Những dấu hiệu sớm của cơn đau tim thầm lặng dễ bị bỏ sót

Thiên Lan
Thiên Lan
23/05/2022 09:08 GMT+7

Bạn có biết, một người có thể bị đau tim nhưng không biết nó đã xảy ra. Đó được gọi là cơn đau tim thầm lặng hoặc nhồi máu cơ tim thầm lặng, chiếm đến gần 50 - 80% các cơn đau tim, theo nhật báo Ấn Độ Times of India.

Gọi là đau tim thầm lặng bởi nó xảy ra với các triệu chứng từ nhẹ đến không có triệu chứng hoặc các dấu hiệu dễ bị bỏ sót hoặc nhầm với các bệnh khác.

Vì các cơn đau tim thầm lặng có thể không được chú ý, nên thiệt hại thường nghiêm trọng hơn mọi người vẫn nghĩ. Đó là lý do tại sao cần phải lưu ý tất cả các dấu hiệu ban đầu của cơn đau tim để cấp cứu kịp thời.

Đau và khó chịu ở ngực

Hầu hết các cơn đau tim dẫn đến cảm giác khó chịu ở giữa ngực hoặc bên trái ngực, kéo dài hơn vài phút hoặc biến mất rồi quay trở lại
Shutterstock

Đau ngực và khó chịu có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, hầu hết các cơn đau tim dẫn đến cảm giác khó chịu ở giữa ngực hoặc bên trái ngực, kéo dài hơn vài phút hoặc biến mất rồi quay trở lại. CDC Mỹ mô tả cảm giác như bị đau tức, bị ép chặt, bị đè nén, theo Times of India.

Buồn nôn, ợ nóng

Các chuyên gia cho biết các triệu chứng đau bụng, khó tiêu, ợ chua và buồn nôn đều có thể là dấu hiệu ban đầu của cơn đau tim. Đau ở giữa bụng trên và thường có cảm giác nặng nề kéo dài hơn vài phút, ít khi đau nhói.

Xây xẩm chóng mặt

Cảm giác xây xẩm chóng mặt cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm của cơn đau tim, đặc biệt ở phụ nữ. Cũng có thể kèm theo đổ mồ hôi lạnh, tức ngực hoặc khó thở, thậm chí có thể ngất xỉu hoặc bất tỉnh, lúc đó cần gọi cấp cứu ngay lập tức.

Đau lan đến cánh tay và hàm

Các dấu hiệu cảnh báo của cơn đau tim có thể lan rộng và tỏa ra khắp cơ thể.

Một dấu hiệu điển hình là đau lan xuống cánh tay, thường phía bên trái. Cơn đau thường bắt đầu từ ngực và lan ra ngoài về phía cánh tay và hàm, có khi đau đến cổ, lưng và bụng, theo Times of India.

Gọi cấp cứu và hồi sinh tim phổi

Cơn đau tim thầm lặng hoặc nhồi máu cơ tim thầm lặng, chiếm đến gần 50 - 80% các cơn đau tim

Shutterstock

Khi gặp bất cứ triệu chứng nào của đau tim kể trên, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Trong trường hợp có người bị đau tim và bị khó thở, hãy hồi sinh tim phổi cho họ để duy trì hoặc khôi phục lưu lượng máu trong cơ thể. Theo các chuyên gia tại Mayo Clinic (Mỹ), nên ép ngực 100 - 120 lần mỗi phút, nghĩa là 2 lần trong một tích tắc. Cứ 30 lần ép tim thì thổi hơi 2 cái.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.