Những dấu ấn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc

18/04/2024 02:15 GMT+7

Khẳng định vị thế trên trường quốc tế, Việt Nam cũng liên tục để lại nhiều dấu ấn nổi bật tại Liên Hiệp Quốc trong những năm gần đây.

Ngày 11.4 vừa qua, tại New York (Mỹ), Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (LHQ), đã có cuộc làm việc với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres để trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế đang nổi lên hiện nay. Tại cuộc gặp, Tổng thư ký LHQ Guterres bày tỏ ấn tượng trước tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, bất chấp những khó khăn tại khu vực gần đây và tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành những mục tiêu phát triển đề ra.

Không chỉ ghi nhận tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, LHQ và cộng đồng quốc tế còn ghi nhận những đóng góp của Việt Nam tại LHQ.

Những dấu ấn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc- Ảnh 1.

Đoàn Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 làm lễ trước khi lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan

PHAN THU HOÀI

Sự ghi nhận quan trọng

Trước đó, ngày 9.4, Hội đồng Kinh tế Xã hội LHQ (ECOSOC) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027.

Theo TTXVN, với việc được bầu vào Hội đồng Chấp hành, kể từ tháng 1/2025 đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ tham gia điều phối xây dựng và triển khai các định hướng lớn của UN Women, bảo đảm các chiến lược và hoạt động của cơ quan này nhất quán với các mục tiêu và chính sách tổng thể của LHQ về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

LHQ đánh giá cao đóng góp tích cực của Việt Nam

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) đã làm việc với Phó Tổng Thư ký LHQ về Chiến lược quản lý, chính sách và tuân thủ, bà Catherine Pollard.

Trong cuộc tiếp xúc, Phó Tổng Thư ký LHQ đánh giá cao đóng góp tích cực trên nhiều mặt của Việt Nam cho công việc chung của LHQ, trong đó có cả đóng góp của các cá nhân người Việt Nam hiện đang làm việc cho các cơ quan của LHQ. Bà Pollard khẳng định sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước thành viên để thúc đẩy LHQ hoạt động ngày càng hiệu quả, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và tăng cường tính đại diện của các nước thành viên.

Nhấn mạnh cam kết của Việt Nam đóng góp tích cực cho công việc của LHQ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã chia sẻ về những nỗ lực của Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là việc cử lực lượng quân đội và cảnh sát tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, đóng góp tài chính cho hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như các hoạt động khác của LHQ. Đại sứ cũng cho biết Việt Nam chú trọng thúc đẩy quan hệ với LHQ và mong muốn đóng góp tích cực hơn nữa thông qua tăng cường đại diện của Việt Nam trong các cơ quan LHQ.

Nhận định về kết quả trên, bà Caroline Nyamayamombe, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam, nhấn mạnh: "Đây là sự ghi nhận quan trọng từ cộng đồng quốc tế trước cam kết kiên định của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Việt Nam và UN Women ở cấp độ quốc gia và toàn cầu".

Bà Nyamayamombe cũng khẳng định: "Thứ hai, đây là một sự bổ nhiệm hoàn toàn xứng đáng bởi Việt Nam đã có nhiều bước tiến lớn trong những năm gần đây nhằm giải quyết bất bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm luật pháp, chính trị, giáo dục và việc làm".

Đánh dấu tầm quan trọng ngày càng tăng

Trước đó, vào tháng 10.2022, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025 tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ khóa 77 tại New York (Mỹ). Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào HĐNQ LHQ. Lần đầu tiên là vào năm 2013.

Những dấu ấn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc- Ảnh 2.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang (hàng đầu, ngồi giữa) cùng đoàn VN tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên HĐNQ LHQ vào tháng 10.2022.

TTXVN

Khi đó, trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá: Việc được bầu vào HĐNQ LHQ là cơ hội để Việt Nam nêu bật cam kết cải thiện quyền con người của người dân thông qua các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Diễn biến này cũng chứng minh việc Việt Nam không ngừng nâng cao các điều kiện nhân quyền, đồng thời chỉ ra cách tiếp cận để nâng cao nhân quyền cho một số quốc gia có điều kiện tương đồng".

Bên cạnh đó, ông Carl O.Schuster (đang giảng dạy ở Đại học Hawaii - Thái Bình Dương về quan hệ quốc tế, lịch sử) cũng nhấn mạnh việc tham gia HĐNQ LHQ đã đánh dấu tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong các vấn đề ở châu Á.

Tiếng nói nổi bật

Cũng nhận xét về việc Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ nhiệm kỳ 2023 – 2025, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá diễn biến trên mang tính biểu tượng thể hiện sự vươn lên của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, TS Nagao chỉ ra rằng thời gian qua, các nước phương Tây và Trung Quốc cũng như Nga có một số bất đồng về vấn đề nhân quyền. Thực tế này đặt ra nhiều khó khăn cho hoạt động của HĐNQ LHQ.

"Trong bối cảnh như vậy, cần có bên trung gian để duy trì hiệu quả vai trò của LHQ.Việt Nam ngày càng có quan hệ tốt với cả phương Tây lẫn Nga và Trung Quốc. Việt Nam cũng hợp tác tốt với nhiều thành viên LHQ. Vì thế, vai trò của Việt Nam sẽ rất quan trọng trong trường hợp vừa nêu", TS Nagao nhận xét.

Thực tế, ngay tại LHQ, Việt Nam đã phát huy vai trò quan trọng mà TS Nagao đề cập.

Vào tháng 10.2022, Đại hội đồng LHQ khóa 77 đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về tình hình Ukraine tại phiên họp khẩn cấp diễn ra từ ngày 10.10.2022. Nghị quyết được thông qua với 143 phiếu thuận, 35 phiếu trắng và 5 phiếu chống.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh sự cần thiết cần bảo đảm tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có việc không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, và đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Những dấu ấn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc- Ảnh 3.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu trong một phiên họp của LHQ về vấn đề Ukraine

TTXVN

Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu, kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và triệt để tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, tính tới lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Đến tháng 12.2022, tại trụ sở LHQ, Đại hội đồng khoá 77 đã tổ chức Phiên họp chính thức kỷ niệm 40 năm ngày ký Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Phiên họp có sự tham dự của nhiều lãnh đạo LHQ, các cơ quan liên quan như Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres; Thẩm phán Albert J. Hoffmann, Chánh án Toà án quốc tế về luật biển; ông Satyendra Prasad, Chủ tịch đại hội đồng Cơ quan quyền lực đáy đại dương. Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, đã tham gia chủ trì phiên họp.

Những hoạt động trên của Việt Nam tại LHQ đã minh chứng cho sự đóng góp của Việt Nam trong các vấn đề quan trọng của thế giới, qua đó góp phần khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.