Những điều dưỡng đặc biệt

08/10/2021 07:30 GMT+7

'Bệnh nhân quá đông mà nhân viên y tế lại ít, để đáp ứng được nhu cầu cho bệnh nhân thì mọi người đều xắn tay làm nhiều việc hơn ngoài chuyên môn khám chữa bệnh hằng ngày', bác sĩ Hằng cho biết.

Khu hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức số 1 (P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM) hiện đang điều trị cho hàng chục bệnh nhân nặng, phải thở máy. Để đảm bảo chăm sóc bệnh nhân, không chỉ điều dưỡng, người nhà bệnh nhân mà các bác sĩ cũng xắn tay làm đủ thứ việc…

Ngoài công việc chuyên môn, các bác sĩ giúp bệnh nhân đang phải thở máy ăn uống

Thấu hiểu và sẻ chia

Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức số 1 do các bác sĩ, điều dưỡng thuộc Bệnh viện TP.Thủ Đức đảm nhận việc điều trị cho các bệnh nhân. Tại khu hồi sức cấp cứu, ngoài thăm khám, các bác sĩ còn tham gia chăm sóc cho bệnh nhân - công việc vốn do các điều dưỡng phụ trách. Vào thời gian cao điểm, khu hồi sức cấp cứu tiếp nhận điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân, hiện nay là khoảng 70 bệnh nhân. Để theo dõi sát các bệnh nhân và túc trực 24/24, bệnh viện chia ra 3 ca trực, mỗi ca 8 tiếng, với 4 kíp trực luân phiên, mỗi kíp khoảng 6 bác sĩ và 8 điều dưỡng.

Bác sĩ Võ Bùi Thiện Nghiệp cho biết: “Mọi người ở đây đến từ nhiều khoa khác nhau trong bệnh viện. Người từ khoa cấp cứu, từ gây mê hồi sức, chấn thương chỉnh hình… có người đến từ khoa đông y chưa tiếp xúc mấy việc này bao giờ. Thời gian đầu chưa quen nên còn lúng túng, nhưng rồi mọi người vừa làm vừa tìm hiểu, chia sẻ cho nhau”.

Tại khu hồi sức cấp cứu, đa số bệnh nhân phải thở máy, nặng nên không thể tự ăn uống hay vệ sinh cá nhân. Với hàng chục bệnh nhân như vậy, số điều dưỡng mỗi ca trực rất vất vả để chăm sóc kịp thời tất cả nên các bác sĩ cũng tham gia công việc như vệ sinh, thay áo quần… cho bệnh nhân.

Hơn 2 tháng tham gia chống dịch, bác sĩ Lê Nguyễn Thúy Hằng cùng nhiều y bác sĩ luôn nỗ lực để có thể chăm sóc tốt cho các bệnh nhân. Bên cạnh việc phải tìm hiểu thêm nhiều kiến thức mới trong điều trị bệnh nhân Covid-19, các bác sĩ không nề hà những việc ngoài chuyên môn. “Bệnh nhân quá đông mà nhân viên y tế lại ít, để đáp ứng được nhu cầu cho bệnh nhân thì mọi người đều xắn tay làm nhiều việc hơn ngoài chuyên môn khám chữa bệnh hằng ngày”, bác sĩ Hằng cho biết.

Đằng đẵng suốt 2 tháng trời chống dịch, ai cũng nhớ nhà, nhất là những lúc công việc mệt mỏi và áp lực, muốn được về nghỉ ngơi, bình yên bên gia đình. Nhưng rồi “nếu mình về thì bệnh viện sẽ càng thiếu người, nên ở lại cùng mọi người cố gắng” (như lời bác sĩ Thúy Hằng tâm sự), nên không ai bảo ai mọi người cùng động viên nhau tiếp tục cống hiến.

Khoảng 18 giờ, khi các công việc thăm khám cơ bản đã xong, bác sĩ Lâm Thị Kim Ngân cùng mọi người trong kíp trực bắt đầu giúp các bệnh nhân ăn tối, vì nhiều bệnh nhân không thể tự ăn uống khi thở máy. Những món ăn dễ tiêu hóa như cháo, nước trái cây được các y bác sĩ chầm chậm bón cho bệnh nhân qua ống dẫn thức ăn.

Công tác tại bệnh viện từ những ngày đầu thành lập, bác sĩ Kim Ngân nhớ về những ngày đầu thiếu thốn về cơ sở vật chất, bệnh nhân lại quá đông. Đây là khoảng thời gian thực sự khó khăn nhưng các y bác sĩ cùng bệnh nhân đã vượt qua được. “Làm việc tại đây thì mình phải luôn sẵn sàng cho tình huống cấp cứu, vì bệnh nhân có thể trở nặng bất cứ lúc nào. Khi 1 bệnh nhân trở nặng, khó thở thì phải cần đến 5 - 6 bác sĩ hỗ trợ cùng lúc”, bác sĩ Kim Ngân chia sẻ.

Luôn luôn nỗ lực để giúp bệnh nhân vượt qua Covid-19, để không phải chứng kiến cảnh chia ly, là điều mà các y bác sĩ từng giờ, từng ngày hướng đến và quyết tâm thực hiện. Và điều đáng mừng là số bệnh nhân nặng đang ngày càng giảm nhanh.

Ông L.T.C hỗ trợ các bác sĩ chăm sóc vợ

Tình thân nơi bệnh viện

“Những ngày tham gia công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, cùng với biết thêm kiến thức ngoài chuyên môn, tôi còn thấy được tình cảm của người ta dành cho nhau lúc hoạn nạn”, bác sĩ Thúy Hằng bộc bạch khi chứng kiến sự chăm sóc từ người nhà những bệnh nhân đang điều trị.

Để chăm sóc tốt hơn cho các bệnh nhân nặng, cũng như giảm tải phần nào cho các nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân mà đã và đang mắc Covid-19 nếu có nguyện vọng sẽ được bố trí đồng hành với bệnh nhân nặng đang điều trị. “F0 đồng hành cùng F0” vừa là để chữa bệnh, vừa chăm sóc người nhà cùng các y bác sĩ.

Tranh thủ khi các nhân viên y tế giúp vợ đổi tư thế để tránh lở loét vì nằm quá lâu, ông L.T.C loay hoay xoa bóp chân tay cho vợ. Những ngày đầu chăm sóc vợ, ông C. (cũng bị nhiễm Covid-19 nhưng triệu chứng nhẹ) không khỏi lúng túng: “Bình thường cô chăm sóc chú cái gì cũng tốt, giờ chú chăm cô thì cái gì cũng lúng túng. May mà có mấy chị bác sĩ, điều dưỡng giúp đỡ”.

Trước giờ hai vợ chồng ông C. sống nương tựa nhau trong căn nhà thuê trọ, mọi chi phí sinh hoạt dựa vào tiền lương ông C. làm bảo vệ. “Biết cô đau lắm nhưng chú chẳng thể đau thay được, chỉ có thể động viên tinh thần cho cô thôi. Để vượt qua Covid-19 thì vẫn phải do chính bản thân cô. Mong cô khỏe để về nhà với chú”, ông C. bộc bạch.

Ông P.V.H đút từng muỗng cháo cho vợ của mình

TRẦN XUÂN KHÁNH

Ông P.V.H cũng túc trực liên tục 14 ngày tất bật chăm lo cho vợ (bà N.L) đang bệnh nặng, phải đặt nội khí quản. “Lúc đầu chăm cô khó đủ thứ luôn, như thay tã, ăn uống, rồi đánh răng súc miệng ngày 3 lần, nhúng khăn ấm lau mình lau mẩy…”, ông H. kể lại và chia sẻ lúc bà N.L trở nặng, ông rất lo sẽ mất vợ. “Khi bà ấy đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, tôi mới nhẹ bớt nỗi lo. 14 ngày qua tôi luôn sống trong thấp thỏm, giờ vợ tôi vượt qua được rồi, khó thế nào tôi cũng giúp bả được hết, sẵn lòng làm tất cả vì vợ thôi”, ông H. chia sẻ.

Qua 14 ngày phải đặt nội khí quản, thở máy, sức khỏe bà N.L tiến triển tốt và được cai ống thở, có thể ăn bình thường. Gói cháo ăn liền tuy đơn sơ nhưng nhìn cảnh ông H. sau khi pha cháo, vừa thổi cho nguội vừa bón cho vợ ăn, ai cũng xúc động. Xong bữa, ông H. lại giúp vợ xoa bóp chân tay, đỡ ngồi sao cho thoải mái.

Cứ như thế, suốt 1 tháng điều trị tại bệnh viện, chưa bao giờ ông H. dám ngủ say, để “khi vợ gọi là có mặt ngay”. “Tôi nghe giọng bả hơn 30 năm rồi nên bả gọi là tôi biết. Dù giờ bả nói chưa ra hơi, nhưng cứ nói là tôi nghe. Tôi không dám ngủ say, nằm vậy thôi để vợ gọi thì tôi biết liền”, ông H. phấn khởi cho biết rất mong ngày vợ khỏe hơn và các bác sĩ cho về nhà.

Không chỉ hai vợ chồng ông C. và ông H., nhiều người đã xin theo cùng người thân của mình để chăm sóc khi bệnh trở nặng, dù bản thân cũng đang bị bệnh. Tại đây, họ vừa chữa bệnh, lại vừa chăm sóc người bệnh (là người thân) như các điều dưỡng đặc biệt, cùng chung tay với các y bác sĩ giúp các bệnh nhân vượt qua Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.