Những công trình 'làm nghèo' đất nước: Thiết bị tiền tỉ bỏ đống như phế liệu

Trần Thanh Phong
Trần Thanh Phong
30/10/2022 06:31 GMT+7

Trong hai năm 2017 - 2018, tỉnh Bạc Liêu đầu tư dự án Trung tâm hành chính công cấp tỉnh và bộ phận một cửa 54 xã, phường, thị trấn trong tỉnh với tổng vốn hơn 46 tỉ đồng.

Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, nhiều trang thiết bị đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, có nơi bỏ đống như phế liệu.

Hàng loạt trang thiết bị một cửa của xã Điền Hải (H.Đông Hải, Bạc Liêu) bị hư hỏng, bỏ đống ngoài hành lang như phế liệu

TRẦN THANH PHONG

“Ít tháng đưa vào hoạt động thì hư hỏng”

Dự án Trung tâm hành chính công (TTHCC) cấp tỉnh và bộ phận một cửa (nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại 1 điểm ở cơ quan hành chính) 54 xã, phường, thị trấn trong tỉnh do Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, thực hiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản, triển khai cung cấp dịch vụ công qua mạng điện tử..., là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong triển khai chính quyền điện tử của tỉnh Bạc Liêu.

Ông Nguyễn Hoàng Em, Chủ tịch UBND xã Hưng Hội (H.Vĩnh Lợi), cho biết: “Trước đây cơ sở vật chất, trang thiết bị của xã còn nhiều khó khăn. Khi được tỉnh quan tâm, đầu tư lắp đặt trang thiết bị bộ phận một cửa, cán bộ của xã rất vui mừng, phấn khởi bởi có điều kiện nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân được tốt hơn. Tuy nhiên, chỉ ít tháng sau khi đưa vào hoạt động thì phát hiện nhiều trang thiết bị hư hỏng, không sử dụng được”.

Ông Hoàng Em liệt kê hàng loạt thiết bị hư hỏng, bỏ phế, không thể sửa chữa khắc phục được như: 1 máy tính chủ; 3 máy scan tốc độ cao; 1 máy kiosk tra cứu hướng dẫn thủ tục hành chính, đánh giá năng lực, mức độ hài lòng và lấy số tự động; 1 máy photocopy; riêng hệ thống camera giám sát và 2 màn hình LED thì mù mờ...

Ông Hoàng Em cho biết thêm, khi phát hiện nhiều trang thiết bị chuyên dụng tại bộ phận một cửa bị hư hỏng, xã đã nhiều lần liên hệ nhưng đơn vị bảo hành chẳng những không cử cán bộ xuống sửa chữa mà còn viện cớ đòi thu tiền phí đi lại. “Về thủ tục, vốn đầu tư toàn bộ trang thiết bị chuyên dụng tại bộ phận một cửa, xã hoàn toàn không biết gì, xã chỉ ký nghiệm thu rồi đưa vào hoạt động”, ông Hoàng Em chia sẻ.

Máy kiosk tra cứu hướng dẫn thủ tục hành chính, đánh giá năng lực, mức độ hài lòng của người dân, lấy số tự động ở xã Hưng Hội (H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) bị hư hỏng

TRẦN THANH PHONG

Bỏ đống như phế liệu

Tương tự, ông Đào Hoàng Anh, Phó chủ tịch UBND xã Châu Hưng A (H.Vĩnh Lợi), cho biết toàn bộ trang thiết bị văn phòng, thiết bị chuyên dụng cấp xã được lắp đặt đồng bộ tại bộ phận một cửa. Tuy nhiên, sau khi được đưa vào hoạt động trong thời gian rất ngắn thì nhiều trang thiết bị hư hỏng, không còn hoạt động được như: máy kiosk không bắt được số; 1 máy scan không khởi động được; máy photocopy hư hỏng không photocopy được; hệ thống phần mềm chạy chậm như... rùa. Mặc dù xã đã nhiều lần liên hệ với trung tâm bảo trì, đơn vị lắp đặt các thiết bị trên nhưng không ai đến sửa chữa, khắc phục mà còn đổ trách nhiệm cho đơn vị khác.

Còn ông Ngô Minh Đang, Phó chủ tịch UBND xã Điền Hải (H.Đông Hải), đánh giá thực trạng trang thiết bị tại bộ phận một cửa của xã còn thảm hại hơn. Theo ông Đang, chỉ trong thời gian ngắn, chưa đầy một năm đưa vào hoạt động, xã phát hiện hàng loạt thiết bị như: máy in, máy photocopy, máy bấm số thứ tự, đánh giá sự hài lòng của người dân... hư hỏng trầm trọng, không thể khắc phục được nữa. Các thiết bị hư hỏng này hiện được xã gom bỏ đống bên hành lang trụ sở UBND xã cũ, nhiều trang thiết bị gỉ sét, bong tróc, bụi bám như đồ phế liệu.

Chủ đầu tư và đơn vị trúng thầu phải có trách nhiệm

Theo ông Nguyễn Trọng Hán, Phó chủ tịch UBND H.Đông Hải, trên địa bàn huyện có nhiều đơn vị xã, thị trấn được đầu tư, lắp đặt hệ thống các thiết bị phần cứng, phần mềm tại bộ phận một cửa. Qua phản ánh của các đơn vị đều phát hiện nhiều trang thiết bị hư hỏng, xuống cấp, không sử dụng được. Thực trạng trên làm ảnh hưởng chung đến tình hình hoạt động của các xã, thị trấn.

Tuy nhiên, theo ông Hán, do Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu đầu tư trực tiếp xuống cơ sở, huyện không nắm rõ chủ trương đầu tư, nên huyện sẽ cho kiểm tra, rà soát, thống kê cụ thể. Trước mắt, huyện báo cáo, kiến nghị Văn phòng UBND tỉnh xem xét, kiểm tra, đánh giá thực trạng các trang thiết bị và phần mềm bị hư hỏng để có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ cho huyện; đồng thời kiến nghị đơn vị thi công, sửa chữa, khắc phục trang thiết bị hư hỏng để đưa vào hoạt động hiệu quả.

Kiểm tra thông tin “tố” đơn vị trúng thầu

Liên quan đấu thầu dự án TTHCC và bộ phận một cửa 54 xã, phường, thị trấn trong tỉnh Bạc Liêu, bà N.T.T.L, một doanh nghiệp ở TP.HCM, đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng.

Trong đơn, bà L. cho rằng trong quá trình tham gia đấu thầu dự án trên, bà phát hiện đơn vị trúng thầu (trụ sở ở TP.HCM) có hành vi gian lận như: kê khai doanh thu mua bán hàng trong hồ sơ dự thầu cao lên gấp nhiều lần để loại các đơn vị khác và đã được chấm trúng thầu. Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ kê khai trong hồ sơ dự thầu của công ty này trong năm 2018 - 2019 là trên 591 tỉ đồng, nhưng thực tế doanh thu bán hàng và cung cấp kê khai thuế của doanh nghiệp này chỉ hơn 8 tỉ đồng.

Liên quan khiếu nại của bà N.T.T.L, Bộ Tài chính có Công văn số 14834 gửi UBND tỉnh Bạc Liêu về việc xác định doanh thu và thu nhập khác. Theo đó, Bộ Tài chính giao Cục Thuế TP.HCM kiểm tra và làm rõ số chênh lệch giữa báo cáo tài chính (đã gửi cơ quan thuế trong hồ sơ kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp) và báo cáo kiểm toán liên quan đến các kỳ tính thuế của công ty này. Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Cục Thuế TP.HCM xác minh, làm rõ.

Liên quan vụ việc này, ông Từ Minh Phúc cho biết tỉnh sẽ giao các cơ quan chuyên môn kiểm tra, trả lời cho báo chí. Về trang thiết bị bộ phận một cửa hư hỏng, Văn phòng UBND tỉnh đã chỉ đạo cán bộ phụ trách chủ đầu tư cung cấp hồ sơ, kiểm tra quy trình đầu tư, đấu thầu, bàn giao, hư hỏng, sửa chữa, nghiệm thu. “Quan trọng thời gian còn bảo hành có sửa chữa hay không, có biên bản không, còn hết hạn bảo hành, hư thì phải chịu”, ông Phúc nói.

Ông Bùi Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao - Du lịch tỉnh Bạc Liêu, cho biết đối với dự án TTHCC cấp tỉnh và bộ phận một cửa 54 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, Sở có tham gia thẩm định phương án, thiết kế, mua sắm trang thiết bị. Do đó, đơn vị trúng thầu phải thực hiện đúng theo phương án, thiết kế đã thông qua. Sau khi chủ đầu tư bàn giao cho các đơn vị thụ hưởng thì phải thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng. Về thực trạng hàng loạt trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng, ông Toàn cho rằng chủ đầu tư phải có trách nhiệm theo dõi, xử lý, làm việc với nhà thầu để xác minh, làm rõ nguyên nhân.

Ông Từ Minh Phúc, Chánh văn phòng UBND tỉnh kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết lúc còn Chủ tịch UBND H.Vĩnh Lợi thì ông có biết (về thực trạng trang thiết bị hư hỏng), có chỉ đạo Văn phòng UBND huyện báo cáo thực trạng trang thiết bị hư hỏng cho Văn phòng UBND tỉnh. Sau đó tỉnh có xuống sửa chữa, khắc phục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.