Những công trình 'làm nghèo' đất nước: Kỷ lục buồn của một trung tâm văn hóa - thể thao

15/03/2022 05:34 GMT+7

Trung tâm văn hóa - thể thao Thuận An (P.Thuận An, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) được xây dựng với kinh phí 21,5 tỉ đồng, nhưng sau khi hoàn thành đã… bỏ hoang, chỉ tạm thời sử dụng để phục vụ sinh hoạt thôn và đang giữ nhiều “kỷ lục” buồn.

Xây dựng ì ạch 9 năm

Dự án Trung tâm văn hóa - thể thao (VH-TT) Thuận An (giai đoạn 1) được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt tại Quyết định số 2012/QĐ-UBND ngày 31.10.2012, với tổng mức đầu tư gần 21,5 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh bố trí 20 tỉ đồng, phần còn lại từ ngân sách H.Phú Vang và các nguồn thu khác.

Trung tâm VH-TT Thuận An nhếch nhác, xuống cấp vì bỏ hoang

Lê Hoài Nhân

Dự án do Ban Đầu tư xây dựng khu vực H.Phú Vang làm chủ đầu tư, triển khai từ năm 2013 với quy mô san nền trên diện tích 4,9 ha, chiều cao san nền trên 2 m. Dự án gồm các hạng mục: Xây dựng khán đài sân bóng đá rộng gần 1.500 m², sức chứa 1.000 chỗ ngồi bằng hệ móng, khung, cột, sàn bê tông cốt thép; thực hiện mặt sân bóng, đường chạy 8.000 m²; hệ thống mương thoát nước bao quanh dài 600 m, hệ thống cấp thoát nước, điện, thông tin liên lạc, PCCC và các phòng chức năng được bố trí dưới khán đài.

Theo Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 343 dự án thực hiện từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, trong đó có khoảng 19 dự án còn chậm tiến độ.

Nguyên nhân khách quan do vướng các thay đổi về thủ tục đầu tư, ảnh hưởng của dịch Covid-19, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh, sắp xếp địa giới hành chính theo Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27.4.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mở rộng TP.Huế. Ngoài ra, còn có nguyên nhân thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng, đất san lấp, chủ đầu tư chưa phát huy được năng lực quản lý dự án...

Tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định công tác thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 là mục tiêu quan trọng nhất để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022, đặc biệt là việc giải ngân các dự án ODA và dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách T.Ư. Đặc biệt, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thành lập 4 tổ công tác do Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Bùi Ngọc Long

Theo kế hoạch, sau 3 năm thi công, dự án sẽ hoàn thành nhằm tạo sân chơi thể dục, thể thao, văn hóa cho người dân địa phương và góp phần chỉnh trang đô thị trong khu vực. Tuy nhiên, ì ạch đến 9 năm (tính đến tháng 6.2021), dự án vẫn chưa hoàn thành khiến nhiều hạng mục dần xuống cấp. Đến tháng 6.2021, khi TT.Thuận An (thuộc H.Phú Vang) chuẩn bị sáp nhập vào TP.Huế, thì UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế mới bố trí phần vốn còn lại để chủ đầu tư gấp rút thi công sửa chữa hư hỏng, trồng cỏ và hoàn thiện dự án để nghiệm thu, bàn giao cho chính quyền UBND P.Thuận An quản lý.

Ông Phan Văn Ngọc, Giám đốc Ban Đầu tư xây dựng khu vực H.Phú Vang, cho biết thời điểm thi công, dự án thuộc kế hoạch bố trí vốn trung hạn của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, nhưng do nguồn vốn dự án được phân bổ kéo dài dẫn đến tiến độ thi công chậm. Đến nay, tuy công trình đã hoàn thành và bàn giao cho UBND P.Thuận An nhưng chủ đầu tư vẫn còn khoảng 900 triệu đồng chưa được quyết toán.

Bàn giao nhưng… khó sử dụng

Đáng nói, sau khi tiếp nhận, UBND P.Thuận An vẫn không thể sử dụng phát huy hiệu quả công trình, nhiều hạng mục xuống cấp. Mặt sân cỏ không đảm bảo, nhà thi đấu không có tường rào bao quanh. Trâu, bò thường xuyên vào ăn cỏ, giẫm đạp...

Anh Bạch Hoàng (32 tuổi, tổ dân phố Tân Cảng, P.Thuận An) cho biết từ lúc xây dựng trung tâm đến nay mà phường chưa có hoạt động nào tổ chức tại đây. “Công trình lớn mà xây dựng ra bỏ không như thế này, quá lãng phí!”, anh Hoàng bày tỏ.

Trả lời Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Thông, Phó chủ tịch UBND P.Thuận An, nhìn nhận do công trình nằm xa nhà dân, không có người quản lý và bảo vệ trực nên khâu quản lý, bảo quản rất khó. “Trở ngại lớn nhất là trung tâm không có tường rào nên trâu bò thường xuyên vào ăn cỏ, giẫm đạp, phóng uế. Trung tâm có sân bóng là hạng mục quan trọng nhất để cho các em vui chơi, tập thể dục, thể thao…, nhưng mặt sân rất xấu, dễ bị chấn thương nên vẫn chưa hoạt động. Nếu có kinh phí đầu tư lại mặt sân thì mới đảm bảo cho các em đá bóng”, ông Thông nói.

Cũng theo ông Thông, hiện tại UBND P.Thuận An cũng có tận dụng một số phòng chức năng để giao tổ dân phố Tân Cảng (chưa có nhà văn hóa cộng đồng) sinh hoạt và phục vụ các cuộc họp chi bộ. Đồng thời, giao cho bộ phận VH-TT của phường trưng dụng khi có các hoạt động cần thiết.

“Mong muốn lớn nhất là thời gian đến cấp tỉnh, thành phố đầu tư tiếp giai đoạn 2 để hoàn thiện hệ thống tường rào bao quanh sân bóng. Sau này, địa phương tìm nguồn để làm lại mặt sân đảm bảo hơn. Lúc đó may ra mới phát huy được hiệu quả”, ông Thông nói.

Trả lời Thanh Niên về những dự án đầu tư bằng ngân sách chậm tiến độ, gây lãng phí, ông Phan Quốc Sơn, Phó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết lãnh đạo UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành, các địa phương rà soát, báo cáo đề xuất giải pháp xử lý, tháo gỡ. Riêng Trung tâm VH-TT Thuận An, tỉnh sẽ yêu cầu UBND TP.Huế kiểm tra, có phương án khắc phục để sử dụng, phát huy hiệu quả công trình.

Những công trình 'làm nghèo' đất nước

Xây nhà tang lễ nhưng không sử dụng

Dân dùng nước phèn mặn bên công trình nước sạch bỏ hoang

Đắp chiếu chờ… khai tử

Hàng loạt chợ xây xong không sử dụng

Siêu dự án 4.300 tỉ đồng bỏ hoang

Bao giờ dự án thủy lợi 90 tỉ thôi 'hành' dân?

Cầu trăm tỉ hoang phế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.