Những dấu ấn mang tên Saigon Co.op

11/10/2021 08:30 GMT+7

Cùng với lực lượng y bác sĩ và quân nhân chiến sĩ tuyến đầu, tập thể Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã và đang ngày đêm góp sức quan trọng tạo nên một phòng tuyến lương thực vững chắc để người dân TP.HCM cùng chính quyền thành phố quyết tâm đẩy lùi bệnh dịch.

Kịp thời - Tung trữ lượng khẩu trang, gel rửa tay không tăng giá

Dù chỉ là nhà bán lẻ chuyên về thực phẩm và hàng thiết yếu nhưng ngay từ tháng 1.2020, khi có thông tin dịch viêm phổi cấp, Saigon Co.op đã có nhiều hành động khẩn cấp và giải pháp quyết liệt chia sẻ với thành phố và cả nước trong công tác phòng, chống dịch. Đó là vào tháng 3.2020, Ban Tổng giám đốc Saigon Co.op đã trao tặng 100.000 khẩu trang y tế cho ngành y tế TP.HCM. Đây là hành động sẻ chia thiết thực của đơn vị gửi đến tuyến đầu của TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung trong việc chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Tổng cộng toàn hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers của Saigon Co.op đã cung cấp ra thị trường hơn 3 triệu khẩu trang đạt chuẩn các loại và quyết không tăng giá dù thị trường lúc đó đang rất khan hiếm, cháy hàng. Song song đó, trước thông tin thị trường đang loạn giá khẩu trang, người dân khó tiếp cận nguồn hàng, Saigon Co.op ngay lập tức công bố bắt đầu đưa ra thị trường loại khẩu trang vải kháng khuẩn không tăng giá. Khẩu trang vải kháng khuẩn cũng là một trong những lựa chọn tốt nhất để bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch nên trên thị trường nhiều nơi cũng tăng giá mạnh. Chẳng hạn, nếu trước đó khẩu trang vải có giá bán từ 7.000 - 8.000 đồng/cái loại kháng khuẩn thì đã bị nâng giá lên gấp 3 - 4 lần. Loạn giá là thế song khi người dân muốn mua cũng không hề dễ dàng. Vẫn điệp khúc cũ, nhiều hiệu thuốc ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ... đều treo bảng “hết hàng”. Ngược lại với nhiều chiêu làm giá khẩu trang của thị trường, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food xuất kho tung ra thị trường hơn 12 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn đạt chuẩn để bán không tăng giá. Đồng thời hệ thống này cũng đã đưa lên kệ hơn 100.000 chai nước rửa tay, gel rửa tay khô giá không đổi và tổ chức giảm giá hàng hóa thiết yếu liên tục để hỗ trợ người dân.

Sau đó, Saigon Co.op tiếp tục tặng 100.000 khẩu trang cho ngành y tế và các siêu thị, đến nay vẫn là đơn vị cung cấp khoảng 8.000 suất ăn mỗi ngày cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến của TP.HCM.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo TP.HCM khảo sát chỉ đạo công tác chuẩn bị hàng hóa tại một siêu thị của Saigon Co.op

Trách nhiệm - Đảm bảo hàng hóa thiết yếu

Trong thời gian TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội, hoạt động cung ứng, phân phối hàng hóa thiết yếu đến người dân luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm, đẩy mạnh bằng nhiều giải pháp tổng hợp. Nhận thấy trách nhiệm của mình, Saigon Co.op đã nhanh chóng có phương án dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực - thực phẩm, đảm bảo cung ứng liên tục các mặt hàng thiết yếu liên tục ít nhất 3 tháng cho người dân thành phố. Saigon Co.op cùng hệ thống bán lẻ, các đơn vị tham gia chương trình bình ổn hàng hóa của TP.HCM luôn sẵn sàng phục vụ người dân với nguồn hàng thích ứng từng kịch bản chống dịch khác nhau, trong đó có tính đến giãn cách xã hội.

Saigon Co.op trao tặng 100.000 khẩu trang y tế cho tuyến đầu chống dịch tại UBND TP.HCM

Trong các kịch bản ứng phó với dịch, việc bảo đảm nguồn hàng, nhất là lương thực - thực phẩm, cung cấp cho người dân thành phố luôn được quan tâm hàng đầu đối với doanh nghiệp bán lẻ chủ lực của TP.HCM. Chỉ riêng Saigon Co.op đã tăng nguồn hàng hóa gấp 3 lần ngày thường để bảo đảm cung ứng đầy đủ cho người dân. Cụ thể như các mặt hàng nhu yếu phẩm gồm: gạo, đường, dầu ăn, hạt nêm, mì gói, nước suối, đồ hộp, giấy vệ sinh... đã được ký hợp đồng với nhà cung cấp với số lượng lớn đủ cho nhu cầu tiêu thụ trong vài tháng. Hàng hóa đang tiếp tục được vận chuyển về các kho tập trung, kho của siêu thị, cửa hàng lẫn gửi ở kho của nhà cung cấp nhằm duy trì sự ổn định và chủ động trong mọi tình huống dịch bệnh phát sinh. Đặc biệt là các mặt hàng nhu yếu phẩm bình ổn giá đạt trữ lượng rất lớn. Với nguồn hàng dồi dào và ổn định trong thời gian dài, khách hàng hoàn toàn yên tâm mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng của hệ thống này tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hình ảnh chiến sĩ đi chợ giúp dân tại siêu thị Co.opmart chiếm được nhiều tình cảm của người dân

Chia sẻ - Giữ và giảm giá hàng hóa

Không chỉ đảm bảo nguồn cung hàng hóa mà Saigon Co.op thường xuyên tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá do thấu hiểu áp lực chi tiêu của người dân trong mùa dịch. Trong suốt những tháng vừa qua, Saigon Co.op đều đặn 2 tuần một lần bổ sung danh mục hàng hóa khuyến mãi, giảm giá nhu yếu phẩm và các sản phẩm chống dịch. Các mặt hàng nhu yếu phẩm phù hợp nhu cầu mùa dịch tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile giảm giá có các loại thực phẩm tươi sống, công nghệ, các loại thức uống bổ dưỡng, mỹ phẩm, các loại nước tẩy rửa, bột giặt, các mặt hàng dệt may và hàng gia dụng giảm giá trung bình 20 - 50%. Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng liên tục đa dạng hóa các kênh phân phối để tối đa hóa khả năng tiếp cận nguồn hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá phải chăng cho người dân. Dù chịu nhiều áp lực từ các chi phí phát sinh trong công tác vận tải, vận chuyển, xét nghiệm, một số mặt hàng khó khăn cục bộ và rất nhiều khó khăn về nhân sự nhưng Saigon Co.op quyết tâm không tăng giá hàng hóa để chia sẻ cùng người dân. Đồng thời các siêu thị cũng bắt đầu bổ sung các loại thực phẩm chế biến nấu chín để tăng tính tiện lợi mùa dịch.

Nhân viên siêu thị Co.opXtra của Saigon Co.op soạn hàng cho khách đặt online mùa dịch

Thực tế giá cả các mặt hàng rau củ quả, thịt, trứng, sữa, gạo của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food thời gian qua chưa có bất kỳ điều chỉnh tăng nào. Hoàn toàn trái ngược với giá của các mặt hàng trên thị trường đã tăng gấp nhiều lần kể từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Việc giữ ổn định giá hàng hóa siêu thị và thậm chí khuyến mãi, giảm giá với mục đích chính là cùng Chính quyền TP.HCM chia sẻ áp lực chi tiêu với người dân trong bối cảnh khó khăn, đảm bảo phòng tuyến cho người dân an tâm chống dịch. Tuy nhiên, lợi dụng việc giá cả siêu thị bình ổn và người dân có nhu cầu cao, tại các siêu thị của Saigon Co.op đã xuất hiện tình trạng một số cá nhân gom hàng siêu thị đem ra ngoài bán để hưởng lợi cá nhân. Điều này đã khiến một số mặt hàng đôi khi bị khan hiếm cục bộ, siêu thị không châm hàng kịp dẫn đến việc một số người dân có nhu cầu thật sự không mua được hàng. Điển hình là mặt hàng trứng gà, có thời điểm xuất hiện nhiều cá nhân vào siêu thị gom hàng ra ngoài bán giá gấp đôi, gấp ba khiến các siêu thị phải dán bảng hạn chế để giúp càng nhiều người mua được càng tốt...

Sáng tạo - Đa dạng hóa kênh phân phối hàng hóa

Bên cạnh các kênh bán hàng phổ biến mùa dịch như bán hàng trực tiếp tại siêu thị, bán hàng qua điện thoại, thông qua các nền tảng công nghệ trực tuyến như app Saigon Co.op, Now, Grab, BAEMIN,… mới đây Saigon Co.op thông qua chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food vừa đưa vào vận hành hàng loạt xe buýt “Chuyến xe mua chung - Bình ổn giá” để giao hàng cho các đầu mối mua chung, nhằm giảm tải đáng kể cho việc đi chợ giúp dân. Mô hình bán hàng mới này sẽ ưu tiên cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm, các loại lương thực, thực phẩm tươi sống, gia vị với giá bình ổn thị trường thông qua khâu vận chuyển giao hàng tận nơi, hàng hóa được sắp xếp một cách khoa học khi đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng.

Cơ quan chức năng chỉ cần cử đầu mối tổng hợp thông tin và chuyển đơn hàng cho Co.op Food, không cần vừa “tung” lực lượng trực tiếp đi siêu thị mua từng đơn hàng cho người dân, vừa phải tổ chức vận chuyển và tổ chức đưa hàng hóa đến từng hộ dân như hiện nay. Co.op Food sẽ soạn và hẹn giao hàng tận nơi, các lực lượng chức năng chỉ cần tổ chức phân phối đến các hộ dân trong khu vực, tiết giảm được lượng nhân sự, thời gian cần thiết cho các đầu mối mua chung, góp phần giảm mạnh nguy cơ lây nhiễm chéo khi tập trung đông người soạn hàng ở siêu thị.

Xe mua chung này của Saigon Co.op hoạt động khắp thành phố nhưng sẽ ưu tiên cho các khu vực có siêu thị, cửa hàng thực phẩm tạm đóng cửa do F0 hoặc chưa có hệ thống phân phối hàng thực phẩm. Phù hợp với các chung cư, khu dân cư có quy mô vừa, với tần suất giao hàng cho cả khu vực từ 1 - 2 lần/tuần, tùy theo nhu cầu cụ thể.

Siêu thị Co.opmart là một trong những đơn vị chủ lực cung cấp suất ăn cho cá khu cách ly, bệnh viện dã chiến tại TP.HCM

Tận tâm - Âm thầm gánh lỗ

Trong nhiều tháng qua kể từ khi dịch bùng phát mạnh, hệ thống bán lẻ Saigon Co.op đã cố gắng hết sức, thậm chí bù lỗ để giữ và giảm giá, thiết thực hỗ trợ người dân mua sắm tiết kiệm. Chủ trương của Saigon Co.op là đặt lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu đúng với bản chất nhân văn hợp tác xã đã được duy trì hơn 30 năm qua. Thực tế cho thấy dù trong thời gian qua lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến các điểm bán của Saigon Co.op từ bán trực tiếp đến trực tuyến đều quá tải nhưng phân tích ngành hàng lại cho thấy siêu thị đang gồng mình chịu lãi âm. Thời điểm này, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%) trong khi đây là ngành hàng có tỷ lệ lợi nhuận thấp nhất, chưa kể nhóm này siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt. Bên cạnh đó, các mặt hàng bình ổn cũng được siêu thị bù lỗ để giữ giá, điển hình nhất là mặt hàng trứng gà, có thời điểm giá bán ra của siêu thị còn thấp hơn giá mua vào. Cùng với yếu tố hàng hóa, hàng loạt chi phí khủng đặc thù phát sinh trong mùa dịch cũng là khó khăn lớn cho siêu thị như chi phí xét nghiệm nhanh và chuyên sâu liên tục cho nhân viên, tài xế, chế độ chính sách cho người lao động mùa dịch, phí giao hàng tăng cao và hàng loạt siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food phải đóng cửa khi xuất hiện ca nhiễm... khiến doanh thu không ổn định, các nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng khiến toàn hệ thống lại phải gồng mình.

Cam kết đồng hành với Chính quyền và người dân chống dịch

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, hiện Saigon Co.op có gần 400 địa điểm phân phối tại TP.HCM, mỗi điểm lớn có thể phục vụ 10.000 hộ gia đình với khoảng 40.000 dân, trung bình 2.200 tấn hàng hóa mỗi ngày. Mỗi ngày, hệ thống Co.opmart và Co.opXtra cung cấp hàng chục nghìn suất ăn cho toàn thành phố. Hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food đã chuẩn bị trữ lượng hàng hóa đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu của người dân, nhất là những nhóm hàng thiết yếu và phương án cung ứng hàng hóa phù hợp với từng cấp độ giãn cách xã hội của từng địa phương tại khu vực TP.HCM trong thời gian tới. Song song đó, hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra cũng đang tiếp tục giải cứu nông sản của các địa phương, điển hình là chôm chôm giống Java của tỉnh Bến Tre với sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và mới đây nhất là giải cứu trái bơ booth của huyện Cư M’gar, với tổng sản lượng hơn 150 tấn. Về phương án phân phối hàng hóa, đối với những khu vực chưa cho phép người dân đi mua hàng trực tiếp, các siêu thị sẽ tập trung hết nguồn lực để phục vụ các đầu mối mua chung và tiếp tục mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, cũng như phục vụ tại chỗ cho người dân được phép mua hàng trực tiếp tại siêu thị theo hướng dẫn của từng địa phương. “Chúng tôi luôn đồng hành cùng người dân và chính quyền TP.HCM mọi lúc mọi nơi, đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ với giá ổn định để người dân yên tâm và đồng lòng cùng chính quyền phòng chống dịch bệnh”, ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.