Những điều bất ngờ từ cô gái khuyết tật quyết tâm lấy bằng đại học

28/07/2020 21:11 GMT+7

Tứ chi không thể hoạt động như người bình thường nhưng Nguyễn Thị Tuyết Nhung, 23 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, vẫn hằng ngày đón xe đến trường quyết tâm lấy tấm bằng đại học.

Là con gái phải đẹp!

Có mặt tại ký túc xá Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trên đường Lạc Long Quân, Q.11, TP.HCM, chúng tôi bắt gặp Nguyễn Thị Tuyết Nhung, sinh viên năm 3 ngành giáo dục đặc biệt, người bị khuyết tật vận động (viêm đa thần kinh bẩm sinh do gen), loay hoay trang điểm trước khi đến trường. Đôi tay khuyết tật, co quắp nhưng Tuyết Nhung cố gắng cầm cọ, son môi để trang điểm cho mình.
 
“Là con gái phải đẹp chứ!”, Tuyết Nhung mở lời. Nhung cười duyên và nói: “Trang điểm không dễ đâu, tay mình cầm cây viết đã khó huống chi là mấy cây cọ, son môi… nhưng cũng ráng lên mạng xem video, rồi cố gắng làm theo cách riêng của mình”.

Với Nhung, việc làm đẹp giúp bản thân tự tin hơn trong cuộc sống

Ảnh: Nguyễn Điền

Tuyết Nhung tâm sự: “Khi ai đó nhìn vào một người khuyết tật họ thường có một sự e ngại, nhưng nếu biết chăm sóc bản thân thì mình tin người khuyết tật sẽ dễ bắt chuyện với người khác. Đó cũng là cách tạo cho mình thêm nhiều cơ hội trong cuộc sống. Mình không muốn khi nói về một người khuyết tật là nghĩ ngay đến những hình ảnh đau khổ, mệt mỏi, tự ti. Tuy có những khó khăn riêng trong cuộc sống nhưng người khuyết tật vẫn có thể chăm sóc tốt cho bản thân mình và hoàn toàn có thể xinh đẹp”.

Tiền đi xe nhiều hơn tiền cơm

Đúng 11 giờ 30, sau bữa ăn trưa, Tuyết Nhung vội vã đặt xe ôm công nghệ để đến trường.
Một tay vịn thành giường, một tay bám vào người bạn cùng phòng, Tuyết Nhung dần dần ra đến chỗ xe đang chờ. Ngồi trên xe ôm, Tuyết Nhung chia sẻ: “Gần 3 năm nay mình đã làm như thế để cố gắng chủ động trong mọi thứ. Còn khi đến trường mình ngồi tạm ghế đá rồi nhờ các bạn dìu lên lớp”.

Nữ sinh viên năm 3 bộc bạch: Tiền đi xe còn nhiều hơn tiền ăn

Nguyễn Điền

Nữ sinh viên năm 3 còn bộc bạch: “Tiền đi xe còn nhiều hơn tiền ăn nữa, nhưng phải cố gắng thôi. Một lượt đi mất khoảng 30.000 đồng, một ngày đi hai lượt, có ngày phải di chuyển đến 3 cơ sở. Nhưng bù lại, học ngành sư phạm nên mình không tốn tiền học phí”.

Khi đến trường, Nhung nhờ bạn dìu lên lớp

Nguyễn Điền

Không muốn trở thành một người vô dụng

Hai người em ruột của Tuyết Nhung cũng bị khuyết tật vận động. Do là con cả trong gia đình, ý thức được những khó khăn của bản thân nên Nhung đã rất nỗ lực trong học tập như những đứa trẻ bình thường khác.
“Ba mẹ sinh con ra ai cũng mong muốn con mình khỏe mạnh. Bây giờ vậy rồi thì phải cố gắng sống thôi”, Nhung trải lòng.

Dù khuyết tật nhưng Nhung luôn cố gắng tự làm mọi thứ

Nguyễn Điền

Năm 2012, khi Nhung học lớp 9 thì chức năng vận động của tứ chi rất yếu. Lúc ấy nhiều người cho rằng đến trường sẽ là một gánh nặng cho gia đình nên Nhung quyết định bỏ học.
Trở về gia đình, Nhung phụ mẹ trông coi cửa hàng nhưng vẫn không ngừng nuôi dưỡng giấc mơ được trở thành một cô giáo. Những ngày không được đến trường, cô gái khuyết tật đều đặn tập viết, đọc sách để tích lũy thêm kiến thức cho bản thân.
Tuyết Nhung bộc bạch: “Nghỉ học ở nhà 2 năm, ngồi một chỗ bị đóng khung trong bốn bức tường, mình luôn muốn được như bạn bè, không muốn trở thành một người vô dụng... Mình luôn khát khao đi học, tiếp xúc với những kiến thức mới”.
Năm 2014, Nhung quyết tâm cùng với ba vào TP.HCM mưu sinh. Sau bao cố gắng, năm 2017 Tuyết Nhung đã hoàn thành chương trình THPT tại Trung tâm bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM, đồng thời được xét tuyển vào ngành giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
“Vào học ngành này mình càng hiểu thêm về bản thân, cũng như sẽ giúp đỡ cho nhiều em khác có hoàn cảnh giống như mình. Mình luôn tin rằng một người khuyết tật hoàn toàn có thể chăm sóc bản thân trở nên xinh đẹp và làm được những công việc đem lại giá trị cho xã hội”, Nhung bày tỏ.
"Rất đáng để em học hỏi"
Hồ Như Phương, 21 tuổi, học chung lớp với Tuyết Nhung, chia sẻ: “Chị Nhung là người khuyết tật nhưng em thấy chị luôn có sự cố gắng trong học tập và cuộc sống. Mặc dù có thể ngồi xe lăn để đến trường và các bạn có thể đẩy giúp nhưng chị Nhung luôn cố gắng tự đi. Những việc đó rất đáng để em học hỏi và làm động lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.
Lê Thị Minh Hằng, 20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, bạn cùng phòng của Tuyết Nhung, cho biết: “Ngoài thời gian ngủ nghỉ ra ít khi nào em thấy chị ấy có mặt ở phòng, kể cả những ngày cuối tuần. Tuy khuyết tật nhưng chị Nhung không ngại ra ngoài tham gia các hoạt động. Ai đi chung với chị đều cảm thấy thoải mái vì lúc nào chị cũng vui vẻ, hài hước”.
Tấn Đạt - Nguyễn Điền
  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.