Những cuộc gọi hoảng loạn và hành trình tìm mẹ

09/10/2021 23:07 GMT+7

“Vi ơi! Bác sĩ đưa mẹ đi cấp cứu. Em năn nỉ nãy giờ mà bác sĩ không cho em theo chăm sóc mẹ... Em phải làm sao?”. Em trai ở quê gọi, giọng khản đặc.

Còn tôi rối rắm, bấn loạn nhưng vẫn ráng trấn an: “Chờ chị”.

Khủng hoảng với 2 chữ “chờ chị”

Vậy là tôi gọi điện thoại cầu cứu thầy cô, bạn bè, hỏi thăm bác sĩ. Mọi người khuyên mẹ nhiễm Covid-19 nặng, lại nhiều bệnh nền nên chuyển tuyến trên điều trị. Em trai bị nhẹ, phải vào bệnh viện khác.

“Chờ chị” chỉ vỏn vẹn là 2 chữ thôi nhưng tôi phải xoay sở, giằng co với chính bản thân kinh khủng. Rồi cuối cùng, tôi đành nói em trai để mẹ đi, đi một mình.

Về nhà, mẹ cầm tay ba hôn thắm thiết trong niềm vui vỡ òa của gia đình tôi. Khoảnh khắc này sẽ nhớ mãi về sau

L.V

Mới 2 ngày mà các cuộc gọi dồn dập với những tin không vui khiến tôi muốn gục ngã.

Tối hôm trước háo hức gọi về nhà lại nghe ba buồn buồn: “Cả nhà mình bị nhiễm hết rồi con. Ba, anh và mấy cháu đang ở khu cách ly. Còn mẹ, em con và cháu đang ở nhà”. Tại sao lại có thể như thế? Tôi ở Sài Gòn, mới là người ở tâm dịch kia mà! Tôi khóc hết nước mắt, suốt đêm cứ nghĩ sáng ra phải liên hệ ai để hỏi thông tin và cậy nhờ mua đồ gửi vào bệnh viện dã chiến cho gia đình.

Rồi hôm sau, ba khẩn thiết gọi: “Vi ơi cứu mẹ đi con. Bằng mọi cách phải cứu mẹ. Coi chừng mẹ chết dọc đường đi con ơi!”.

Sau đó là cuộc gọi giằng co chuyện mẹ phải vào viện một mình của em trai.

Mẹ tôi bệnh hơn 20 năm nay. Lúc tỉnh táo lúc lơ ngơ như một đứa trẻ. Chưa chích vắc xin mũi nào và nhiều bệnh nền: béo phì, tiểu đường, suy hô hấp, xuất huyết não. Lúc đi, em trai có đưa mẹ điện thoại nhưng mẹ lãng tai, mắt mờ và không biết cách dùng.

Rồi bác sĩ cũng đưa mẹ đi. Tôi cố gắng giữ giọng bình tĩnh để khuyên em trai nhưng có ai biết, lòng tôi đang khóc…

Về nhà, mẹ kể trong suốt 30 ngày chống chọi với Covid-19, mẹ lẩn quẩn ở trên giường và được các y bác sĩ ở tỉnh Tiền Giang chăm sóc rất tận tình, chu đáo

Mẹ đang ở nơi đâu?

Những chuỗi ngày sau đó thật kinh khủng. Mình chẳng biết mẹ được đưa đi đâu, gọi hỏi địa phương họ nói một bệnh viện nào rất lạ mà mình không tìm thấy thông tin và cả gia đình ở quê cũng không rõ.

Rồi mình trầm cảm, căng thẳng đến nỗi không muốn nói chuyện với ai, kể cả là chồng con. Mình chỉ có thể gọi điện, nhắn tin, liên hệ nhờ bạn bè mua đồ dùng cho cả nhà trong khu cách ly và tìm mẹ.

Nhiều đêm ôm con ngủ mà nước mắt mình thấm ướt cả gối, vì nghĩ đến mẹ. Mẹ đang cô đơn chống chọi bệnh tật ở đâu. Mình bị ám ảnh bởi câu nói của mẹ trước khi đi: “Bác sĩ bắt mẹ đi một mình con ơi!”.

Lúc đó, mình quả quyết không có đâu mẹ ơi! Hơn 20 năm bệnh tật, mẹ luôn được cả nhà quây quần lo lắng, liệu mẹ có đủ sức một mình chống chọi Covid-19? Nếu mẹ có làm sao mà cả nhà không biết mẹ ở đâu thì thật kinh khủng. Vậy là hôm sau mình lại quyết tâm tìm mẹ.

Mình lên mạng xã hội cậy nhờ cả những người chưa quen. Khi thì có nguồn tin mẹ ở bệnh viện dã chiến ở Cái Bè, lúc nói mẹ ở Bệnh viện Y học cổ truyền của tỉnh (dành điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng), Bệnh viện dã chiến số 7 tại Đại học Tiền Giang.

Một bên xoay xở cho 6 người ở bệnh viện, một bên tìm mẹ làm tôi suy nhược cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi rất mệt. Song nhìn 2 đứa con cứ ăn mì gói, còn tôi cầm cự cho qua bữa, việc này không ổn. Lúc đó, tôi ước có ai nấu giúp mình những bữa cơm để cả nhà khỏe khoắn, bớt đi một mối lo, phần khác để mình có sức lo cho đại gia đình ở quê. Nhưng không có ai. Tôi lồm cồm dậy ráng nấu ăn. Tự dặn lòng phải khỏe để lo cho con, lo cho mọi người và tìm mẹ.

Trong đó, đặc biệt là bác sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Tiền Giang). Có khi, bác sĩ còn nấu ăn bồi bổ cho những bệnh nhân bệnh nặng như mẹ

Cuộc sống có những điều thật kỳ diệu

Khoảng 10 ngày sau, một vài người bạn nói đã tìm được một bệnh nhân giống mẹ. Tuy nhiên, người này chuyển biến rất nặng, tiên lượng không qua khỏi và nhắn tôi chuẩn bị tinh thần. Lại một đêm nức nở.

Tôi nhắn tin hỏi nhỏ bạn nếu mẹ mất, tôi cần chuẩn bị những gì, bắt đầu từ đâu vì tôi ở Sài Gòn, còn cả gia đình ở quê đã nhiễm, đang trong bệnh viện dã chiến.

Những ngày giãn cách cao điểm, Sài Gòn và TP.Mỹ Tho đều tràn ngập dây giăng, hàng rào và không được rời khỏi nhà. Lòng tôi quặn thắt. Nhưng đó có hẳn là mẹ?

Một buổi tối, chuông điện thoại reo. Là mẹ. Đúng là mẹ! Nghe giọng mẹ trong điện thoại, tôi òa khóc như trẻ con. Mẹ nói tưởng cả nhà đã quên mẹ rồi...

Cuộc sống có những điều thật kỳ diệu. Cũng nhờ bạn bè và bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Tiền Giang (Bệnh viện Lao - Phổi), đặc biệt là bác sĩ Nguyễn Thị Minh Nguyệt, mà tôi đã được kết nối được với mẹ. Tôi báo ngay với cả nhà, ai cũng xúc động và lên tinh thần. Đặc biệt là ba tôi.

Đêm đó, sau 2 tuần khủng hoảng, tôi không khóc. Tôi đã tìm được mẹ. Tôi chỉ mong mẹ hiểu rằng cả nhà rất yêu thương mẹ. Lỡ như có chuyện không hay xảy ra với mẹ thì mẹ sẽ cảm thấy ấm áp, hạnh phúc. Tuy nhiên, cả nhà tôi cũng chuẩn bị sẵn tâm lý. Những người trẻ, khỏe hơn mẹ còn không tránh khỏi mất mát vì Covid-19 huống chi là mẹ với nhiều bệnh nền như thế.

Vậy mà, không thể tin được, sau gần 1 tháng điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Tiền Giang (Bệnh viện Lao - Phổi), mẹ đã vượt qua Covid-19. Về đến nhà, mẹ cầm tay ba hôn thắm thiết trong niềm vui vỡ òa của gia đình.

Nhà tôi - đi 7 về 7. Mẹ tôi - nhiều bệnh nền, chưa tiêm vắc xin lần nào, đã kiên cường chiến thắng Covid-19.

Giữa muôn trùng tin xấu của đại dịch vẫn có những niệm lành xuất hiện, hãy tin như vậy. Câu chuyện của gia đình tôi, của mẹ tôi là minh chứng cho điều ấy.

Nếu có người lớn tuổi trong nhà, tôi nghĩ mọi người nên chuẩn bị sẵn: một cái điện thoại + một tờ giấy ghi họ tên, địa chỉ người bệnh và các số người thân cần liên lạc. Lỡ khi có tình huống xấu xảy ra, hoặc người nhà tỉnh lại thì còn biết gọi cho ai. Đã có một số trường hợp trở nặng và không biết đưa đi đâu khiến người bệnh cô đơn cùng cực, còn người nhà khủng hoảng, hoang mang trầm trọng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.