Những kỷ vật thời chiến: Phía sau những tấm ảnh

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
27/12/2023 07:19 GMT+7

Có 9 tấm ảnh nằm trong "bộ sưu tập kỷ vật chiến trường", chúng tôi xin nhắc rõ để những người liên quan nhận diện…

Như đã nói, có tất cả 9 tấm ảnh đen trắng, trong đó có 3 bức cỡ lớn hơn được tô màu, số còn lại đa số đều là ảnh nhỏ (có đến 4 tấm khổ 2 x 3), lại là ảnh chụp chung hoặc toàn thân nên cũng khó để nhận diện. Trong một cuộc gặp gỡ, người viết đã đưa số ảnh này cho nhà văn Phạm Xuân Nguyên xem và anh cho biết đó là kiểu chụp, rửa ảnh đặc trưng của miền Bắc thời chiến tranh

Những kỷ vật thời chiến: Phía sau những tấm ảnh- Ảnh 1.

8 tấm ảnh

TÁC GIẢ CUNG CẤP

Những kỷ vật thời chiến: Phía sau những tấm ảnh- Ảnh 2.

Bức ảnh 2 người phụ nữ

TÁC GIẢ CUNG CẤP

Những kỷ vật thời chiến: Phía sau những tấm ảnh- Ảnh 3.

Ảnh liên quan đến người phụ nữ tên Định

TÁC GIẢ CUNG CẤP

Những kỷ vật thời chiến: Phía sau những tấm ảnh- Ảnh 4.

Bức ảnh của người tên Ứng

TÁC GIẢ CUNG CẤP

Những kỷ vật thời chiến: Phía sau những tấm ảnh- Ảnh 5.

Chị em Thu Hiền

TÁC GIẢ CUNG CẤP

Những kỷ vật thời chiến: Phía sau những tấm ảnh- Ảnh 6.

Bức ảnh người đàn ông đứng dựa tường

TÁC GIẢ CUNG CẤP

Những kỷ vật thời chiến: Phía sau những tấm ảnh- Ảnh 7.

Người phụ nữ tên Duyên

TÁC GIẢ CUNG CẤP

Những kỷ vật thời chiến: Phía sau những tấm ảnh- Ảnh 8.

Bức ảnh “ông bạn trà lá”

TÁC GIẢ CUNG CẤP

Những kỷ vật thời chiến: Phía sau những tấm ảnh- Ảnh 9.

Bức ảnh “thằng bạn đồng nghiệp”

TÁC GIẢ CUNG CẤP

Căn cứ vào chữ ký khá bay bướm của Nguyễn Mạnh Hùng (hoặc những ghi chú) sau từng tấm ảnh, chúng tôi chắc chắn rằng anh là người sở hữu ít nhất 6 bức ảnh. Bức lớn nhất (tô màu) là ảnh Nguyễn Mạnh Hùng với khuôn mặt khá điển trai, chụp chung với một nữ bộ đội rất xinh (bức ảnh chúng tôi đã đề cập ở bài trước).

Bức thứ hai (cũng tô màu) là ảnh chụp một thanh niên đẹp trai, sau ảnh Hùng ghi: "Thằng bạn đồng nghiệp khốn cùng đã xa ngày 25.12.67 tại 255 (tức Trường xế)". Bức thứ ba (đen trắng) chụp toàn thân một người đàn ông đội mũ và mặc áo khoác dạ (kiểu Nga), sau ảnh ghi: "Ông bạn trà lá trên đất hang hùm 9.7.67 - ký tên: Hùng"… Qua những chú thích ở mặt sau của 3 bức ảnh kể trên, chúng ta thấy gợn lên một điều: Nguyễn Mạnh Hùng khá là "bức xúc" với môi trường nơi anh đang công tác, anh gọi nghề của mình là "cái nghề khốn khổ", gọi bạn là "đồng nghiệp khốn cùng" và gọi nơi đang công tác (đơn vị 9009) là "đất hang hùm". Tuy nhiên ở các bức ảnh khác thì bút tích của anh không còn tỏ vẻ bức xúc nữa, thay vào đó là những câu rất ngắn gọn. Ở bức ảnh thứ tư (đen trắng) chụp chung 7 người (nghi vấn là chị em trong một gia đình, bởi thứ tự của chiều cao, bé đứng trước, lớn đứng sau), lưng ảnh là nét chữ con gái với màu mực xanh: "Tặng anh tấm ảnh để kỷ niệm và nhớ mãi. Ngày 23.6.67 - Em gái: Thu Hiền". Bên cạnh Hùng ghi thêm bằng mực đen: "Nhận tại 9009, ngày 6.7.67". Giở nhật ký của Nguyễn Mạnh Hùng ở thời điểm ngày 3.7.67 thấy có ghi: "Chiều nay nhận được thư em Hiền, có cả ảnh 7 chị em nhưng theo tình hình hiện nay ta sẽ không trả lời Hiền ngay mà phải chờ tình hình thế nào đã rồi ta sẽ trả lời sau…". Bức thứ 5 là ảnh nhỏ (đen trắng) chụp 6 người đàn ông (toàn thân) trên một khu đất trống. Mặt sau ghi: "22.12.69 Tặng Mạnh Hùng tấm ảnh kỷ niệm. Ký tên: Ứng" (chắc có nhầm lẫn về ngày tháng vì năm 1968 những kỷ vật này đã lọt vào tay người Mỹ). Bức ảnh cuối (cũng là ảnh đen trắng) chụp hai người nữ mặc áo thanh niên xung phong, phía sau là nét chữ và chữ ký của Hùng: "Nhận tại đất Sơn cước 9009" (không ghi ngày).

Ba tấm ảnh còn lại chưa xác định được thuộc về ai: một bức (tô màu) là chân dung của một thiếu nữ có khuôn mặt tròn rất rõ nét, cổ quàng khăn... Lưng ảnh có viết chữ nhưng bị hoen ố do ảnh trước đó được dán rồi bóc ra (vết mờ do dính keo) nhưng có thể đọc được "Ngày 20.6… Duyên". Còn lại ảnh khổ 2x3 một tấm chụp toàn thân người đàn ông đứng dựa vào một bờ tường xi măng dài, sau ảnh ghi: "Kỷ niệm 28/2 (chữ ký)". Tấm ảnh cuối cùng chụp hai người nữ mặc quân phục (có đội mũ) ngồi trước một ngôi nhà xây. Lưng ảnh ghi: "Em gái Định, kính tặng anh tấm ảnh, nhớ mãi". Trong nhật ký của Nguyễn Mạnh Hùng ghi ngày 4.8.67 có nhắc đến người con gái tên Định, như sau: "Ngày đơn vị rời khỏi đất đóng ngàn càng nhích dần. Theo những người… tương lai ta và T có lẽ không được đi (…). Vì thế tư tưởng, suy nghĩ cùng nhiều quan hệ bạn bè mỗi ngày trở nên yếu đuối. Cũng theo như những ngày trước điển hình là Giá, hôm nay được chứng minh tương đối rõ ràng là Giá tới chỗ Định nhưng không rủ ta, đi trốn ta khỏi dây dưa tới những vấn đề không tốt của ta… Tối, ta và T có vào chỗ Giá chơi để hỏi tình hình của Định. Ta thấy Giá tiếp ta và T có vẻ bắt buộc qua những câu chuyện nói hững hờ và nước đôi, kể cả chuyện đi ở. Thế là ta về ngay…"…

"(5.8.67): Sáng nay thấy một hồi còi báo tập trung và phổ biến rõ ràng chiều nay sẽ đi, nhưng có cá biệt ở lại. Ta và T chắc rằng không được đi, nên có phong trào động viên đi làm một buổi cuối cùng mà ta và T vẫn không đi, mà đi lại chỗ em Định chơi. Sau buổi gặp Định càng thấy rõ ràng hơn về Giá…".

Loạt bài Kỷ vật chiến trường xin tạm kết thúc ở đây. Người viết bài này hiện vẫn giữ các hiện vật, nếu những người liên quan (hoặc thân nhân của họ) có nhu cầu nhận lại, xin liên hệ với tác giả qua Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.