Những điều tân sinh viên cần làm khi đến TP.HCM

Lê Thanh
Lê Thanh
24/02/2022 08:30 GMT+7

Tân sinh viên từ các tỉnh về các thành phố lớn thường gặp những khó khăn và thử thách ở giai đoạn đầu. Những lời khuyên sau đây sẽ giúp sinh viên nhanh chóng ổn định, tập trung học hành.

Xe buýt là phương tiện được sinh viên chọn đi lại mỗi ngày đến trường

LÊ THANH

Tìm hiểu kỹ chỗ ở, lộ trình di chuyển phù hợp

Theo Nguyễn Thị Minh Nguyệt, sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, với tân sinh viên, dù quyết định ở ký túc xá, thuê nhà trọ bên ngoài hay ở nhà bà con đều phải tìm hiểu thật kỹ nơi mình sẽ ở.

“Nếu ở ký túc xá thì xem các nội quy về giờ giấc có phù hợp với lịch học hoặc lịch dự định đi làm thêm của mình hay không. Còn nếu quyết định thuê phòng trọ ở bên ngoài thì cần đến nơi tìm hiểu vài ba lần vào các khung giờ khác nhau cả ban ngày lẫn ban đêm để xem an ninh ở đó thế nào. Có phức tạp hay ồn ào làm ảnh hưởng đến việc học của mình hay không? Nếu ở nhà bà con thì nhất định phải tìm hiểu nền nếp sinh hoạt cũng như tính tình của các thành viên trong gia đình để có cách ứng xử phù hợp”, Minh Nguyệt, chia sẻ.

Chọn phương tiện di chuyển từ nơi ở đến trường sao cho phù hợp nhất là điều rất quan trọng với tân sinh viên

LÊ THANH

Trong khi đó, Lê Thị Phương Thủy, sinh viên năm 4 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng chọn phương tiện di chuyển từ nơi ở đến trường sao cho phù hợp nhất là điều rất quan trọng với tân sinh viên. “Việc di chuyển ở các thành phố lớn hoàn toàn khác ở tỉnh vì xe cộ đông đúc hơn. Chính vì vậy, tân sinh viên cần tìm hiểu, khảo sát trước đoạn đường từ nơi mình ở đến trường học bao xa, có thể di chuyển bằng phương tiện gì cho an toàn và thuận lợi nhất. Nếu di chuyển bằng xe buýt đến trường thì cần tìm hiểu các tuyến xe, phải canh giờ để đi cho đúng tuyến nếu không muốn trễ giờ học. Còn bạn nào chọn nhà trọ ở gần trường thì khi di chuyển phải tuân thủ tuyệt đối luật giao thông, nhất là qua đường và dừng đèn xanh đèn đỏ đúng quy định”, Phương Thủy nói.

Chi tiêu hợp lý để không dẫn đến nợ nần

Theo thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai, giảng viên thỉnh giảng tại Trường ĐH Hoa Sen, tân sinh viên từ các tỉnh lần đầu tiên về các thành phố lớn bắt đầu quá trình học tập luôn gặp các khó khăn và thử thách ở giai đoạn đầu. “Chính vì vậy, các bạn cần dành ít thời gian để xây dựng cho mình một kế hoạch hội nhập trong sinh hoạt, học tập và thư giãn để ổn định mọi thứ”, thạc sĩ Trần Minh Hải khuyên.

Tân sinh viên làm thủ tục nhận chỗ ở tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM

LÊ THANH

Thạc sĩ Trần Minh Hải chia sẻ thêm: “Cách dạy và học ở bậc đại học của sinh viên sẽ khác cách học của học sinh ở bậc trung học phổ thông. Học đại học sẽ ít có kiểu học thuộc lòng mà chủ yếu nghiên cứu tài liệu, làm việc nhóm, thuyết trình, thực hành kỹ năng… Vì vậy, sinh viên cần trau dồi kỹ năng làm việc nhóm, hợp tác, phản biện, đặt câu hỏi, thuyết trình để tích điểm cho từng môn học. Các giảng viên cũng thường chấm điểm tiến trình chứ không chỉ tập trung cho sinh viên lấy điểm vào kỳ thi cuối kỳ”.

Thạc sĩ Trần Minh Hải lưu ý tân sinh viên cần chú ý đến việc quản lý tài chính cá nhân bởi vì khi các bạn từ tỉnh về thành phố lớn để học thì phải làm quen với cuộc sống tự lập, tự chịu trách nhiệm và tự cân đối chi tiêu.

Thạc sĩ Trần Minh Hải chia sẻ: “Mỗi tháng các bạn sẽ có một khoản tiền nhất định do cha mẹ hỗ trợ hoặc đi làm thêm mà có. Chính vì vậy sinh viên cần phải lên kế hoạch chi tiêu hợp lý để tránh “cháy túi” quá sớm khi chưa đến tháng nhận tiền. Ngoài ra, sinh viên sống và học tập ở các thành phố lớn thường rất dễ bị cám dỗ bởi điều kiện vật chất đa dạng như: quần áo thời trang, điện thoại đời mới, xe cộ, quán xá và nhiều loại hình giải trí xa hoa… Nếu không biết kiềm chế, rất dễ chi tiêu quá khả năng dẫn đến nợ nần và ảnh hưởng đến quá trình học tập”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.