Những lần Apple nhượng bộ, thay đổi 'luật chơi' trên App Store

10/09/2021 11:22 GMT+7

Thoạt nhìn, Apple có vẻ tiếp thu ý kiến từ phe chỉ trích App Store, nhưng thực chất đây chỉ là một phần trong chiến lược mà "nhà táo" dùng để đối phó với cơ quan quản lý và các nhà phát triển ứng dụng.

Theo CNBC, Apple vừa rồi phải thay đổi một số quy định trên App Store, giảm mức hoa hồng cho các công ty. Việc thay đổi chính sách trên App Store dường như cho thấy Apple đang nhượng bộ, nhưng khi xem lại toàn bộ lịch sử của App Store, ta thấy mọi thứ nằm trong chiến lược giúp công ty đối phó với những chỉ trích kể từ năm 2008.
Thực tế, Apple chưa hoàn toàn thay đổi chính sách thu phí hoa hồng 30% cho những giao dịch mua vật phẩm trong ứng dụng (in-app purchase). Khoản tiền này đóng góp rất nhiều vào doanh thu hằng năm của App Store. Dựa trên báo cáo thu nhập, App Store đạt tổng doanh thu hơn 64 tỉ USD vào năm 2020.
Mức phí hoa hồng 30% bị cho là quá đắt đỏ. Các nhà phát triển cũng cho rằng quy trình đánh giá ứng dụng trên App Store quá tùy tiện và độc đoán. Một mặt, "nhà táo" hạ giá phần mềm của nhà sản xuất, mặt khác lại nói với người tiêu dùng rằng các bản cập nhật hoàn toàn miễn phí.
Những vụ kiện gần đây buộc Apple phải điều chỉnh lại các chính sách trên App Store. Ngoài xung đột với Epic Games, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang xem xét các hình phạt và biện pháp kìm hãm App Store. Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên ra luật khiến Apple phải nới lỏng hệ thống thanh toán.  
Những thay đổi mới cho phép một số công ty như Spotify, Tinder bớt gánh nặng trả phí 30% tổng doanh thu. Apple cũng giảm còn 15% cho các ứng dụng tin tức tham gia vào Apple News. 

Xung đột giữa Apple - Epic Games khiến App Store tiếp tục trở thành tâm điểm tranh cãi

Ảnh chụp màn hình

Thế nhưng, các đối thủ của Apple cho rằng công ty chỉ muốn xoa dịu dư luận bằng những điều chỉnh không đáng kể. Có khả năng Apple sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán riêng tư, kết hợp vận động hành lang để giảm thiểu các thay đổi ở mức thấp nhất có thể, sao cho có thể giải quyết các khiếu nại mà không ảnh hưởng đến quyền kiểm soát App Store.
Nói về việc Apple giảm phí cho các ứng dụng thuộc mảng tin tức, CEO Epic Games Tim Sweeney nhận định: "Chiến lược của Apple là Phân chia và Chinh phục: tạo ra các thỏa thuận riêng cho những phân khúc nhà phát triển khác nhau". Bản tóm tắt dưới đây của CNBC sẽ cho thấy Apple dàn xếp với nhà phát triển thuộc nhiều phân khúc như thế nào.

Lịch sử Apple thay đổi quy định trên App Store

2009: Cửa hàng ứng dụng của Apple đi vào hoạt động năm 2008. Một năm sau đó, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) phải điều tra lý do App Store từ chối phê duyệt ứng dụng Google Voice.

Để trả lời FCC, Apple lần đầu tiên cung cấp thông tin về quy trình xem xét ứng dụng trên App Store, đồng thời tiết lộ về bộ phận chuyên đánh giá ứng dụng trong công ty, lúc đó đang được giám đốc Phil Schiller điều hành.
Nhờ cuộc điều tra của FCC, Google Voice cuối cùng cũng được phê duyệt vào cuối năm 2010.
2011: Apple bắt đầu thu phí 30% cho việc mua vật phẩm trong ứng dụng từ năm 2009, tạo ra quy tắc dành cho độc giả của các ứng dụng tin tức. Đến tháng 2.2011, Apple siết chặt hoạt động trên App Store, buộc các đối tác phải sử dụng hệ thống thanh toán của công ty.
Ban đầu, Apple cho phép người dùng mua e-book trên Kindle và đăng ký đọc tin tức New York Times mà không cần dùng hệ thống thanh toán trong ứng dụng. Nhưng nhìn chung, các công ty vẫn phải duy trì song song cả hai hình thức in-app purchase và off-app purchase (mua hàng ngoài ứng dụng).
Điều này làm khó các nhà xuất bản tin tức vì họ có nhu cầu duy trì quan hệ trực tiếp với độc giả. Đến tháng 6.2011, Apple cho họ 2 lựa chọn: đẩy khoản phí 30% cho khách hàng chịu, hoặc từ bỏ hình thức mua hàng trong ứng dụng. 
Sau đó, giám đốc Phil Schiller đề xuất mức chia sẻ doanh thu thấp hơn, khoảng 20%, để giải quyết phần nào vấn đề. Đây cũng là thời điểm Apple bắt đầu hạn chế việc chuyển hướng người dùng từ ứng dụng sang trang web chính thức của nhà xuất bản tin tức. Mãi đến gần đây, Apple mới đảo ngược hạn chế này. 
2016: Khoảng 2015, Spotify công khai thách thức các hạn chế của Apple bằng cách gửi email cho khách hàng, thông báo đăng ký nghe nhạc trực tiếp với Spotify sẽ rẻ hơn đăng ký thông qua App Store. 

Spotify từng thách thức Apple

Ảnh chụp màn hình

Năm 2016, Apple tuyên bố sẽ thay đổi thỏa thuận chia sẻ doanh thu, đặc biệt đối với các ứng dụng đòi hỏi người dùng phải bỏ tiền đăng ký dịch vụ như Spotify. Apple tính phí 30% cho năm đầu tiên, đối với những người đăng ký sang năm thứ hai, mức phí còn 15% trên tổng doanh thu. 
Cùng lúc đó, Apple giới thiệu dịch vụ đặt quảng cáo, cho phép các nhà phát triển trả tiền để có vị trí tốt hơn trên trang tìm kiếm App Store.
2019: Trong thời gian này, Apple bị chỉ trích độc quyền App Store vì từ chối các ứng dụng cạnh tranh với những tính năng có sẵn trên thiết bị Apple, chẳng hạn các ứng dụng dành cho phụ huynh kiểm soát thời gian dùng điện thoại của trẻ em.
Do đó, Apple phải đảo ngược một số chính sách của mình, cho phép một số ứng dụng cạnh tranh có mặt trên App Store. Vụ việc này cho thấy quy trình đánh giá ứng dụng của Apple khá tùy ý, đôi khi trì hoãn các bản cập nhật chỉ vì nhà phát triển không tuân thủ quy tắc mua vật phẩm trong ứng dụng.
Nhà phát triển vẫn tiếp tục phản đối quy trình đánh giá ứng dụng của Apple cho đến năm 2020. Tại hội nghị dành cho nhà phát triển, Apple tuyên bố triển khai hệ thống kháng nghị để đối tác có thể thách thức quy định của Apple nếu họ không đồng ý.
2020: Tháng 11 năm ngoái, Apple giới thiệu chương trình dành cho doanh nghiệp nhỏ, giảm mức phí từ 30% xuống còn 15% cho các công ty kiếm được dưới 1 triệu USD mỗi năm thông qua App Store. Điều này không ảnh hưởng quá nhiều đến doanh thu của Apple nói chung. Vào thời điểm đó, ước tính chỉ cần 1% các nhà phát triển ứng dụng hàng đầu là đủ để đóng góp tới 93% doanh thu cho App Store. Được biết, chương trình dành cho doanh nghiệp nhỏ là kết quả sau một vụ kiện tập thể nhắm đến Apple. 
2021: Cuộc chiến với Epic Games và áp lực từ nhiều cơ quan quản lý trên thế giới tiếp tục khiến Apple phải nhượng bộ. Tháng 8 vừa qua, Apple giảm mức phí cho các ứng dụng tin tức, từ 30% xuống còn 15%. Tuy nhiên, để được giảm phí, các ứng dụng đó phải tham gia vào Apple News. Mặt khác, ứng dụng tin tức không phải là nguồn thu lớn cho App Store.
Apple cũng đã dẹp yên vụ kiện tập thể với các nhà phát triển ứng dụng tương đối nhỏ ở Mỹ, trả 100 triệu USD và làm rõ một số quy tắc cho người dùng.
Đầu tháng này, Apple thỏa thuận với cơ quan quản lý của Nhật Bản, cho phép người dùng có thể mở website của các hãng tin tức thông qua ứng dụng trên App Store. Cả ba thay đổi này giúp giải quyết những mâu thuẫn còn tồn đọng từ năm 2011.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.