Những kỷ vật một thời gửi trao người trẻ

28/02/2021 08:08 GMT+7

Những kỷ vật gắn bó một thời thanh xuân đầy nhiệt huyết, gian khổ trong chiến trường... đã được các cựu cán bộ Đoàn đặt hết tâm huyết gửi trao để tiếp lửa cho thế hệ thanh niên thời đại mới.

Nằm trong chuỗi các hoạt động ý nghĩa của cựu cán bộ Đoàn trong Tháng Thanh niên nhằm chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn, sáng 27.2, Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía nam đã tổ chức buổi lễ trao tặng kỷ vật “Một thời tuổi trẻ hào hùng” với mong muốn sẽ lan tỏa và tiếp lửa cho thế hệ thanh niên thời đại mới.

Mong muốn kỷ vật sống mãi

Có những kỷ vật gợi một thời để nhớ/Có những kỷ niệm không thể nào quên/Một thời tuổi trẻ hào hùng/Tuổi xuân không sống hoài sống phí…, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên đã viết lại những dòng như vậy trong kỷ vật ông gửi trao cho người trẻ.
Lễ trao tặng kỷ vật “Một thời tuổi trẻ hào hùng” rất ấn tượng, khi hình ảnh những mái đầu đã ngả màu bạc phơ của các bác, các cô là cựu cán bộ Đoàn vẫn là màu áo xanh thanh niên.
Ông Lê Trí Dũng, nguyên Phó ban Thiếu niên nhi đồng khu Tây Nam bộ, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận T.Ư, gửi gắm: “Buổi trao kỷ vật hôm nay có ý nghĩa rất lớn đối với tôi, vì đây là cơ hội để hồi tưởng một thời công tác Đoàn với biết bao là kỷ niệm. Điều tôi tâm tư và mong muốn là làm sao để những kỷ vật này sống lại với người trẻ bây giờ, đó mới là điều quan trọng”.
Ông Dũng mang đến một số bức ảnh và một bài viết là những kỷ vật vô cùng ý nghĩa với ông vì đã gắn liền với thời công tác Đoàn của mình.
Kỷ vật Tuổi xuân quyết sống ngang tầm vóc của thời đại mà ông đem đến là tác phẩm của chú Phan Minh Tấn (bút danh Minh Đào - nguyên Bí thư Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam, nguyên Trưởng ban Dân vận T.Ư Đảng). Tài liệu này được viết lúc tác giả đi công tác ở Khu 9, miền Tây Nam bộ, viết trong lúc ở rừng U Minh xã Khánh Lâm bị giặc dội bom, bắn pháo từ Hạm đội 7 vào và trực thăng bắn hằng ngày…, cuộc sống như ngàn cân treo sợi tóc.
“Tác phẩm này chú đưa cho tôi và một đồng chí thư ký văn phòng T.Ư Đoàn (đã hy sinh) là những người đọc tham khảo đầu tiên để cho ý kiến và sau đó được Ban Thường vụ T.Ư Đoàn cho phát hành. Tác phẩm này đã đi vào lòng tuổi trẻ miền Tây Nam bộ đến bây giờ. Không biết bao nhiêu thanh niên sau khi đọc tác phẩm này đã đi vào rừng cùng tham gia kháng chiến. Một tác phẩm viết giấy đơn sơ thế này nhưng lại có ý nghĩa chiều sâu và tác động thật sự đến tuổi trẻ miền Tây Nam bộ và miền Nam lúc bấy giờ”.
Ngoài ra, ông Dũng còn trao gửi lại một kỷ vật là bài viết về công tác thiếu niên nhi đồng khu Tây Nam bộ. “Hiện nay hoặc sau này, nếu T.Ư Đoàn nghiên cứu về công tác thiếu niên nhi đồng trong kháng chiến của miền Nam nói chung, miền Tây Nam bộ nói riêng thì tôi rất mong các anh tham khảo bài viết này. Tôi rất muốn qua buổi trao kỷ vật sẽ gửi lại bài viết này để T.Ư Đoàn có thể nghiên cứu một thời chúng tôi làm công tác Đoàn”.
Những kỷ vật một thời gửi trao người trẻ1

Cựu cán bộ Đoàn trao lại kỷ vật đã gắn bó trong quá trình phục vụ chiến trường 1966 - 1974

Ngọn lửa nhiệt huyết sẽ mãi rực cháy

Mang đến 2 bức ảnh là kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời làm cách mạng, ông Đoàn Ngọc Giao, nguyên Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Việt Nam đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, nguyên Chủ tịch UBND Q.Côn Đảo, cũng muốn gửi trao câu chuyện của mình.
Ông kể: “Bức ảnh này ghi dấu sự kiện sau Tết Mậu Thân, một số trí thức, sinh viên ở Sài Gòn ra chiến khu, được tham gia mặt trận Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Trong liên minh này có lực lượng trẻ của cơ quan T.Ư Đoàn. Bức ảnh này với tôi là có ý nghĩa giai đoạn lịch sử sau Tết Mậu Thân, những cán bộ cốt cán của sinh viên đã vào tham gia chiến khu”.
Còn cô Thái Thị Hạnh, nguyên Tổng đội phó Tổng đội 3 biên giới lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM, cũng nghẹn ngào kể lại câu chuyện thời tuổi trẻ hào hùng của mình thông qua kỷ vật là bức ảnh ghi dấu thời đó: “Giai đoạn chiến tranh biên giới Tây Nam, tôi và các đồng đội của mình thời đó còn sung sức, tham gia chiến trường biên giới Tây Nam. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về thì không rõ một nhà báo nào đó đã chụp tấm hình này, trong đó có tôi và đồng đội của mình. Lực lượng thanh niên xung phong đã tặng tôi tấm ảnh này làm kỷ niệm cho một thời tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt huyết. Hôm nay tôi rất vui khi trao lại tấm hình này, vì quy luật cuộc sống thì ai cũng sẽ ra đi. Kỷ vật này sẽ truyền được lửa của thế hệ đi trước cho thế hệ con cháu sau này”.
Một trong những kỷ vật gửi trao của tiến sĩ Lê Hồng Liêm, Trưởng ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía nam, là tấm hình vô cùng ý nghĩa.
Tiến sĩ Liêm kể nguồn gốc của tấm hình: “Sau khi Việt Nam giúp Campuchia hoàn thành giải phóng năm 1979, được sự đồng ý của Đảng, nhà nước hai bên thống nhất, Ban Bí thư T.Ư Đoàn thời đó cùng với Hội Thanh niên Campuchia có chủ trương tổ chức các lớp đào tạo cho thanh niên Campuchia. Lúc đó tôi được phân công tuyển chọn thanh niên Khmer có trình độ để tham gia, tháng 12.1979 đã mở được lớp đào tạo cấp tốc cho thanh niên Campuchia. Tấm hình này chụp lại lớp học ngày đó và nhiều em trong hình giờ đã là lãnh đạo cao cấp của nước bạn”.
Qua câu chuyện từ tấm ảnh, tiến sĩ Liêm gửi gắm: “Ngày đó chúng tôi trong tư thế của cán bộ Đoàn, cũng không phải là chuyên gia trực tiếp nhưng đã giúp cho nước bạn ngay từ quê hương của chúng ta để đào tạo đội ngũ cho nước bạn, để thấy được rằng công tác Đoàn của chúng ta ngày đó vượt ra ngoài cả ranh giới đất nước, góp phần vào nhiệm vụ quốc tế cao cả”.
Chia sẻ về những mong muốn khi tổ chức chương trình trao kỷ vật “Một thời tuổi trẻ hào hùng”, tiến sĩ Liêm nói: “Những kỷ vật này khi được trao gửi, vừa được bảo quản, giữ gìn tốt hơn. Và quan trọng hơn là những giá trị sống của nó sẽ được lan tỏa và trở thành động lực, góp vào trong lửa nhiệt huyết vốn có trong mỗi người nói chung, và đặc biệt là thế hệ thanh niên đóng góp cho việc xây dựng, bảo vệ đất nước. Và mong rằng, tiếp tục sẽ có nhiều cựu cán bộ Đoàn hưởng ứng, đóng góp nhiều kỷ vật, nhiều câu chuyện sống có giá trị để góp phần đẩy lùi những tiêu cực, những suy nghĩ còn chưa đúng đắn về đất nước”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.