Những khúc ca huyền bí: Hồn về trên Tháp ma

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
27/10/2021 06:30 GMT+7

Theo sử sách, năm 1306, công chúa Huyền Trân vâng mệnh vua cha về làm vợ vua Chiêm Thành để đổi lấy 2 châu Ô, Rí... Đã có những bài hát dõi theo bước chân của nàng Huyền Trân…

Năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông được vua Chiêm Thành là Chế Mân mời sang kinh đô Chiêm quốc chơi và tiếp đãi rất nồng hậu suốt gần 9 tháng. Khi ra về, Thái thượng hoàng có hứa gả con gái cho vua Chiêm...

Sau nhiều lần họp bàn giữa đôi bên mà không có sự thống nhất, đầu năm 1306, Chế Mân xin dâng 2 châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến bắc Quảng Trị bây giờ) làm sính lễ, vua Trần Anh Tông đồng ý gả em gái là Huyền Trân. Hôn lễ được tổ chức vào tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) tại kinh đô Đồ Bàn của Chiêm quốc.

Từ khúc Nam bình Nước non nghìn dặm ra đi...

Cuộc hành trình xuôi Nam của công chúa Huyền Trân đã là niềm cảm hứng cho các thi nhân, nghệ nhân đời sau sáng tác nên những bài thơ, khúc hát đậm chất diễm lệ và không kém phần hào hùng... Một trong những khúc hát ấy là Nước non nghìn dặm ra đi hát theo điệu Nam bình:

Huyền Trân công chúa

Tranh: ViVi

Nước non nghìn dặm ra đi/Cái tình chi! Mượn màu son phấn/Đền nợ Ô - Ly/Đắng cay vì/Đương độ xuân thì/Cái lương duyên hay là nợ duyên gì?/Má hồng da tuyết/Quyết liều như hoa tàn trăng khuyết/Vàng lộn theo chì/Khúc ly ca sao còn mường tượng nghe gì!/Thấy chim hồng nhạn bay đi/Tình lai láng, bóng dương hoa quỳ... Dặn một lời Mân quân/Nay chuyện đã như nguyện/Đặng vài phân/ Vì lợi cho dân/Tình đem lại mà cân/Đắng cay muôn phần...

Nhiều người cho rằng khúc ca này do chính Huyền Trân sáng tác khi nàng từ giã kinh thành Thăng Long để về kinh đô Đồ Bàn, nhưng chắc chắn không phải vậy vì thời ấy chưa có ca Huế (Huế cũng là một phần lãnh thổ thuộc 2 châu Ô, Lý). Nhiều tài liệu cho biết tác giả của khúc ca này là ông Võ Chuẩn (Tổng đốc Quảng Nam, là bố của nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh). Ông đã dùng điệu Nam bình để thác lời một thân gái “lá ngọc cành vàng” chấp nhận số phận vì lợi ích đất nước mà từ bỏ quê cha đất tổ để về làm dâu nơi đất khách quê người, hoàn toàn xa lạ...

Trang bìa của bản in trường ca Con đường cái quan

... đến nhạc phẩm Nước non ngàn dặm ra đi

Từ năm 1954 đến những năm đầu thập niên 1960, nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác trường ca Con đường cái quan, mô tả đoàn lữ khách đi theo con đường cái quan, khởi đầu từ biên giới Việt Bắc đi dần vào tới Cà Mau, đi tới đâu đoàn lữ khách cũng đều được dân chúng địa phương đón chào. Trường ca gồm 3 phần: Từ miền Bắc, Qua miền Trung, Vào miền Nam với 19 bài hát ngắn (có thể hát riêng biệt từng bài). Ở phần 2 (Qua miền Trung), nhạc sĩ Phạm Duy đã lấy ngay câu đầu của khúc ca Nam bình ở trên để viết thành ca khúc Nước non ngàn dặm ra đi (bài hát thứ 10 trong trường ca). Nếu chú tâm nghe kỹ, sẽ thấy Phạm Duy đã nâng tầm và thi vị hóa sự kiện lịch sử này bằng những câu hát mà nếu ai không hiểu hết lịch sử sẽ không cảm hết được sự hàm súc và nét tài hoa của tác giả: nàng công chúa băng trinh 17 tuổi ý thức được sứ mệnh lịch sử của mình, đã Bước đi vào lòng muôn dân/Bước đi vào lòng muôn dân/Bằng hồn trinh nữ mơ màng/Bằng tình say đắm ơi chàng/Ước nuôi dần hòa bình trong ái ân...

Trang bìa ca khúc Nước non ngàn dặm ra đi

Tư liệu

Về chung sống với Chiêm vương mới chỉ vỏn vẹn một năm thì Chế Mân từ trần, mang theo cả nồng ấm vợ chồng (Chỉ một mùa tang là hương là sắc tan/Tàn cả tình yêu...) và theo tục lệ (vụ việc này là truyền thuyết), nàng phải lên giàn hỏa để tuẫn tang theo chồng (Đất nước cháy theo với ngọn lửa thiêu...).

Ở đoạn 3 của bài hát (tức khổ cuối cùng), theo ý kiến của cá nhân tôi thì Phạm Duy đã thay lời cho công chúa Huyền Trân để “tâm sự” với người chồng quá cố: Mới hay tình nhẹ như tơ/Mới hay tình nhẹ như tơ/Mộng ngoài biên giới mơ hồ/Chẳng ngăn được sóng vỡ bờ/Với đêm mờ hồn về trên Tháp ma... Huyền Trân được cứu, trở về Thăng Long vào tháng 8.1308 và đi tu ở núi Trâu Sơn với pháp danh Hương Tràng. Đã nương thân vào cửa Phật, hẳn lòng nàng đã dứt hết nợ trần, nhưng (theo thiển ý) Phạm Duy còn cho vị ni sư này từng đêm Mộng ngoài biên giới mơ hồ, chẳng ngăn được sóng vỗ bờ... Mộng ngoài biên giới là nhớ về miền đất phương Nam xa xôi, chẳng ngăn được sóng vỗ bờ - sóng đây là nỗi nhớ cồn cào cứ xô đập vào tâm hồn nàng góa phụ trẻ, để rồi Với đêm mờ hồn về trên Tháp ma..., nàng thả hồn về, như mơn trớn trên ngôi tháp Chàm - nơi cất giữ di cốt của Chế Mân, chồng nàng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.