trẻ của bản. Số trẻ còn lại học trong 2 phòng học kiên cố.
Dù là bản nông thôn mới và là điểm du lịch mới nổi, đời sống người dân cũng đã bớt khó khăn nhưng học sinh vẫn phải học trong phòng tạm bợ ẢNH MINH HẢI
Các giáo viên ở đây cũng đã cố gắng sắp xếp, để mỗi tuần chỉ đưa học sinh ra học ngày thứ 3, 4, 5, những ngày còn lại, các cô tổ chức cho các em học ghép trong 2 phòng kiên cố.
Cô giáo Lê Thị Lý, giáo viên điểm trường Năng Cát, cho biết tuy điểm lẻ có 2 phòng học kiên cố, nhưng nếu dồn cả 46 trẻ vào học thì rất chật hẹp và khó chăm sóc trẻ, nên phải làm thêm phòng học bằng tre, nứa để giảm tải.
Những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa trong phòng học tranh tre, nứa lá ẢNH MINH HẢI
Cũng theo cô Lý, do mùa đông thời tiết trên đây thường lạnh hơn dưới xuôi nhiều, nên các con rất dễ bị nhiễm lạnh. Các cô đã cố gắng sắp xếp và dùng những tấm phên đan bằng nứa để che chắn bốn bên phòng học cho đỡ gió.
"Có những hôm cô trò đang ngồi học nhưng vì quá giá rét, hoặc mưa lớn, cô trò lại phải tất tả xách bàn ghế, tranh treo trên các tấm phên vào 2 phòng học kiên cố để tránh trú. Vất vả lắm”, cô giáo Lý nói.
Cô giáo Lê Thị Lý kể chuyện qua những bức tranh trong phòng học trông hơ trống hoác ẢNH MINH HẢI
Không chỉ ở Năng Cát, mà tại điểm lẻ ở bản Phá (xã Tam Văn, huyện Lang Chánh) cũng đang trong tình trạng tương tự.
Do thiếu phòng học nên 20 học sinh lớp 4 và lớp 5 của Trường tiểu học Tam Văn tại điểm lẻ này nhiều năm nay phải học trong 2 phòng học tạm.
Điểm lẻ ở bản Phá của Trường tiểu học xã Tam Văn có 2 lớp cũng phải học trong phòng tạm bợ ẢNH MINH HẢI
Điểm lẻ này có 5 lớp (từ lớp 1 - lớp 5). Khoảng 5 năm trước, nhà trường xây dựng 3 phòng kiên cố, ưu tiên cho học sinh nhỏ tuổi ở các lớp 1, 2 và 3. Riêng các lớp 4 và 5 phải học trong 2 phòng học dựng bằng các loại gỗ tạp, mái lợp lá cây rừng.
Mùa đông đến, hàng trăm học sinh mầm non và tiểu học ở huyện miền núi Lang Chánh chịu rét ngồi học trong phòng tre nứa ẢNH MINH HẢI
Thầy giáo Lữ Văn Dậu, Trưởng điểm lẻ bản Phá, cho biết bản Phá là bản người Thái, có hơn 100 hộ dân, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn do nằm biệt lập với bên ngoài. Trước đây, bản Phá được gọi là bản “3 không” bởi không có điện, không có đường và không có trường. 3 năm trước mới được kéo điện lưới về, còn đường dẫn vào bản thì mới làm xong khoảng 5 tháng nay.
"Do thiếu phòng học nên chúng tôi phải ngăn đôi căn nhà rộng chừng 20 m2, để cho lớp 4 và lớp 5 học. Nói là nhà nhưng thực ra là túp lều thì đúng hơn. Hằng năm, bà con trong bản có sửa lại, nên cũng che được mưa nắng, chỉ khổ mỗi mùa đông đến, thương các em nó bị lạnh mà không biết làm gì hơn”, thầy giáo Dậu nói.
Hành trình tìm đến con chữ của học sinh vùng cao xứ Thanh còn nhiều gian nan, vất vả ẢNH MINH HẢI
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trên địa bàn huyện Lang Chánh còn nhiều điểm trường lẻ có phòng học dựng bằng tranh tre, nứa lá, như: điểm lẻ ở bản Xắng Hằng (xã Yên Khương) của Trường mầm non Yên Khương; điểm lẻ ở bản Tráng của Trường tiểu học Yên Thắng (xã Yên Thắng)...
Theo thống kê của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Lang Chánh, toàn huyện còn thiếu hơn một trăm phòng học kiên cố ẢNH MINH HẢI
Theo thống kê của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Lang Chánh, toàn huyện đang thiếu hơn 100 phòng học kiên cố của cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học và THCS).
Dù biết tình trạng thiếu phòng học kiên cố làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nhưng do Lang Chánh là huyện miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn nên nhiều năm nay chính quyền địa phương vẫn chưa thể đảm bảo 100% các phòng học kiên cố cho nhu cầu dạy và học ở các cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.