Những đại công trường xẻ đồi, lấp sông khai thác đá lậu: Lò cưa xẻ đá lậu liên tỉnh

12/05/2022 05:53 GMT+7

Đeo bám xe chở đá cây từ mỏ khai thác trái phép, PV Thanh Niên phát hiện số đá này ngoài việc tập kết tại một số nhà máy cưa xẻ đá ở tỉnh Bình Phước, còn được vận chuyển đến tỉnh Đắk Nông tiêu thụ.

Lần theo dấu vết xe chở đá lậu

Sau nhiều ngày thâm nhập các mỏ khai thác đá trái phép ở các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập (Bình Phước), PV ghi nhận ban ngày các công nhân cũng như máy móc liên tục đào bới để lôi những trục đá cây to từ dưới lòng đất lên, rồi xếp thành từng đống lớn dọc hai bên lối đi chính vào khu mỏ. Từ chiều muộn cho đến khuya sẽ có xe ben, xe thùng, xe đầu kéo thi nhau vào để vận chuyển. Các xe chở đá cây một số tập kết tại nhà máy cưa xẻ đá trên địa bàn H.Bù Đăng, số khác thì đưa hàng lên tận tỉnh Đắk Nông.

Xẻ đá, vạt núi khai thác đá trái phép: Lần tới nơi tiêu thụ

Một nhà máy cưa xẻ đá cây, diện tích hàng ngàn mét vuông tại xã Bom Bo, H.Bù Đăng (Bình Phước)

Thanh Niên

Khoảng 17 giờ ngày 2.5, phát hiện xe đầu kéo (BS 48R-001xx) chở đầy đá cây, di chuyển từ khu mỏ trái phép tại thôn 5, xã Đường 10 (H.Bù Đăng) ra đường liên xã, chúng tôi đeo bám nhằm tìm ra nơi tiêu thụ. Đáng chú ý, đống đá lớn chỉ được xếp ngang dọc trên thân xe rồi trùm bạt chứ không có thùng chứa; đá trên xe vẫn hở đầu đuôi, chực chờ rơi xuống đường bất cứ lúc nào. Tài xế điều khiển xe lưu thông qua một số tuyến đường liên xã để ra đường ĐT 760, rồi chạy về ngã ba Minh Hưng, sau đó rẽ sang tuyến QL14 về hướng Đắk Nông.

Trên quãng đường khoảng 160 km từ mỏ đá đến nơi tập kết tại tỉnh Đắk Nông, chiếc xe đầu kéo “bò” suốt 7 giờ đồng hồ mới tới nơi. Di chuyển được vài chục cây số, tài xế phải cho xe tấp vào trạm xăng, xịt nước vào bánh xe; thậm chí mỗi khi lên dốc, lốp xe bốc khói mù mịt. Sau mỗi lần “vượt cạn” thành công, tài xế thường xuống xe kiểm tra lốp. Điều đáng lưu ý là trong suốt quá trình di chuyển trên tuyến QL14, tài xế vẫn bị cơ quan chức năng “tuýt còi” kiểm tra, tuy nhiên sau đó lại nhanh chóng được tiếp tục lưu thông (!?). Khoảng 0 giờ ngày 3.5, xe đầu kéo dừng trước Cụm công nghiệp Thuận An (H.Đắk Mil, Đắk Nông). Tài xế nhanh chóng tháo bạt, đợi chừng 20 phút rồi chạy vào trong, đậu trước cổng Công ty TNHH xây dựng N.T Đắk Nông (chuyên cưa xẻ đá - PV). Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, Công ty TNHH xây dựng N.T Đắk Nông hiện do ông N.V.P.T (ngụ Đà Nẵng) làm giám đốc kiêm người đại diện pháp luật. Ngành nghề chính của công ty này là “xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác”, ngoài ra còn có ngành cắt tạo dáng và hoàn thiện đá, khai thác đá, cát, sỏi, đất sét…

Những cây đá khổng lồ tại một nhà máy trong Cụm công nghiệp Thuận An, H.Đắk Mil, Đắk Nông

Thanh Niên

Đêm 5 và 6.5, chúng tôi tiếp tục ghi nhận cảnh xe tải chở hàng chục tấn đá ì ạch “bò” hàng giờ đồng hồ để vận chuyển đá từ mỏ khai thác trái phép đến nơi tiêu thụ nhưng không thấy cơ quan có thẩm quyền xử lý. Khuya 6.5, khi “bò” lên một con dốc trên tuyến đường liên xã, lốp xe tải chở đá (BS 93R-010xx) bốc khói, tài xế phải dừng giữa đường cho xe “hạ nhiệt” rồi mới đi tiếp.

Hãi hùng cảnh xẻ đồi, vạt núi để khai thác đá trái phép ở Bình Phước

Xe chở đá luôn vượt tải trọng

Chia sẻ với PV Thanh Niên, anh D.Q.T (ngụ Bình Phước), một tài xế từng lái xe chở đá cây cho các chủ mỏ ở khu vực H.Bù Đăng, cho hay xe chở đá cây luôn vượt tải trọng trên dưới 200% so với quy định. “Đối với dòng xe ben thùng 4 chân, tổng tải trọng theo quy định khoảng 30 - 32 tấn, nhưng khi các chủ bến bãi hay chủ mỏ mua về đều phải cơi nới thùng để chở nhiều hơn. Đối với xe chở đá cây thì trọng lượng thường gấp đôi, tương đương trên 60 tấn đá mỗi chuyến. Còn với xe đầu kéo cỡ lớn, mỗi chuyến chở gần cả trăm tấn. Xe luôn trong tình trạng quá tải, vì dòng đá cây này rất nặng, khúc đá nhỏ nhất cũng trên 1 tấn, có khúc nặng từ 3 - 4 tấn”, anh T. chia sẻ.

Xe chở vượt tải trọng như vậy khi lưu thông có bị xử lý? Chúng tôi đặt câu hỏi thì nam tài xế này khẳng định: “Nói thật, vấn đề này các chủ mỏ đã “lo liệu” đâu vào đấy hết rồi. Ngay cả việc mua đất để làm mỏ khai thác cũng thế, các ông chủ đều phải “biết điều” với các cơ quan chức năng nên mới tồn tại và hoạt động được”.

Xe ben chở đầy đá cây đi từ xã Đắk Nhau, H.Bù Đăng về một nhà máy cưa xẻ tại tỉnh Đắk Nông

Băm nát đường quê

Xe chở quá tải là một trong những nguyên nhân khiến đường sá biến dạng, nhiều ổ voi, ổ gà xuất hiện khắp bề mặt đường trên địa bàn H.Bù Đăng, khiến người dân khi tham gia giao thông đối mặt với nhiều nguy hiểm. Trao đổi với PV Thanh Niên, bà N.T.D (60 tuổi, ngụ xã Đắk Nhau, H.Bù Đăng) bức xức: “Gia đình tôi chuyển vào khu vực này sinh sống đã gần 40 năm qua. Khoảng 4 năm nay, khu vực này xuất hiện mỏ khai thác đá, thế là cả ngày lẫn đêm, hàng đoàn xe chở đá chạy ngang qua, toàn là xe lớn. Mỗi lần có xe đi tới, bà con đang lưu thông đều kinh hãi né sang một góc chờ xe chạy qua rồi mới đi tiếp. Vì đường nhỏ mà các xe này thì to đùng, do đó khi có xe chở đá đi qua, đường gần như bị chiếm hết. Chỗ nào rộng cũng không dám đi vì các xe này chở toàn đá lớn, chất cao lên tới nóc nhìn là thấy sợ rồi, chẳng may rơi vào đầu thì oan mạng”.

Một xe đầu kéo chở đầy đá cây đang chờ trước cổng của một nhà máy tại H.Đắk Mil, Đắk Nông để xuống hàng

Theo bà D., gần đây do bị người dân phản ứng nhiều nên các xe chở đá không còn hoạt động ban ngày, chủ yếu đi vào ban đêm. “Xe chở đá nhiều lần húc đổ cả cây dù tôi để phía trước cổng; ngay cả cái cống thoát nước trước nhà cũng không ít lần bị đoàn xe chở đá cán sập. Tôi rất bức xúc nhưng không làm gì được, trích xuất camera cũng không nhìn rõ biển số. Mới đây vài ngày, xe chở đá lại cán sập cống thêm lần nữa, tôi còn chưa làm lại”, vừa nói bà D. vừa chỉ ra đoạn cống bị sập. “Tôi kiểm tra camera thì thấy qua hình ảnh có một xe container dài chạy qua, ôm cua không hết nên cán luôn cống, mà trời tối nên không nhìn rõ biển số, chả biết bắt đền ai”, bà D. bức xúc.

Tương tự, bà N.T.K (52 tuổi, ngụ xã Đường 10, H.Bù Đăng) cho hay nhiều hôm trời mưa lớn, đường sá ngập nước khiến không ít trường hợp té ngã khi không may sập ổ gà, ổ voi trên tuyến đường liên xã (nối xã Đường 10 với xã Đắk Nhau). “Đoàn xe tải chở đá cày nát đường. Sợ nhất là trẻ con đi học về và gặp phải xe tải. Trước đây, chúng tôi từng phản ánh lên trưởng thôn, sau đó thì họ cũng bớt lộng hành hơn”, bà K. nói. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.