Những kỷ niệm về họa sĩ Nguyễn Sáng

29/07/2023 18:25 GMT+7

Ngày 29.7, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh họa sĩ Nguyễn Sáng, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức chương trình trò chuyện nghệ thuật "Những kỷ niệm về họa sĩ Nguyễn Sáng".

Họa sĩ Nguyễn Sáng sinh ngày 1.8.1923, tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Năm 1938, ông thi đậu vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Tháng 8.1945, ông tham gia cách mạng ở Hà Nội. Cuối tháng 12.1946, ông lên chiến khu Việt Bắc, dùng nét vẽ của mình phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc. Họa sĩ Nguyễn Sáng là một trong những người có đóng góp to lớn cho hội họa hiện đại Việt Nam và là một trong "tứ kiệt" của hội họa là "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái".

Những kỷ niệm về họa sĩ Nguyễn Sáng - Ảnh 1.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê (bìa trái) và họa sĩ Lương Xuân Đoàn (giữa) chia sẻ những kỷ niệm về họa sĩ Nguyễn Sáng

BTMTVN

Nguyễn Sáng là một trong số những họa sĩ của Việt Nam sử dụng thành thạo nhiều chất liệu hội họa, trong đó có những chất liệu quan trọng như sơn mài, sơn dầu, lụa… Và hầu như ở chất liệu nào ông cũng đều để lại những dấu ấn tài hoa.

Bằng con tim chân thành yêu thương của người họa sĩ ông đã dùng nét vẽ lay động người xem với hình họa và màu sắc hiện đại, giản dị mà không khô khan, không sáo rỗng bởi con tim thành thực yêu thương cùng với tài năng biến ảo, đa dạng.

Trong buổi trò chuyện, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, cho biết họa sĩ Nguyễn Sáng rất yêu Hà Nội. Vào quê miền Nam cứ mỗi chiều Sài Gòn, ông lại ngồi bệt trước cửa nhà mà nhớ ra Bắc, nhớ Hà Nội. Ông từng kể với tôi rằng, biết bao giờ ông mới trở về căn nhà ở Hà Nội, nơi hằn khắc những dấu tích của đời ông và cũng là nơi thăng hoa của biết bao điều kỳ diệu khi tài năng hội họa của ông phát lộ âm thầm, rồi tự sáng chói.

"Khi nhìn thấy ông khóc vì nhớ Hà Nội, tôi chợt nhớ bức chân dung tự họa mà ông đã vẽ như một định mệnh từ rất sớm cái đời sống bên trong số phận của số phận mình….", họa sĩ Lương Xuân Đoàn bồi hồi nhớ lại.

Từng có thời gian gắn bó, làm việc với họa sĩ Nguyễn Sáng, họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ: Văn là người, và mọi sáng tạo đều như vậy. Nhưng nghệ sĩ thì thường không chỉ sống một cuộc đời. Tầm vóc xúc cảm và tầm cỡ tư duy của những tài năng lớn không bó hẹp vào đời sống cá nhân mà hàm chứa cả tinh thần thời đại. Những cá tính và tư chất của họ luôn in dấu cội nguồn văn hóa, thứ làm nên tính cách đặc thù và cá biệt không thể trộn lẫn.

Nếu không phải là người Nam bộ chắc Nguyễn Sáng không thể cống hiến cho đời một cái nhìn hào sảng và phân minh đến như vậy. Tuy nhiên, trong ông còn có khả năng tích hợp nhiều phẩm chất đa dạng khác, thể hiện ở lối ứng xử chân thành mà mực thước, sự tinh tế tao nhã trong ẩm thực.

Những kỷ niệm về họa sĩ Nguyễn Sáng - Ảnh 2.

Tác phẩm Kết nạp Đảng tại chiến trường Điện Biên Phủ (sơn mài, 1963), một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng đã được công nhận là bảo vật quốc gia

BTMTVN

"Nguyễn Sáng đã đạt tới đỉnh cao của thời kỳ nghệ thuật hiện thực. Nghệ thuật của ông đã lưu dấu trong tiến trình của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, định vị vị thế của một tài năng xuất chúng. Giờ đây, nghệ thuật đương đại Việt Nam đã viết thêm những trang mới nhưng tấm gương sáng tạo và nhân cách sống của ông thì còn mãi", họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ thêm.

Họa sĩ Nguyễn Sáng đã để lại rất nhiều tác phẩm cho kho tàng mỹ thuật Việt Nam, các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng là sự giao thoa hài hòa giữa nghệ thuật hiện đại thế giới và tinh hoa truyền thống nước nhà, in đậm dấu ấn lịch sử cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

Ông để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như Kết nạp Đảng tại chiến trường Điện Biên Phủ, Chùa Tháp Phổ Minh, Thiếu nữ bên Hồ Gươm, Hành quân đêm mưa, Bộ đội nghỉ trưa trên đồiThanh niên thành đồng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.