Những điểm đến nổi tiếng trên thế giới không cần du khách

02/01/2023 12:23 GMT+7

Trái ngược với nhiều điểm đến luôn chào mời du khách, không ít quốc gia trên thế giới đưa ra những quy định hạn chế khách quốc tế, hoặc đánh thuế cao trên đầu người.

Khi thế giới trở nên nhỏ bé nhờ những chuyến bay hiện đại nhanh hơn và giá vé rẻ hơn, ngày càng có nhiều quốc gia bắt đầu giới hạn số lượng du khách quốc tế. Du lịch là nhu cầu không thể thiếu trong những năm qua và du khách đã mang lại nguồn thu khổng lồ cho nhiều nước. Tuy nhiên, tiền không phải lúc nào cũng trên hết và có nhiều thứ không thể dùng tiền để mua được, đó chính là những công trình kiến trúc vô giá và văn hóa bản địa. Những giá trị này, ở nhiều điểm đến, đang bị du khách phá hủy.

Những dòng kênh ở Venice, Ý, ngày càng ô nhiễm

vi nguyễn

Những điểm đến không cần du khách ghé thăm có lý do chính đáng của riêng mình. Chẳng hạn, những nơi đông đúc du khách vượt quá giới hạn bền vững thường có giá cả tăng cao, giá nhà ở cũng vậy, người dân địa phương không thể sống cuộc sống bình thường, thiên nhiên bị phá hủy, ô nhiễm môi trường...

Sau đây là những quốc gia không muốn chào đón du khách nước ngoài bằng việc áp dụng nhiều biện pháp hạn chế:

Iceland

Sau thành công của cuốn phim Games Of Thrones (Trò chơi Vương quyền) với những cảnh quay ở Iceland, du khách ồ ạt đổ về nước này. Dân số khoảng 350.000 người nhưng suốt nhiều năm, Băng Đảo đón 1,5 - 2 triệu du khách. Có năm, chỉ riêng khách Mỹ đã cao hơn dân số Iceland.

Vì thế, nhiều điểm đến nổi tiếng của nước này đã hạn chế du khách hoặc đóng cửa. Chẳng hạn, vào tháng 5.2019, khu du lịch ở hẻm núi Fjadrargljufur, phía đông nam Iceland, đã phải đóng cửa vì quá đông du khách. Iceland cũng triển khai nhiều biện pháp hạn chế như khách chỉ được đi ở những khu vực cho phép để không ảnh hưởng đến thiên nhiên; cấm khách khám phá đường trường bằng ô tô hay mô tô vì có thể làm xói mòn đất...

Barcelona, Tây Ban Nha

Là một trong những thành phố đón khách du lịch quốc tế đông nhất châu Âu, với 30 triệu khách mỗi năm. Dòng du khách đông nghẹt trên các đường phố trung tâm khiến người dân địa phương không thể chịu đựng thêm nữa, dẫn đến mới đây, Barcelona áp thuế ngủ đêm với du khách quốc tế lên đến 50 euro/đêm/khách.

Căng thẳng từng lên đến đỉnh điểm khi năm 2017, một số người Tây Ban Nha đã ném trứng vào du khách, tấn công xe buýt chở du khách và nhiều cuộc biểu tình phản đối du lịch đã nổ ra. Dân địa phương xem du khách là gánh nặng chứ không phải lợi ích kinh tế, áp lực khiến hội đồng thành phố duyệt quy định mới mà theo đó sẽ hạn chế việc xây dựng khách sạn tại khu vực trung tâm, đặt mức trần số lượng bất động sản cho du khách thuê...

Sân vận động Camp Nou là nơi thu hút đông du khách ở Barcelona

vi nguyễn

Machu Picchu, Peru

Thành phố Inca cổ đại ở Peru đã triển khai những hành động nghiêm ngặt trong việc hạn chế du khách. Chỉ 6.000 người được phép đến khu vực này mỗi ngày và chỉ theo nhóm tối đa 16 người, luôn được dẫn dắt bởi hướng dẫn viên du lịch địa phương. Chuyến tham quan chỉ kéo dài 1 giờ và không du khách nào được phép đi lang thang trong khu vực này như trước.

Các biện pháp trên được áp dụng sau khi một số địa điểm trong thành cổ bị phá hoại và xảy ra nạn ăn cắp cổ vật. Ngoài ra còn có tình trạng du khách dẫm đạp lên các di tích và gây ra nguy cơ xói mòn đất; xâm phạm các khu chôn cất cổ xưa...

Venice, Ý

Nếu nói nơi nào dân địa phương không ưa du khách nhất châu Âu, có lẽ Venice xếp ở vị trí số 1. Bạn đứng ở ven con kênh ngắm nhìn thành phố lãng mạn và chợt thấy chủ nhà mở cửa bước ra, bạn cười tươi gật đầu chào và thế nào cũng nhận lại một ánh nhìn dửng dưng. Đó là phong cách của đa số người địa phương ở thành phố du lịch nổi tiếng này.

Mỗi năm có 20 triệu du khách nước ngoài đến thăm Venice - thành phố được xây dựng vào thế kỷ thứ 5, trải rộng trên 118 đảo nhỏ, từng là thương cảng lớn ở thế kỷ 10. Điều đó khiến cư dân nhiều lần biểu tình phản đối vì họ cho rằng vì du khách quá đông tác động xấu đến thành phố về cả môi trường và hình ảnh điểm đến, thiệt hại cơ sở hạ tầng...

Vì thế, thành phố này quyết định thu phí du khách từ 3 - 10 euro mỗi người một ngày vào 1.1.2023 để hạn chế du khách. Những ai trốn đóng phí sẽ bị phạt 300 euro.

Quần đảo Galapagos

Là một trong những nơi đẹp nhất thế giới, được ví như "hành tinh khác". Hòn đảo có hệ sinh vật đặc hữu đa dạng không có ở đâu khác trên trái đất như rùa khổng lồ, cự đà... Nhưng du lịch quá mức đã khiến hòn đảo bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để tránh thiệt hại, Ecuador áp đặt những hạn chế du khách đặt chân lên hòn đảo. Chẳng hạn, người Ecuador không được phép di chuyển trên đảo nếu không được hướng dẫn viên đi cùng. Các môn thể thao dưới nước có động cơ cũng bị cấm vĩnh viễn.

Bhutan

Theo chương trình Phí phát triển bền vững triển khai từ tháng 9.2022, du khách sẽ phải chi trả 200 USD/ngày (so với 65 USD trước kia). Một chuyến đến Bhutan thường kéo dài khoảng 7 - 10 ngày, vị chi, du khách tốn khoảng 2.000 USD (tương đương 50 triệu đồng) cho riêng khoản phí nói trên.

Bhutan từ lâu đã không muốn đón nhiều du khách nhằm bảo vệ môi trường cũng như bảo tồn văn hóa. "Nền văn hóa của chúng tôi rất nhạy cảm và chúng tôi muốn gìn giữ theo cách này để truyền lại cho thế hệ tiếp theo. Bhutan muốn bảo vệ môi trường đất nước nguyên sơ hoặc tốt hơn so với hiện tại vì trong vòng 10 năm qua đã xuống cấp. Những năm gần đây, Bhutan đã chứng kiến những tác hại của du lịch đại chúng và chúng tôi không muốn dùng du lịch để tạo doanh thu dưới mọi hình thức", ông Lotay Tshering, Thủ tướng Bhutan nói với báo chí.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.