Những gương mặt 9X làm thay đổi y học thế giới

30/05/2016 08:15 GMT+7

Những chàng trai, cô gái còn rất trẻ, thậm chí chưa bước qua tuổi 20, đã và đang liên tục đóng góp sức mình để thay đổi bộ mặt ngành y tế thế giới, giúp tìm kiếm phương pháp chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo.

Listverse liệt kê 10 gương mặt trẻ tiêu biểu, đã có những đóng góp to lớn cho ngành y tế trong việc phát minh, sáng chế, tìm kiếm ra phương pháp chẩn đoán, chữa trị các chứng bệnh hiểm nghèo. Thanh Niên xin giới thiệu 5 người đầu tiên trong số 10 người được vinh danh trong phần 1.
Ethan Manuell
Mùa xuân năm 2015, cậu bé Ethan Manuell, khi đó đang là học sinh lớp 8 tại thành phố Rochester (bang Minnesota, Mỹ), đã tìm ra “quy tắc 5 phút” nhằm hỗ trợ các bệnh nhân phải sử dụng thiết bị trợ thính.
Bản thân Manuell vốn được điều trị thường xuyên tại Trung tâm y tế quận Olmsted (bang Minnesota) và phải đeo thiết bị trợ thính ở tai trái từ năm 4 tuổi. Do đó, cậu luôn quan tâm đặc biệt đến vấn đề hỗ trợ những bệnh nhân cùng hoàn cảnh, cuối cùng đã khám phá ra “quy tắc 5 phút” nhờ sự hỗ trợ từ chuyên gia thính học Mary Meier.
Theo đó, sau nhiều lần thử nghiệm, Manuell đã nhận thấy rằng bệnh nhân phải tháo một “tấm chắn” bằng nhựa dẻo, giúp oxi trong không khí hòa lẫn với chất kẽm oxit chứa ở lõi các viên pin đặc chế dùng cho thiết bị trợ thính trước khi sử dụng.
Phương pháp của Manuell giúp thời lượng sử dụng của loại pin đặc chế cho các thiết bị trợ thính được tăng lên đến 85% - Ảnh chụp màn hình trang Clearly Hearing
Sau khi tháo tấm nhựa, nếu để pin “trần” ngoài không khí trong khoảng 5 phút trước khi lắp vào thiết bị trợ thính thì thời lượng sử dụng sẽ được tăng lên đến 85%, tức kéo dài hơn chừng 2 - 3 ngày so với thông thường.
Cần lưu ý rằng, tùy vào thiết bị mà thời gian sử dụng tối đa của loại pin đặc chế này chỉ từ 2 - 7 ngày. Do đó, ngoài vấn đề tăng hiệu quả hoạt động, “quy tắc 5 phút” của Manuell còn có thể giúp bệnh nhân tiết kiệm hơn 70 USD mỗi năm.
Tony Hansberry
Trong chuyến thực tập tại bệnh viện thuộc Trung tâm Giáo dục mô phỏng và Nghiên cứu Tính an toàn, Đại học Florida (bang Florida, Mỹ) hồi năm 2008, Tony Hansberry, khi đó mới 14 tuổi, đã khám phá ra phương pháp mới giúp các bác sĩ khâu vết mổ sau khi hoàn thành phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
Hansberry đã ứng dụng thành công endo stitch (dụng cụ khâu nối bán tự động, có 2 ngàm giữ giúp cố định vết thương và chỉ y khoa, mặt khác cũng mang tính linh hoạt cao) vào quy trình khép kín vết thương sau khi phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
Endo stitch Ảnh chụp màn hình trang Medtronic
Chàng trai trẻ đã ví von phương pháp của mình như sau: “Thay vì cài cúc áo sơ mi theo chiều ngang thì bây giờ, bạn đan chúng lên xuống theo chiều dọc”.
Phương pháp của Hansberry hiện đã được thừa nhận rộng rãi và áp dụng phổ biến trong phẫu thuật phụ khoa. Ngoài đơn giản hóa quy trình, nó còn giúp các bác sĩ rút ngắn thời gian đến 3 lần so với bình thường.
Hansberry hiện theo đuổi ngành kỹ thuật y sinh tại Đại học Nông nghiệp và Cơ khí Florida (bang Florida, Mỹ). Ước mơ của cậu là trở thành nhà giải phẫu thần kinh nổi tiếng.
Suman Mulumudi
Năm nay mới 16 tuổi nhưng Suman Mulumudi đã sáng chế ra Steth 10, thiết bị gắn liền với điện thoại thông minh thay thế cho chiếc tai nghe nhịp tim truyền thống, bằng máy in 3D.
Suman Mulumudi xuất hiện trên chương trình truyền hình nổi tiếng The Tonight Show Ảnh chụp màn hình trang GeekWire
Steth 10 có 2 ưu điểm nổi bật so với các dụng cụ dò nhịp tim truyền thống. Nó cho chất lượng âm thanh tốt hơn rõ rệt, đồng thời còn cung cấp đồ thị trực quan, được hiển thị trên màn hình của thiết bị thông minh.
Nhờ Steth 10, các bác sĩ chuyên khoa tim mạch đã hạn chế được việc buộc phải sử dụng phương pháp siêu âm tim đồ, vốn gây tốn kém rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Sau đó, Mulumudi tiếp tục dùng máy in 3D để sáng chế ra LesionSizer, dụng cụ đo kích thước vết thương trong phẫu thuật thông động mạch (bị tắc hoặc hẹp), giúp các bác sĩ đặt ống nối (stent) dễ dàng và chính xác hơn mà vẫn không làm ảnh hưởng đến quy trình chung.

tin liên quan

Thần đồng 15 tuổi chế robot bằng máy in 3D

(TNO) Một thiếu niên 15 tuổi ở Hy Lạp đã trở thành người nhỏ tuổi nhất thế giới có thể chế tạo robot hình người bằng máy in 3D. Ngoài Dimitris ra, cả thế giới chỉ còn 5 người nữa có thể làm được robot dạng này.

Hiện tại, Mulumudi đang theo đuổi chương trình trung học tại trường Lakeside (thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ). Cậu đồng thời là nhà sáng lập, CEO của tập đoàn cung cấp thiết bị y tế StratoScientific Inc.
Elana Simon
Năm 12 tuổi, Elana Simon bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tế bào gan dạng tấm sợi và may mắn nằm trong số 32% bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.
Elana Simon trong buổi gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: AFP
Đây là một dạng ung thư gan hiếm gặp, khiến công tác nghiên cứu các triệu chứng gặp vô vàn khó khăn, từ đó dẫn đến tình trạng rất khó điều trị vì thông thường, khi chẩn đoán được thì bệnh đã kịp di căn ra khắp cơ thể.
Năm 2013, khi mới 18 tuổi, Simon đã cố gắng tìm cách cô lập các tế bào gan dạng tấm sợi để tìm ra tác nhân gây ung thư. Hợp tác cùng vị bác sĩ từng phẫu thuật khối u cho mình, em phân tích mẫu bệnh phẩm lấy từ 15 người khác nhau, và phát hiện ra “mẫu số chung” là thể khảm (2 mô khác nhau về gen tồn tại trong cùng một cơ thể do đột biến, có tính liên kết) tạo ra một loại protein độc nhất.
Tháng 2.2014, Simon đã có báo cáo khoa học (đồng tác giả) được đăng trên tạp chí Science danh tiếng. Hiện tại, cô đang là sinh viên ngành khoa học máy tính tại Đại học Harvard (bang Massachusettes, Mỹ).
Jack Andraka
Jack Andraka - Ảnh cắt từ clip của ABC News
Năm 14 tuổi, Jack Andraka bắt đầu quan tâm đến chứng ung thư tuyến tụy, từ đó quyết định lên mạng internet để tìm hiểu về chỉ dấu sinh học của căn bệnh quái ác. Sau khi hoàn thành, cậu gửi hơn 200 bưu phẩm đến các chuyên gia khắp nước Mỹ, trong đó ghi lại phương pháp nghiên cứu, cũng như ngân sách và thời gian cần có để thực hiện kế hoạch đã đề ra.
Tuy nhiên, trong số đó, chỉ duy nhất tiến sĩ Anirban Maitra, chuyên gia về ung thư tuyến tụy tại Trung tâm nghiên cứu ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas (thành phố Houston, bang Texas, Mỹ) nhận hỗ trợ cho chàng trai trẻ tuổi.
Trong vòng 7 tháng, tận dụng thời gian vào các dịp cuối tuần và sau khi đến lớp, Andraka đã phát triển phương pháp kiểm tra, phát hiện mesothelin nồng độ cao trong cơ thể. Đây là loại protein đặc biệt, thường được sản sinh ra rất nhiều trong thời kỳ đầu của bệnh ung thư tuyến tụy.
Phương pháp kiểm tra của Andraka chỉ mất 5 phút, tiêu tốn khoảng 50 USD, tiết kiệm rất đáng kể so với trước đây. Ngoài tuyến tụy, nó còn có khả năng hỗ trợ chẩn đoán sớm ung thư ở buồng trứng, vú và phổi.
Năm 2013, Andraka từng được Đệ nhất phu nhân Michelle Obama mời đến dự buổi phát biểu Thông điệp Liên bang tại Nhà Trắng. Cậu còn nhận Giải thưởng Tay nghề quốc gia từ Viện Smithsonian (Mỹ) trị giá 100.000 USD.
Phương pháp kiểm tra của Andraka đang trong quá trình thử nghiệm cận lâm sàng. Chàng trai sinh năm 1997 hiện là sinh viên của trường Đại học Stanford (bang California, Mỹ).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.