Những công trình làm nghèo đất nước: Xây xong nhà máy nước sạch gần 10 tỉ đồng rồi bỏ hoang

Khánh Hoan
Khánh Hoan
06/10/2022 07:08 GMT+7

Đầu tư gần 10 tỉ đồng để xây dựng nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhưng công trình có nhiều sai phạm này chỉ hoạt động được vài tháng rồi bỏ hoang từ nhiều năm qua.

Bằng nguồn vốn của nhà nước và người dân đóng góp, năm 2006, xã Quỳnh Lộc (TX.Hoàng Mai, Nghệ An) khởi công xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch cho người dân trong xã.

“Lúc đó, dân chúng tôi rất mừng vì nghĩ sẽ có nước máy để dùng thay cho nước giếng đào bị nhiễm phèn. Nào ngờ nhà máy bị bỏ hoang”, bà Trương Thị Liên (ngụ xóm 7, xã Quỳnh Lộc) nói.

Nhà máy nước sạch Quỳnh Lộc (TX.Hoàng Mai, Nghệ An) bỏ hoang từ nhiều năm qua

K.HOAN

Loay hoay tìm cách vận hành

Công trình được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 khởi công vào tháng 4.2006 và hoàn thành sau đó chừng vài tháng để cấp nước sinh hoạt cho xóm 6 và xóm 7 của xã Quỳnh Lộc. Tuy nhiên, chỉ khoảng 3 tháng sau, nhà máy phải dừng hoạt động vì người dân phát hiện nước có nhiều cặn đá vôi. Sợ nước không đảm bảo an toàn nên người dân không dám dùng nữa. Ngoài ra, một số khu vực nước rất yếu do chênh lệch về độ cao nên người dân cũng… phát nản.

Đến năm 2009, giai đoạn 2 tiếp tục được khởi công với mục đích cung cấp nước cho 10 xóm còn lại của xã Quỳnh Lộc. Chi phí đầu tư quyết toán cả hai giai đoạn hơn 9,3 tỉ đồng. Mặc dù hoàn thành vào năm 2010, nhưng nhà máy cấp nước này đã không hoạt động kể từ đó đến nay.

Năm 2015, theo chỉ đạo của UBND TX.Hoàng Mai, UBND xã Quỳnh Lộc tổ chức cuộc họp và mời các đơn vị liên quan bàn phương án khắc phục công trình này để đưa vào hoạt động và quyết định cho sửa chữa hệ thống cấp nước phục vụ hai thôn 6, 7; nếu hoạt động ổn định và được người dân đồng ý thì tiếp tục đầu tư sửa chữa tiếp.

Thế nhưng, khi họp dân để lấy ý kiến thì chưa đến 20% số người đồng ý và việc sửa chữa đường ống đã không thực hiện được. Người dân cho rằng vị trí nhà máy ở dưới thấp, áp suất nước không đủ để đẩy ngược lên cao nên nước sẽ rất yếu, việc sửa chữa sẽ tốn kém, trong khi chưa chắc đã vận hành hiệu quả.

UBND xã Quỳnh Lộc sau đó đưa ra phương án tổ chức đấu thầu khai thác sử dụng nhà máy này. Thế nhưng, sau hai lần thông báo đều không ai tham gia đấu thầu.

Năm 2017, UBND xã Quỳnh Lộc lại tổ chức họp bàn tìm phương án vận hành nhà máy nước, và lần này quyết định cho sửa chữa để cấp nước cho hai thôn 6 và 7, sau đó sẽ tính tiếp các xóm khác. Để có kinh phí sửa chữa đường ống, chính quyền địa phương đã huy động người dân hai thôn này góp mỗi hộ 500.000 đồng. Nhưng, sau khi sửa chữa được đường ống để chạy thử thì trạm biến áp cung cấp điện của nhà máy bị cháy. Vì lý do đó, người dân cho rằng không nên cố sửa chữa nữa vì sẽ không mang lại hiệu quả, trong khi nhà máy nước sạch của TX.Hoàng Mai sắp hoàn thành; nếu đấu nối từ nhà máy này sẽ hiệu quả hơn. Vì thế, công trình tiếp tục “đắp chiếu” cho đến nay.

Sau nhiều năm không sử dụng, hiện nay nhà điều hành, máy bơm, bể lọc, bể chứa đã xuống cấp. Hệ thống đường ống dẫn nước đi các xóm cũng đã hư hỏng do làm đường và các công trình dân sinh.

Hệ thống bể lọc, bể chứa nước của nhà máy trở nên hoang phế

Nhiều sai phạm

Tháng 8.2006, sau khi công trình này hoàn thành giai đoạn 1, UBND H.Quỳnh Lưu (thời điểm đó xã Quỳnh Lộc đang thuộc H.Quỳnh Lưu) đã cho thanh tra dự án này theo đơn tố cáo xây không đúng thiết kế, nghiệm thu vượt dự toán. Kết quả, UBND H.Quỳnh Lưu phát hiện công trình nghiệm thu không đúng khối lượng xây lắp hơn 197 triệu đồng, chưa thi công 466 m đường ống phi 48 và 1.619 m đường ống phi 34 trị giá hơn 51 triệu đồng; vật tư không đúng chủng loại dẫn đến sai lệch hơn 37 triệu đồng; quyết toán quá chi phí khác gần 23 triệu đồng.

Khi thi công giai đoạn 2 vào năm 2009, công trình này tiếp tục đi theo “vết xe đổ” sai phạm. Theo đó, sau khi dự án hoàn thành, kiểm tra hồ sơ dự thầu của nhà thầu chính, cơ quan chức năng xác định năng lực kinh nghiệm không đạt yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Ngoài ra, chất lượng nước có hàm lượng CaCO3 (bột đá vôi) là 390 mlg/lít, vượt mức quy định. Đơn vị tư vấn đã thiết kế bổ sung thiết bị “làm mềm” nước nhưng thiết bị này chưa được kiểm nghiệm. Chất lượng nước sau khi lắp đặt thiết bị cũng chưa được kiểm nghiệm; không nghiệm thu chạy thử thiết bị đủ thời gian 72 giờ liên tục theo quy định; biên bản nghiệm thu thiết bị chạy thử ngày 29.5.2010 chưa ký nhưng công trình vẫn nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Năm 2019, UBND TX.Hoàng Mai tiếp tục yêu cầu UBND xã Quỳnh Lộc phải lập các phương án xử lý nhà máy theo quy định. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn “đắp chiếu”.

Về vấn đề trách nhiệm để công trình “đắp chiếu” kéo dài, ông Nguyễn Hữu Túy, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc, nói: “Công trình này được thực hiện từ các nhiệm kỳ trước. Ông mới tiếp nhận chức vụ nên chưa nắm được hồ sơ, tài liệu về dự án này”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.