Những điều cần biết về bệnh bạch hầu và cách phòng tránh

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 15 tuổi và có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh.

Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu đã giảm rõ rệt nhờ triển khai vắc xin phòng bệnh cho trẻ em dưới 1 tuổi và tiêm nhắc vào lúc 18 đến 24 tháng tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, nhưng bệnh bạch hầu vẫn còn lưu hành trong cộng đồng. Vi khuẩn bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của người bệnh hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh kém và có khả năng gây thành dịch. Nếu không được tiêm chủng đầy đủ, trẻ vẫn có nguy cơ mắc bạch hầu.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường là viêm họng, sốt sau 2 đến 3 ngày có giả mạc màu trắng ở hầu họng, thanh quản, trường hợp nặng có thể gây biến chứng tắc nghẽn đường thở, viêm cơ tim và tử vong.
Để chủ động phòng bệnh bạch hầu, trẻ em dưới 1 tuổi cần được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phối hợp 5 trong 1 có thành phần bạch hầu, cụ thể như sau:
Mũi thứ 1: khi trẻ 2 tháng tuổi
Mũi thứ 2: khi trẻ 3 tháng tuổi
Mũi thứ 3: khi trẻ 4 tháng tuổi
Trẻ lớn cần được tiêm nhắc:
Mũi thứ 4: Tiêm vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) khi trẻ 18 - 24 tháng tuổi.
Mũi thứ 5: Tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) khi trẻ 7 tuổi.
Ngoài ra, cần thường xuyên giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải thông báo cho cán bộ y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh bạch hầu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.