Những điều ít biết về quá trình đào kênh Vĩnh Tế

Nam Hoa
Nam Hoa
12/09/2021 11:00 GMT+7

Kênh Vĩnh Tế được xem là công trình thủy lợi quan trọng bậc nhất của triều Nguyễn ở Nam bộ. Tuy vậy, vẫn còn những điều ít được nói đến về quá trình đào con kênh nổi tiếng này.

Chiều dài thực của kênh Vĩnh Tế

Sách Gia Định thành thông chí (tập Thượng, mục “Vĩnh Tế hà”) của Trịnh Hoài Đức viết: “Năm Kỷ Mão (1819) niên hiệu Gia Long thứ 18, đo thẳng từ hào phía hữu sau đồn Châu Diên lên phía tây qua náo khẩu Ca-âm đến Kỳ Thọ (tục danh Cây cầu) dài 44.412 tầm, thành 205 dặm rưỡi, đặt tên là sông Vĩnh Tế…, cộng thành sông mới, bề dài 140 dặm rưỡi, tiếp giáp sông cũ đến cửa biển Hà Tiên tổng cộng bề dài 205 dặm rưỡi, đường sông đi lại lưu thông”. Ở đây “sông cũ” là chỉ sông Giang Thành, như vậy Gia Định thành thông chí viết kênh (sông) Vĩnh Tế dài 140 dặm rưỡi.
Sách Đại Nam thực lục (Chính biên, tập 2, đệ nhị kỷ, quyển 2 - NXB Giáo Dục 2007) viết: “Tháng 3 năm Minh Mạng thứ nhất (1820). Hoãn công việc đào sông Vĩnh Tế…  Đến nay công việc chưa xong (đã thành sông được 3.224 trượng, chưa thành sông 9.992 trượng), vua không nỡ để cho nhọc sức dân mãi, nên hoãn lại...”. Như vậy theo Đại Nam thực lục, sông Vĩnh Tế dài 13.216 trượng.
Trong sách Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang (Nguyễn Văn Hầu, NXB Hương Sen 1972), tác giả diễn giải: “Một tầm có 8 doanh tạo xích: 2m56; một trượng có 10 doanh tạo xích: 3m2”. Mỗi “doanh tạo xích” dài 0.32m - bằng với “xích” Trung Quốc. Theo Từ lâm Hán Việt từ điển (Vĩnh Cao - Nguyễn Phố, NXB Thuận Hóa 2001) thì 1 dặm = 1.800 xích và bằng 576 m.
Như vậy theo Gia Định thành thông chí thì kênh (sông) Vĩnh Tế dài khoảng 80,6 km; còn theo Đại Nam thực lục thì kênh (sông) Vĩnh Tế dài 42 km. Nếu Đại Nam thực lục chưa tính khoảng 10 km qua náo khẩu Ca-âm (đề cập ở đoạn sau) không phải đào thì kênh dài khoảng 52 km. Thời đầu thế kỷ 19, công tác đo đạc còn mang tính thô sơ, có lẽ vì thế dẫn đến những con số chênh lệch nhau lớn như vậy.

Khu vực được ông Nguyễn Văn Hầu cho là vũng Ca-âm

ẢNH: T.L

Ngày nay, từ Châu Đốc (An Giang) theo quốc lộ 91 đến thị trấn Tịnh Biên, tiếp tục theo đường N1 chạy sát cạnh kênh (sông) Vĩnh Tế, đến Đầm Tích (xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, Kiên Giang), nơi đường N1 tách khỏi kênh Vĩnh Tế, thì quãng đường là 63 km. Từ điểm đường N1 tách khỏi, kênh Vĩnh Tế chảy thêm vài km nữa thì hòa vào sông Giang Thành. Chiều dài thực tế kênh Vĩnh Tế hiện nay khoảng 65 - 66km.

'Náo khẩu Ca-âm' là gì?

“Náo” tiếng Hán nghĩa là bùn lầy, “náo khẩu” có thể hiểu nôm na là một cái đầm lầy. Gia Định thành thông chí có đề cập đến việc kênh (sông) Vĩnh Tế được tính toán chạy xuyên qua náo khẩu Ca-âm để tiết kiệm sức dân được 18 dặm (khoảng 10km).
Về "náo khẩu Ca-âm", Gia Định thành thông chí viết: “(Náo khẩu Ca-âm) nằm ở giữa sông Vĩnh Tế, dài 18 dặm rưỡi, rộng bằng nửa bề dài…; phía nam gối lên núi Ca-âm, nên nhân đó mà gọi tên. Các núi Ngất-sâm xếp hàng ở phía đông, các núi Chân-sâm bao quanh ở phía tây…”.
Khoảng 140 năm sau đó, nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Nguyễn Văn Hầu khi viết Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang đã cố công tìm kiếm “náo khẩu Ca-âm”, “núi Ca-âm”, nhưng cư dân khu vực đó không ai biết về địa danh ấy. Ông đã cất công điền dã nhiều lần tới khu vực Thất Sơn, tìm hỏi những bô lão, thậm chí thử đọc trại đi những từ mà ông nghĩ ra (Ca-âm, thành Cam hay Cấm…) nhưng cũng không ai biết. Cuối cùng, ông viết trong sách: “Xét địa điểm các núi Ca-âm, Ngất-sum (sâm), Chân-sum (sâm) và vị trí huyện lị Hà Dương theo các tài liệu cũ để tìm ra dấu vết vũng Ca-âm, chúng ta có thể đoán rằng vũng Ca-âm nằm khoảng trong ngoài quận lị Tịnh Biên chạy dài đến gần núi Cậu ngày nay (núi Cậu còn tên khác là Bửu Sơn - NV)".
Về cách người xưa căn chỉnh để đào sông Vĩnh Tế, trong Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang có viết: “Để làm cho con kinh được ngay (thẳng - NV), người ta đợi lúc ban đêm, rẽ sậy rạch hoang, đốt đuốc trên đầu những cây sào rồi nhắm theo đường thẳng mà cắm. Muốn điều khiển những cây “sào lửa” ấy cho thật ngay hàng, người ta cầm một cây rọi to, đứng trên cao phất qua phất lại ra hiệu cho người cầm sào tìm đúng vị trí...".

Những chuyện ít biết về quá trình đào kênh

Đó là những sự tổn hại nhân mạng tại công trường: bệnh tật do khí hậu lam chướng, do thú dữ ở rừng núi ban đêm mò xuống bắt người,bị rắn rết cắn chết, và còn cả những tai nạn trong quá trình lao động. Sách Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang viết rằng để thúc đẩy tiến độ, nhà chức trách có khi bắt dân binh phải làm thâu đêm. Có những đoạn gần chân núi, đất toàn đá sỏi, phải dùng thuổng sắt lưỡi dày dùng vồ đóng xuống để đào. Có nhiều vụ do sức khỏe mòn mỏi, lại buồn ngủ vì phải làm đêm, người ta lạc tay đập chày vồ vào đầu nhau mà chết.

Một góc "nghĩa trủng" - nơi cải táng hài cốt của những người đã chết trong lúc đào kênh Vĩnh Tế

ẢNH: T.L

Từ những sự cơ cực ấy, nhiều người đã bỏ trốn. Trốn mà bị bắt lại, ăn chắc bị phạt làm khổ sai liên tục trên công trường. Trốn thoát được lính canh mà lạc vào rừng thì cũng chắc chết vì đói và làm mồi cho thú dữ. Thoát được lính canh và lạc rừng, về đến sông Vàm Nao, những người bỏ trốn còn phải vượt qua “nạn cá mập” ở khúc sông nguy hiểm này.
Sách đã dẫn viết: “Người ta đợi giữa đêm khuya, họp thành đàn cho đông, mỗi người ôm một cây chuối làm ống nổi rồi nhảy ào xuống nước một lượt mà lội để cho cá không ăn kịp… mười người chỉ còn sống sót được có năm ba và có khi tay chân còn bị cụt mất nữa là khác.”
Đối với những người đã chết trên công trường, sau này triều đình ban sắc chỉ quy tập hài cốt của những dân binh đã chết khi thừa hành công việc đào kênh. Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang có đoạn viết: “Công việc bốc mộ phải đi thuyền tìm kiếm từ vàm kinh ở hữu ngạn Hậu Giang (Châu Đốc) đến ngã ba Giang Thành gần 100 cây số… ít nhất cũng phải bốn, năm chục (ngôi mộ)”. Thoại Ngọc Hầu khi đó đã quy tập hài cốt của các dân binh xấu số vào một địa điểm gọi là “nghĩa trủng” được đặt ngay trong khuôn viên lăng Thoại Ngọc Hầu.
Thế mới biết khi đào kênh Vĩnh Tế, người xưa đã phải trả giá bằng biết bao sinh mạng dân binh, bằng sự cực khổ, mồ hôi nước mắt trên công trường để có được công trình lịch sử phát huy công dụng to lớn cho đến tận ngày nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.