Những động lực cảng biển TP.HCM đang bỏ ngỏ

02/07/2022 07:20 GMT+7

Hiện nay, cảng Hiệp Phước và Cát Lái là những động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế biển của TP.HCM nhưng quá trình khai thác còn nhiều bất cập.

Từ năm 2009, Chính phủ đã sớm có chủ trương di dời các cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành. TP.HCM đã quyết định phát triển cảng biển ở Hiệp Phước, nơi tập trung 4 cảng lớn nằm dọc sông Soài Rạp gồm cảng container quốc tế SPTC, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước và cảng quốc tế Long An. Theo quy hoạch này, cảng TP.HCM sẽ là cảng loại 1 với luồng tàu biển chính là Soài Rạp. Năm 2014, TP đã nạo vét thành công những điểm cạn và vực dậy giao thông đường thủy trên sông Soài Rạp, mở đường cho tàu biển lớn. Đến nay, TP đã hoàn thành nhiều quy hoạch quan trọng để chuyển tiếp xuất nhập khẩu cho cả ĐBSCL với các tàu hạng 50.000 tấn; hoàn tất di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội quý 3/2018 và chuẩn bị di dời cảng Tân Thuận (Q.7) xuống Hiệp Phước. Đồng thời, khu đô thị cảng Hiệp Phước cũng đang được khẩn trương xây dựng nhằm đưa TP.HCM “tiến ra Biển Ðông”. “Siêu dự án” này có quy mô 3.900 ha, gồm hệ thống cảng - khu công nghiệp - khu đô thị, trong đó khu đô thị chiếm gần 1/3, đáp ứng nhu cầu sinh sống cho 250.000 chuyên gia, lao động. Dự án không chỉ tạo hấp lực cho đô thị vệ tinh là Cần Giuộc mà còn là đầu mối giao thương, trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực và hình thành nên các khu đô thị sầm uất.

TP.HCM vẫn chưa khai thác hết hệ thống cảng hiện hữu

nguyễn long

Thế nhưng, dự án nâng cấp mở rộng cảng Hiệp Phước đến giờ vẫn “giậm chân tại chỗ”. Việc di dời cảng Tân Thuận vì thế cũng chưa hẹn ngày. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng đường kết nối tại cảng Hiệp Phước hiện chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Trên đường bộ, hiện chỉ có 1 con đường độc đạo dẫn vào cảng Hiệp Phước. Nếu hàng hóa đi theo hướng từ phía đông sẽ phải đi xuyên vào nội đô vì hệ thống đường vành đai chưa khép kín. Nếu đi theo hướng miền Tây thì đường hẹp, qua phía nam đường Nguyễn Văn Linh cũng chật, thường xuyên ùn tắc. Dưới lòng sông, luồng dẫn cạn, tàu hàng không thể đi trực tiếp từ cổng Soài Rạp vào cảng mà phải đi vòng từ luồng Lòng Tàu vào mũi Nhà Bè, sau đó mới vào luồng Soài Rạp.

Cùng với Hiệp Phước, Cát Lái là cảng container hàng đầu cả nước, chiếm 25% thị phần vận tải biển nội địa, gần 50% thị phần container xuất nhập khẩu của cả nước và 92% thị phần khu vực TP.HCM, đóng góp không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng của TP.HCM. Tuy nhiên, sự phát triển ấy cũng đã tạo ra một điểm nóng về giao thông cho khu vực đông bắc TP, gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Mới đây, TP.HCM đã có công văn gửi Bộ GTVT đề xuất làm tuyến đường nối cảng Cát Lái - Phú Hữu đến cao tốc Long Thành - Dầu Giây, Vành đai 3 nhằm phục vụ chở hàng hóa và giảm ùn tắc khu vực. Cung đường mới dài 6 km, rộng 60 m, 12 làn xe, vận tốc 60 km/giờ. Tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Thị Định, qua đường Nguyễn Thị Tư, sau đó đi qua rạch Bà Cua, Ông Nhiêu rồi kết thúc tại nút giao Vành đai 3 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. TP.HCM đánh giá sau khi hình thành, đây sẽ là đường chuyên dụng, chủ yếu phục vụ vận tải hàng hóa ra vào cảng Cát Lái - Phú Hữu, góp phần chia sẻ lưu lượng, giảm thiểu nguy cơ ùn tắc giao thông các tuyến đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trịnh... Đồng thời, kết hợp điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, bổ sung các khu vực dịch vụ logistics lân cận cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu.

Chuyên gia quy hoạch, KTS Nguyễn Xuân Anh đánh giá hiện nay cảng Hiệp Phước và Cát Lái là những động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế biển của TP.HCM. Đã đến lúc cần những giải pháp quyết liệt, căn cơ và dài hơi để giải phóng áp lực cho cảng Cát Lái cũng như những vấn đề liên quan. Cơ sở hạ tầng cần đi trước một bước để kết nối các bến cảng trong đô thị, nối liền các cảng nước sâu, kết nối giao thông đường bộ sẵn có với đường biển, tạo sự liên kết với các khu công nghiệp, cảng biển, du lịch, từng bước đưa TP.HCM tiến dần ra biển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.