Những đại gia tạo bất ngờ

03/02/2014 09:00 GMT+7

(TN Xuân) Điều thú vị nhất của bức tranh kinh tế năm 2013 là sự lộ diện của rất nhiều đại gia lừng lẫy với các dự án vốn khủng trong bối cảnh được đánh giá là "đáy" với những khó khăn, bế tắc.

(TN Xuân) Điều thú vị nhất của bức tranh kinh tế năm 2013 là sự lộ diện của rất nhiều đại gia lừng lẫy với các dự án vốn khủng trong bối cảnh được đánh giá là "đáy" với những khó khăn, bế tắc.

Tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam

Lần đầu tiên, một người Việt được tạp chí Forbes xướng tên trong danh sách các tỉ phú trên thế giới với khối tài sản khoảng 1,5 tỉ USD. Người đó là Phạm Nhật Vượng, ông chủ Vingroup, tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam.

 
Ông Phạm Nhật Vượng - Ảnh: Đức Duy

 

Với 53% cổ phần trong Tập đoàn bất động sản Vingroup (284,6 triệu cổ phiếu VIC) cùng các bất động sản ở nhiều địa phương khác nhau, ước tính tổng cộng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng là 1,5 tỉ USD, đứng thứ 974 thế giới. Số tài sản của ông Vượng ngang hàng với ông trùm xe hơi của Nhật - Yasumitsu Shigeta, đại gia ngành dược K.Anji Reddy của Ấn Độ...

Có thể nói, Phạm Nhật Vượng là cái tên "quen mà lạ" và bí ẩn bậc nhất thương trường Việt Nam. Quen vì tên của ông gắn liền với thương hiệu "Người giàu nhất trên sàn chứng khoán" nhiều năm nay, gắn liền với các dự án bất động sản đình đám và cả những hoạt động thiện nguyện không mệt mỏi của Tập đoàn Vingroup. Nhưng khác với hầu hết các doanh nhân, Phạm Nhật Vượng hầu như chưa bao giờ trực tiếp xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Mọi việc liên quan đến Vingroup đều có người khác phát ngôn. Rất nhiều thời điểm, báo chí "phát cuồng" tìm cách tiếp cận ông. Tôi - "cậy" quen biết - cũng nhiều lần muốn phỏng vấn ông nhưng đều bị những người làm đối ngoại của Vingroup "loại" từ vòng đề xuất. Phạm Nhật Vượng, lạ là vậy. Những nghịch lý này đã tạo nên sức hấp dẫn, khơi gợi trí tò mò của rất nhiều người về đại gia bí ẩn này. Sau nhiều năm "ở ẩn", cuối cùng, năm 2013 Phạm Nhật Vượng cũng đã chính thức xuất hiện trên tạp chí Forbes phiên bản Việt khi được công nhận là tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam. Nghe nói, một trong những lý do để thuyết phục ông xuất hiện lần này là nếu không, Forbes Việt Nam sẽ viết bằng những gì họ biết.

Vingroup được “định giá” khoảng 3 tỉ USD với hàng chục dự án bất động sản cao cấp trải dài trên cả nước. Năm 2013, Vingroup chính thức lấn sân sang lĩnh vực giáo dục, bán lẻ với những dự án bài bản, chuyên nghiệp, nên việc ông chủ của tập đoàn này chính thức xuất hiện khi được vinh danh là tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam đã vẽ lên bức tranh kinh tế một nét lạc quan, tươi mới.

'Vua' cáp treo

Đầu tháng 11.2013 tại Lào Cai, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát lệnh khởi công dự án xây dựng hệ thống cáp treo phục vụ du khách tham quan từ Sapa đi thung lũng Mường Hoa và đỉnh Fansipan. Đây là hệ thống cáp treo 3 dây độc đáo, lần đầu tiên có tại châu Á và là hệ thống cáp treo 3 dây dài nhất, cao nhất, phức tạp nhất thế giới. Điều lạ lùng là trong tất cả những thông tin về sự kiện lớn này, chủ đầu tư chỉ xuất hiện với cái tên chung chung là Công ty TNHH dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan - Sapa (một thành viên của Tập đoàn Sun Group) mà không thấy bóng dáng cá nhân "ông chủ" của dự án khủng này.

 
Ông Lê Viết Lam

Dư luận tò mò, truyền thông cũng tò mò tìm hiểu và một đại gia "quen mà lạ" nữa đã chính thức lộ diện với tên gọi mới "Vua cáp treo tại Việt Nam". Đó là Lê Viết Lam, ông chủ Sun Group. Gọi Lê Viết Lam là "vua cáp treo" hoàn toàn chính xác, bởi trước dự án cáp treo duy nhất trên thế giới không cần hệ thống cứu hộ thông thường nói trên, Lê Viết Lam và Sun Group cũng đã là chủ đầu tư của dự án Cáp treo Bà Nà (Đà Nẵng). Dự án này, theo xác nhận của Hiệp hội Cáp treo thế giới, đã lập 2 kỷ lục Guinness. Đó là tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.042,62 m) và có cao độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới (1.291,81 m). Tổng kinh phí đầu tư cho công trình gần 300 tỉ đồng, là cáp treo có kinh phí xây dựng lớn nhất Việt Nam thời điểm đó.

Nhưng cáp treo không phải là lĩnh vực duy nhất của Lê Viết Lam. Trước khi đổ 4.400 tỉ vào dự án Cáp treo Mường Hoa - Fansipan, Lê Viết Lam là ông chủ của hàng loạt dự án bất động sản lớn như The French Village tọa lạc trên diện tích 6 ha tại Bà Nà Hill với tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD; The Sun Villas bao gồm 118 biệt thự có thiết kế hiện đại, sang trọng với tổng nguồn vốn 65 triệu USD; InterContinental Danang Resort - khu nghỉ dưỡng 197 phòng tại bãi Bắc bán đảo Sơn Trà; Novotel Danang Premier Han River, tòa nhà cao nhất miền Trung...

Điểm qua các dự án mà Sun Group và các công ty thành viên đầu tư cho thấy Lê Viết Lam thực sự là tên tuổi lớn trong danh sách các đại gia Việt hiện nay.

Chủ thương vụ máy bay gần chục tỉ USD

Cuối tháng 9, sự kiện hãng hàng không VietJetAir ký kết thỏa thuận mua 92 chiếc A320 của hãng Airbus tại Paris với giá trị lên tới trên 9,1 tỉ USD đã gây rúng động thị trường trong nước. Trước đó, ít ai quan tâm đến ông chủ của VietJetAir, nhưng sau thương vụ khủng nói trên, câu hỏi ai là chủ của hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam đã làm sôi sục báo giới trong nước.

 
Ông Nguyễn Thanh Hùng                           Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Ảnh: Đức Duy

Mặc dù phía VietJetAir đã giải thích khá rõ ràng “làm thế nào để có 9,1 tỉ USD mua máy bay”, nhưng dư luận vẫn đặt nhiều dấu hỏi xung quanh vấn đề này. Một cuộc săn tìm đại gia đứng sau thương vụ "tỉ đô" đã được mở ra. Người ta lục vào danh sách các cổ đông lớn để tìm dấu vết và cuối cùng, một đại gia nữa chính thức lộ diện. Đó là chủ nhân của Tập đoàn tư nhân Sovico Holdings, cổ đông lớn nhất của VietJetAir - vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch HĐQT và Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch điều hành Sovico Holdings. Trên thực tế, Sovico Holdings không phải là cái tên xa lạ với giới đầu tư, nhưng vị thế, nguồn lực của tập đoàn này lộ ra qua thương vụ khủng nói trên mới chính là sự bất ngờ lớn với nhiều người.

Nhưng thương vụ mua máy bay chỉ là "cột mốc" đánh dấu sự xuất hiện của cặp vợ chồng doanh nhân nói trên trong danh sách các đại gia của Việt Nam. Còn thực ra, "lý lịch" đầu tư của họ trước đó cũng rất "hoành tráng". Sovico hiện là cổ đông chính của HDBank, chứng khoán Phú Gia, Công ty quản lý Quỹ tài chính dầu khí PVFC Capital. Tập đoàn này cũng đã mua lại khu resort Furama ở Đà Nẵng, rót vốn vào khách sạn Hồ Gươm tại Hà Nội, dự án Ariyana ở Đà Nẵng, Công ty cổ phần địa ốc Phú Long (dự án Dragon City), Abacus Tower tại Q.1, TP.HCM... Ngoài ra, Sovico còn rót vốn vào các lĩnh vực thủy điện, cao su, giáo dục, thương mại...

***

Họ đều là những doanh nhân tài năng, chuyên nghiệp; những dự án của họ là điểm sáng giúp bức tranh kinh tế năm 2013 bớt gam màu trầm, tạo ra sự hứng khởi, niềm hy vọng về một lớp doanh nhân thành đạt đủ tâm và tầm để sánh vai với các doanh nhân trên thế giới. 

Nguyên Hằng

>> Tỉ phú Phạm Nhật Vượng lên bìa Forbes
>> Khởi công xây dựng cáp treo lên đỉnh Fansipan
>> Lấy đâu ra 9,1 tỉ USD mua máy bay?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.