Những dòng kênh chết

27/07/2015 09:40 GMT+7

Hàng nghìn mét kênh mương mang theo dòng nước ô nhiễm đang len lỏi khắp TP.Hải Phòng, làm ô nhiễm nguồn nước mặt tại thành phố này.

Hàng nghìn mét kênh mương mang theo dòng nước ô nhiễm đang len lỏi khắp TP.Hải Phòng, làm ô nhiễm nguồn nước mặt tại thành phố này.

Nhiều đoạn kênh, hồ được cải tọa, xây kè nhưng nước vẫn rất bẩn
Nhiều đoạn kênh, hồ được cải tọa, xây kè nhưng nước vẫn rất bẩn - Ảnh: Lê Tân
Những người dân ở khu Đẩu Vũ, P.Văn Đẩu, Q.Kiến An mới đây đã viết thư kêu cứu về việc phải sống khổ cạnh một con mương ô nhiễm. Nhiều năm qua, những nhà làm bún, làm đậu trong khu vực đã xả nước thải không xử lý ra con mương này, gây ô nhiễm trầm trọng.
Hiện, lưu lượng nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp trung bình tại TP.Hải Phòng khoảng hơn 80.000 m3/ngày/đêm. Theo báo cáo năm 2014 của phòng cảng sát môi trường (Công an TP.Hải Phòng), chỉ có 5 KCN, CCN trên địa bàn có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Rất nhiều bệnh viện, phòng khám tư nhân không có hệ thống xử lý nước thải.
Ông Mạc Văn Tập (52 tuổi), sống tại khu tập thể Thủy Sản, đường Thiên Lôi, P.Kênh Dương, Q.Lê Chân, nói: “Khoảng 15 năm trước, con kênh này trong xanh lắm, cá tôm nhiều vô kể, mùa mưa thì đầy rạm (một loại cua nước lợ), bắt không xuể. Thế mà bây giờ kinh khủng quá”. Bà Nguyễn Thị Chi (xóm Trung, P.Đằng Giang, Q.Ngô Quyền) cũng chỉ vào mương An Kim Hải than thở: “15 năm sống ở đây là 15 năm sống cùng ô nhiễm. Khi trời mưa, nước dềnh lên bốc mùi khó chịu, ngày nắng, mùi hôi lại càng nồng nặc hơn”.
Khó hy vọng hồi sinh
Nội thành Hải Phòng hiện có 3 hệ thống kênh dẫn nước chính, đó là kênh Đông Bắc, kênh Tây Nam, kênh An Kim Hải, chảy qua các quận Lê Chân, Ngô Quyền, Hồng Bàng, Hải An. Theo khảo sát của PV Thanh Niên, tất cả đều đang ô nhiễm nặng: nước kênh đen, bốc mùi khó chịu, lòng kênh đầy bùn, rác, dòng chảy bị thu hẹp, khó lưu thông.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Tuấn, nguyên Giám đốc Sở KH-CN Hải Phòng lý giải: Hải Phòng chưa có hệ thống thoát nước thải thích hợp. Các khu vực đô thị được phục vụ bởi một mạng nước cống chung. Mạng lưới này thu gom vận chuyển phần chảy tràn từ các bể phốt, toàn bộ phần nước xám, nước mưa sau đó xả trực tiếp ra các con kênh.
Vẫn theo ông Tuấn, chưa cần nói đến sự ô nhiễm của nước thải công nghiệp, chính nước thải sinh hoạt đang trở thành hiểm họa với môi trường. Bởi trong thành phần nước thải sinh hoạt hàng ngày này có nhiều chất hóa học từ các sản phẩm tẩy rửa, mỹ thẩm, thực phẩm… Bên cạnh đó, ý thức kém của người dân cũng góp phần hủy hoại những dòng kênh, mương ở Hải Phòng; các kênh mương ở thành phố này đang bị lấn chiếm bởi chất thải xây dựng, rác, trồng rau, làm ách tách dòng chảy.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH thoát nước Hải Phòng cho rằng, thành phố này cần xây dựng hệ thống thu gom nước thải tại tất cả các kênh, hồ, đồng thời xây dựng các nhà máy xử lý nước thải; nạo vét, thu gom bùn rác và sử dụng phương pháp vi sinh để cải thiện chất lượng nước ở các con kênh. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nhiều khi vừa ra quân thu gom rác thải, thau rửa kênh mương thì hôm sau người dân lại đổ xuống đầy rác.
“Nếu người dân không chung tay giúp sức, sẽ không bao giờ hồi sinh được kênh mương”, ông Tuấn khẳng định.
Kết quả phân tích từ Trung tâm quan trắc môi trường (Sở TN-MT Hải Phòng) cho thấy, các thông số về khí độc (amoni) tại hồ An Biên vượt hơn 4 lần; hồ Tiên Nga vượt 5 lần; hồ Sen vượt hơn 8 lần. Thông số coliform tại hồ An Biên vượt tiêu chuẩn cho phép 17 lần; tại hồ Sen vượt 22 lần; hồ Dư Hàng vượt 90 lần.
Theo giới chuyên môn, vi khuẩn coliform có mức độ vượt tiêu chuẩn cho phép càng cao thì càng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, nhất là dịch bệnh tiêu chảy. Amoni làm ảnh hưởng đến quá trình khai thác, xử lý và lưu trữ nước, nó chuyển hóa thành nitrit và nitrat. Nitrit là chất độc rất có hại cho cơ thể. Khi uống phải sẽ chuyển hóa thành nitrosamin, một chất có tiềm năng gây ung thư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.