Những con voi già cô đơn giữa đại ngàn Tây nguyên

12/12/2021 09:15 GMT+7

Bốn đời nuôi voi, gia đình ông Y Khu Êban tại buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk là một trong những hộ dân hiếm hoi tại khu vực mình sinh sống vẫn gắn bó với voi nhà.

Tình yêu thương voi nhà và sự gắn bó mật thiết với voi đã khiến gia đình ông Y Khu Êban tại buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk trở thành hộ dân có truyền thống nuôi voi đến bốn đời và là gia đình rất hiếm hoi tại khu vực mình sinh sống vẫn còn nuôi voi nhà.

Ông Y Khu sở hữu duy nhất một con voi cái được ông nuôi từ khi còn trẻ

SẦM ÁNH

Cứ thế một đến hai lần mỗi ngày, ông Y Khu lại chạy xe máy hai đến ba cây số và đi bộ thêm một khoảng đường mòn trong rừng nữa để thăm con voi nhà do chính tay ông nuôi nấng suốt bao năm qua.

Đây là đoạn đường ông Y Khu thường xuyên chạy xe máy đến thăm voi nhà

SẦM ÁNH

Ông Y Khu phải đi bộ qua cánh rừng dài khoảng một cây số để thăm voi nhà

SẦM ÁNH

Bén duyên với nghề nuôi voi từ khi còn trẻ, ông Y Khu được cha ông mình chỉ dạy cách thuần voi nên ông cũng có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm trong việc thuần voi.

Ông tâm sự: “Ngày xưa người ta thuần voi là đi bắt ở trong rừng. Mình thấy chỗ nào gần nước, có chỗ bóng mát giống như cây kơ nia này, những chỗ này mình có thể bắt và thuần được. Nhưng mà mình phải tìm những chỗ nguồn nước để mình dễ cho nó ăn uống. Mình bắt và cột nó ở đó, ngày mình tập nó ba lần, tiếp xúc với nó ba lần để nó quen dần, quen dần. Nói chung khi thuần voi nguy hiểm thì cũng không gặp khó khăn mấy, bởi vì trong lúc mình thuần là mình đã cột nó rồi. Động vật hoang dã là con nào cũng vậy, ban đầu mình tiếp xúc với nó xa chừng đó, khi nào nó hiền thì lại gần lại”.

Khi thuần voi ông Y khu thường dùng dây xích cột vào thân cây to để giữ voi lại

SẦM ÁNH

Nhớ lại khi xưa voi còn được thả tự do vào rừng, ông Y Khu chỉ tìm đến voi những lúc cần chuyên chở lương thực hoặc dùng voi để di chuyển vào rừng bắt cá, hái lượm.

Ông Y Khu thường hay cưỡi voi để di chuyển vào rừng bắt cá, hái lượm

SẦM ÁNH

Là người chứng kiến được thời hoàng kim của voi nhà, ông Y Khu không khỏi xót xa khi nhìn lại cảnh tượng voi biến mất như bây giờ tại khu vực mình sinh sống: “Hồi xưa trong huyện Buôn Đôn cũng gần mấy trăm con voi, hiện tại cả tỉnh mình chỉ còn bốn mươi hai con voi”

Đến nay, ông Y Khu chỉ sở hữu duy nhất một con voi cái đã được ông nuôi từ khi còn trẻ. Với ông, con voi này chính là tài sản vô giá, là một thành viên trong gia đình mình. Để chăm sóc tốt cho voi nhà, ông Y khu hay dắt voi vào rừng cho chúng ăn những loại dây leo, lá cây, vỏ cây và rễ cây non của một số loài thực vật.

Loại cây này voi thường chỉ ăn rễ non của chúng

SẦM ÁNH

Các loại dây leo cũng là những loại thức ăn mà voi ưa thích

SẦM ÁNH

Có những lần voi nhà ông Y Khu bị voi rừng tấn công, ông cũng đành ngậm ngùi chữa lành vết thương của voi và canh cánh mãi trong lòng mỗi khi nhìn thấy chiếc đuôi voi bị đứt.

Vỏ thân cây Lộc vừng vừa là thức ăn vừa là thuốc chữa lành vết thương cho voi

SẦM ÁNH

Đuôi voi của nhà ông Y Khu bị đứt tầm hai phân do voi rừng tấn công

SẦM ÁNH

Mặc dù hằn trên thân mình là vết thương khi bị voi rừng tấn công, thế nhưng voi của nhà ông Y Khu vẫn rất khỏe mạnh và mang lại tự hào cho gia chủ khi đoạt được nhiều giải thưởng cao trong những lần tham gia lễ hội.

Đa số các lễ hội mà voi nhà ông Y khu tham gia đều mang lại nhiều giải thưởng

SẦM ÁNH

Ông Y khu cũng chính là một trong những chủ voi nhà có nhiều thành tích tốt

SẦM ÁNH

Vinh quang là thế, nhưng liệu điều đó có mãi tồn tại khi nguồn nuôi dưỡng chính cho voi là thức ăn từ rừng đang dần cạn kiệt, khi rừng tự nhiên ngày một bị thu hẹp.

Cánh rừng đang dần vắng bóng nhiều loại cây tự nhiên là nguồn thức ăn chính của voi

SẦM ÁNH

Ngay cả vấn đề sinh sản của voi cũng đang là điều khiến ông Y khu phải suy nghĩ ngày đêm vì voi nhà đang ít dần, con voi của chính ông cũng đang sống trong nỗi cô đơn đằng đẵng, hiếm khi được gặp đồng loại.

Voi rất kén chọn bạn đời vì vậy voi của ông Y Khu chưa một lần sinh con

SẦM ÁNH

Qua bao thăng trầm, gắn bó cùng với những con voi, ông Y Khu Êban có thể là thành viên cuối cùng của gia đình bốn đời nuôi voi còn gắn bó với con vật khổng lồ này. Những cánh rừng dần co lại, những con voi dần già đi trong cô đơn, và những người như ông Y Khu Êban cũng vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.