Những công trình bền vững

10/08/2017 10:43 GMT+7

Thực hiện những dự án mang tính bền vững, lâu dài và đem lại sự thay đổi cho cộng đồng là nội dung chủ đạo mà nhiều trường ĐH hướng đến trong chương trình tình nguyện hè.

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là một trong những nội dung tiêu biểu của sinh viên tình nguyện Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM tại Bến Tre và TP.HCM.
Anh Trần Vũ, Phó bí thư Đoàn trường, thông tin: “Các cán bộ trẻ của trường có đề tài nghiên cứu khoa học về rau sạch đã mang đến địa phương để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với rau sạch”.
Suốt thời gian qua, các tình nguyện viên đã miệt mài lấy mẫu đất, nước để phân tích, thí nghiệm, tìm kiếm nơi thích hợp để trồng rau sạch, hướng dẫn quy trình gieo trồng, hỗ trợ các kiến thức chuyên môn… để thanh niên có thể thành công với mô hình trồng rau sạch và an toàn theo đúng tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở VN - NV).

Anh Trần Vũ cho biết thêm: “Khi mô hình này có những bước thành công ban đầu, trường sẽ phối hợp cùng tỉnh đoàn tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp này. Hy vọng cách tiếp cận mới mẻ này sẽ tạo hiệu ứng mạnh mẽ, lan tỏa, giúp thanh niên ở địa phương thay đổi tư duy, tự tin để khởi nghiệp, có thể làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội”.
Bên cạnh đó, các tình nguyện viên còn tổ chức những buổi trò chuyện với nông dân ở An Hiệp về rau sạch an toàn, hướng dẫn người dân những phương pháp nuôi trồng các loại nấm để họ có cơ hội trồng, kinh doanh kiếm thêm thu nhập.
Một trong những hoạt động đáng chú ý của sinh viên tình nguyện Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đó là mở các lớp tuyên truyền về nước sạch, hướng dẫn tiết kiệm nước… “Bến Tre có một số nơi nước bị nhiễm phèn khá nặng, gây thiệt hại lớn đến sản xuất, cũng như khiến hàng ngàn người dân thiếu nước sinh hoạt. Đó là lý do chúng tôi mang theo máy lọc nước do T.Ư Đoàn tặng đến với người dân nơi đây. Hy vọng điều này sẽ giúp trẻ em và người dân nơi đây nâng cao nhận thức về nước sạch, có cơ hội sử dụng nước sạch, giảm bớt khó khăn trong mùa hạn mặn”, Nguyễn Sơn Vĩnh, Đội trưởng đội hình thường trực tại Bến Tre, chia sẻ.
Từ bao lâu nay, những con đường “nắng bụi mưa bùn” luôn là hình ảnh quen thuộc với người dân ở xã Mỹ Phước và Nhơn Phúc (H.Mang Thít, Vĩnh Long). Chứng kiến cảnh khổ cực trong việc đi lại của người dân, các sinh viên của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM quyết tâm làm đường ở miền quê này.

tin liên quan

Tình nguyện hè được 'nâng chất'
Nếu như 15 năm trước, thanh niên tham gia tình nguyện hè mang tính phong trào, thiếu dấu ấn, các công việc giúp dân cũng mang tính tự phát, nghĩ đâu làm đấy… thì những năm gần đây tình nguyện hè đã được 'nâng chất' rất nhiều.

Từ giữa tháng 7 đến nay, những kỹ sư tương lai không quản ngại thời tiết nắng nóng, cật lực khuân vác sỏi, đá, vận dụng những kiến thức chuyên môn được học ở giảng đường... để áp dụng vào việc xây dựng, cố gắng hoàn thành tuyến đường dài gần 2 km ở xã Mỹ Phước và hơn 1,5 km ở xã Nhơn Phúc. Ngoài ra, các sinh viên tình nguyện còn dựng lên những cột đèn đường để “thắp sáng miền quê”, giúp người dân đi lại an toàn.
Chương trình làm đường nông thôn cho người dân của sinh viên tình nguyện Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM không chỉ thực hiện ở Vĩnh Long mà còn ở xã Phước Kiển (H.Nhà Bè) và P.Thạnh Lộc (Q.12, TP.HCM).
Phùng Nhật Thế, Phó chủ tịch Hội Sinh viên trường này, cho biết: “Sau nhiều cố gắng của các tình nguyện viên, các tuyến đường bê tông ở Phước Kiển và Thạnh Lộc đã nhanh chóng hoàn thiện. Người dân vui mừng khôn xiết khi nhìn thấy những con đường cũ kỹ giờ khang trang, sạch đẹp hơn rất nhiều”.
Cũng theo Nhật Thế, những mùa hè xanh năm sau, các tình nguyện viên của trường sẽ tiếp tục tìm đến những địa phương còn khó khăn, nơi có những con đường chưa được tu sửa, những con đường đất… để biến chúng thành những con đường thẳng tắp, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân, giúp địa phương đẩy nhanh tiến trình xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.