Những điều kiện, căn cứ để đưa học sinh trở lại trường học an toàn

25/01/2022 06:43 GMT+7

Chiều 24.1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành bàn về lộ trình đưa học sinh trở lại trường học an toàn; phương án, kế hoạch và lộ trình mở cửa đón khách du lịch an toàn, hiệu quả.

Học sinh trở lại trường trên tinh thần thích ứng an toàn

Về mở cửa trường học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết đến nay cả nước có 14 địa phương đang cho học sinh (HS) đi học trực tiếp, 30 địa phương học trực tiếp kết hợp trực tuyến, 19 địa phương còn đang học trực tuyến hoặc qua truyền hình.

Bộ GD-ĐT đã tổ chức một số cuộc hội thảo, tham vấn ý kiến với các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, y tế về phương án đưa trẻ trở lại trường, và nhận được các ý kiến đồng thuận. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong triển khai kế hoạch đưa trẻ trở lại trường theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Diễn tập học sinh đi học trở lại sau tết tại Trường THPT Việt Đức, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội sáng 24.1

ĐẬU TIẾN ĐẠT

“Theo kiến nghị của các địa phương, đến ngày 7.2, dự kiến có 49 tỉnh, TP triển khai học trực tiếp, 14 tỉnh dự kiến cho trẻ trở lại trường vào ngày 12.2. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GD-ĐT là đưa trẻ trở lại trường trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm quyền lợi của các cháu”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn bày tỏ: “Chúng ta đã có những điều kiện, căn cứ để đưa trẻ trở lại trường học an toàn như: tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cho người từ 18 tuổi trong nhóm cao nhất thế giới, tỷ lệ ca bệnh nặng, số ca tử vong thấp, kinh nghiệm chống dịch của các địa phương, ý thức của người dân được nâng cao, tỷ lệ tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 tuổi cao (dự kiến hoàn thành tiêm mũi 2 sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần) và tăng cường tiếp cận vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi”.

Ông Sơn nhấn mạnh Bộ Y tế “cơ bản ủng hộ kế hoạch đưa trẻ trở lại trường sau tết”, tuy nhiên cũng cần hết sức cảnh giác, theo dõi sát diễn biến dịch bệnh trong tết, nhất là đối với biến chủng Omicron. “Sau tết, Bộ Y tế sẽ có đánh giá cụ thể tình hình dịch để góp ý cho Bộ GD-ĐT về kế hoạch đưa trẻ trở lại trường”, ông Sơn nói thêm.

Hà Nội diễn tập cho học sinh trở lại trường từ 8.2

Ngày 24.1, một loạt địa phương, trường học ở Hà Nội diễn tập cho HS trở lại trường vào ngày 8.2, theo phê duyệt của UBND TP.Hà Nội dựa trên đề xuất của Sở GD-ĐT.

Cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng ký văn bản số 234 về việc HS trở lại trường học trực tiếp. Theo đó, UBND TP thống nhất về nguyên tắc theo đề xuất của Sở GD-ĐT tại Tờ trình số 148 của Sở GD-ĐT ngày 19.1 về việc cho HS trở lại trường học sau thời gian dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19.

Cụ thể, HS các khối từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn TP sẽ đi học trực tiếp; HS cấp tiểu học và khối lớp 6 của cấp THCS tiếp tục học trực tuyến. Trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.

Tuy nhiên, Sở GD-ĐT đề xuất nguyên tắc thực hiện: chỉ tổ chức dạy học trực tiếp ở các địa bàn có mức độ dịch cấp độ 1, 2; các địa bàn ở cấp độ 3, 4 tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến.

HS cư trú tại địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 không đến trường học mà ở nhà học trực tuyến, nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên dạy cho các em. Giáo viên chưa tiêm đủ vắc xin Covid-19 theo quy định chỉ dạy học trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp. Không tổ chức bán trú, căn tin ăn uống trong trường, chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày.

Từ ngày 24.1, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã chia thành nhiều đoàn đến một loạt các trường học trên địa bàn TP chỉ đạo công tác diễn tập cho HS trở lại trường.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết để bảo đảm an toàn nhất cho HS trở lại trường, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội đã chỉ đạo Sở GD-ĐT, Sở Y tế phối hợp các quận, huyện, thị xã, nhà trường trên địa bàn tổ chức công tác diễn tập với nhiều tình huống. Việc diễn tập được tổ chức ở một trường nhưng lãnh đạo các đơn vị khác cùng dự để tham khảo, rút kinh nghiệm, từ đó tổ chức triển khai tại đơn vị mình. Hoạt động diễn tập nhằm giúp các nhà trường chủ động ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh, có kỹ năng xử lý nhanh, hiệu quả các tình huống đột xuất trong quá trình tổ chức dạy học, nhất là khi phát hiện có trường hợp HS là F0 tại lớp.

Theo kế hoạch, từ nay tới trước kỳ nghỉ tết, các phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã, các đơn vị trực thuộc sẽ triển khai công tác diễn tập, sẵn sàng các điều kiện an toàn để đón HS trở lại trường học khi có thông báo.

Thay đổi cách xử trí khi có F0, F1 tại trường

Việc hướng dẫn xử trí khi có F0, F1 trong trường học ở Hà Nội thời gian qua được đánh giá là rất phức tạp và gây lo ngại, bất an cho chính HS, phụ huynh khi nếu trong trường lớp có F0 thì HS sẽ phải cách ly tập trung hoặc đóng cửa toàn bộ trường học.

Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương cho rằng thời gian tới theo quy trình xử lý được quy định tại hướng dẫn liên ngành của Sở GD-ĐT, Sở Y tế Hà Nội, khi phát hiện trường hợp HS là F0 tại lớp, giáo viên tạm dừng việc giảng dạy, tạm thời cách ly HS tại chỗ, báo cáo ban giám hiệu và triển khai các bước tiếp theo, trong đó có việc xác định các trường hợp tiếp xúc gần. Theo hướng dẫn, chỉ có trường hợp F0 được đưa đi cách ly để điều trị, các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại nhà.

Trước ý kiến bày tỏ lo lắng về việc một số HS chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì có được đến trường học trực tiếp hay không, ông Cương khẳng định quyết định tiêm vắc xin Covid-19 cho HS là hoàn toàn tự nguyện và đây không phải là điều kiện bắt buộc để HS có được đến trường hay không. Tuy nhiên, ông Cương cũng thông tin, đến thời điểm này, hơn 97% HS từ 12 - 17 tuổi ở Hà Nội đã tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19; tỷ lệ này ở giáo viên là 99,6%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.