Những học viên chưa đến giờ học đã muốn đến lớp

13/12/2023 08:07 GMT+7

Sau một ngày vất vả việc nhà nông, nhiều người ở Gia Lai đã đến các lớp xóa mù chữ, nơi tóc xanh xen lẫn đầu bạc ê a tập vần.

 "Mừng nhất là ngày viết được tên mình"

Đều đặn trong nhiều tháng nay, già H'Chun (ở làng Ia Lang, P.Chi Lăng, TP.Pleiku, Gia Lai) cứ xẩm tối là ăn vội cho kịp giờ… đi học ở Trường tiểu học Ngô Quyền (P.Chi Lăng). Ở những lớp xóa mù chữ nơi cao nguyên, khi mặt trời dần khuất sau những rặng núi phía tây thì học trò, thầy cô giáo lại bắt đầu đồng hành trong những lớp xóa mù chữ. Khắp nơi rộn lên tiếng ê a đánh vần.

"Chưa đến giờ học là đã muốn đến lớp rồi. Từ làng ra đến trường tầm 3 km. Hôm thì có người chở, nhiều hôm nóng lòng quá nên già tự đi bộ ra lớp. Nhà già ngày trước khổ quá, cha mẹ mất từ lúc còn nhỏ, phải lo cái ăn, làm sao no cái bụng đã. Chữ không có thì thôi, chớ bụng đói là chết. Khi thấy mọi người xung quanh biết chữ, mình làm gì cũng phải lăn tay làm chứng, buồn lắm", già H'Chun nói.

Con chữ xóa mù! - Ảnh 1.

Già H'Chun đến lớp ở tuổi 67

TRẦN HIẾU

Cuối năm 2022, một số người trong làng rủ nhau đi học lớp xóa mù chữ, già H'Chun lân la hỏi. Theo quy định tuổi học lớp xóa mù chữ, già H'Chun không thuộc đối tượng được tham gia. Nhưng khi nghe già H'Chun nói thích học chữ, nhà trường liền đặc cách.

Từ đó đến nay, già H'Chun chưa nghỉ buổi học nào. Có hôm, già đi thăm cháu đang bị bệnh ở xã Hà Bầu (H.Đăk Đoa, Gia Lai), cách trường học vài chục km nhưng cũng kịp về để đi học.

"Lo cháu nhưng cũng lo đi học nữa. Vậy là mình dậy từ 3 giờ sáng để đi cho kịp, còn về đi học. Lớn tuổi rồi, học không nhanh bằng các cháu trong lớp đâu. Mình là người lớn tuổi nhất lớp, hơn cô giáo cả 20 tuổi. Vậy nên học chậm. Phải cố gắng nhiều. Giờ mình đã biết đọc, ghép chữ được rồi. Mừng nhất là ngày viết được tên mình", già H'Chun kể.

Con chữ xóa mù! - Ảnh 2.

Cô trò cũng đồng hành

TRẦN HIẾU

Cô giáo Dương Thị Kiếu, giáo viên chủ nhiệm lớp xóa mù chữ ở Trường tiểu học Ngô Quyền (P.Chi Lăng), cho biết già H'Chun là học viên đi học đầy đủ nhất trong 3 kỳ học qua. Bất kể mưa nắng, lớp học hiếm khi vắng bóng già H'Chun. Theo cô Kiếu, ban đầu, lớp có 32 người đăng ký theo học, độ tuổi từ 15 trở lên. Đến nay, còn 19 người. Đây là những thành viên tích cực nhất của lớp. Qua hơn 1 năm học, học viên đã biết đọc, biết viết.

Nhọc nhằn con chữ

Ở điểm trường làng Jút 2, thuộc Trường tiểu học Ngô Mây (xã Ia Dêr, H.Ia Grai) hiện có 2 lớp dạy xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số. Có lớp, 2 vợ chồng cùng theo học, hay 3 chị em ruột trong độ tuổi từ 50 đến 57 cùng theo học.

Con chữ xóa mù! - Ảnh 3.

Nhiều người lớn tuổi đến với lớp học xóa mù chữ

TRẦN HIẾU

Mùa này, cao nguyên vào buổi tối hơi lạnh càng thêm buốt. Sương tối nặng hạt. Gió cứ thổi thông thốc từng cơn khó chịu. Đến lớp học, ai cũng phải quấn khăn, mặc áo ấm mà vẫn co ro vì lạnh.

Bà Siu H'Meh (57 tuổi), người chị cả của 3 chị em cùng theo học một lớp xóa mù chữ, kể: "Nhà khó khăn quá nên việc học cũng xem nhẹ. Có người cũng được học chữ rồi nhưng mải lo kiếm sống, ít tiếp xúc với chữ nên quên dần. Ba chị em khi biết có lớp xóa mù chữ đã rủ nhau đi học để mạnh dạn giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày và cũng động viên con cháu học hành. Biết chữ thì biết được nhiều thứ có ích. Vậy nên chúng tôi cố gắng sắp xếp việc nhà để tối đến còn đi học. Cố gắng thôi".

Con chữ xóa mù! - Ảnh 4.

Cô giáo tận tình chỉ dạy

TRẦN HIẾU

Theo ông Siu Hnit, Phó chủ tịch UBND xã Ia Dêr, năm nay, xã đã phối hợp với Trường tiểu học Ngô Mây và Trường tiểu học Lý Tự Trọng mở 4 lớp học xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Các lớp thu hút đông đảo người dân đăng ký theo học. Qua theo dõi, các lớp học được diễn ra đều đặn vào buổi tối các ngày trong tuần. Người dân cũng chăm tới lớp.

Còn cô Ksor H'wang, giáo viên tham gia dạy xóa mù chữ, chia sẻ: "Người lớn tuổi tay chân cứng nên khi cầm tay chỉ họ viết chữ cái khó lắm. Có khi mới cầm hướng dẫn viết, tay họ đã tự bật ra búng vào tay mình đau điếng. Lớp này cũng giống như một lớp ghép, có người đã biết viết hoặc đọc nhưng có người chưa biết gì nên chúng tôi cũng gặp khó khi dạy. Đa phần học viên là người lớn tuổi nên khi dạy, giáo viên cũng có những lời nói, phương pháp sao cho phù hợp để bài giảng được tiếp thu tốt hơn và mang lại hiệu quả trong giao tiếp".

Con chữ xóa mù! - Ảnh 5.

Nhờ những lớp học như thế này, nhiều người dân tộc thiểu số đã thoát mù chữ

TRẦN HIẾU

Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, năm 2022, công tác mở lớp xóa mù chữ được triển khai thực hiện ở H.Krông Pa và TP.Pleiku với 7 lớp/168 học viên. Tính đến tháng 11.2023, công tác mở lớp xóa mù chữ đã thực hiện tại 17/17 địa phương với 226 lớp, 6.503 học viên. Hiện số người mù chữ vẫn còn nhiều trong các cộng đồng dân cư.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, cho biết: "Chương trình xóa mù chữ rất thiết thực với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và Gia Lai nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho bà con, từ đó thoát nghèo, nâng cao chất lượng đời sống. Hiện chương trình đã được triển khai tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy học chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2 theo lộ trình của Bộ GD-ĐT".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.