Những con số ‘biết nói’ về đạo đức sinh viên

10/07/2020 19:17 GMT+7

Một kết quả khảo sát cho thấy có gần 65% sinh viên đi học muộn, gần 50% nghỉ học không lý do, gần 37% sinh viên thừa nhận có thái độ học tùy hứng, 16% lười biếng, trên 15% học thụ động và 8% học đối phó…

Số liệu này được công bố trong hội thảo bàn về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, giảng viên và người học do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng nay 10.7.

Gần 65% sinh viên đi học muộn

Khoa Chính trị-hành chính ĐH Quốc gia TP.HCM vừa thực hiện một khảo sát với hơn 600 sinh viên các trường thành viên ĐH này về thực trạng chuẩn mực và thực hành đạo đức của sinh viên.
Kết quả khảo sát cho thấy có đến trên 91% sinh viên xác định mục đích của việc học là muốn cống hiến cho xã hội, cho cuộc sống của bản thân và gia đình nên đã xác định thái độ tích cực trong học tập. Cụ thể là trên 64% sinh viên có tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ bạn bè cùng tiến bộ; 59% sinh viên có tinh thần cầu tiến; 47% có tư duy độc lập và sáng tạo; gần 35% có tinh thần say mê, tích cực trong học tập.
Tuy nhiên, nhận đức về đạo đức và chuẩn mực đạo đức của một bộ phận sinh viên còn những tồn tại hạn chế. Cụ thể, 1% sinh viên cho rằng đạo đức không quan trọng với sự phát triển của con người và xã hội; 2,9% sinh viên cho rằng giáo dục đạo đức là hoàn toàn không cần thiết.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy một bộ phận sinh viên đã bị ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng, cá nhân, đề cao sức mạnh đồng tiền, sống thiếu lý tưởng, hoài bão.
Điều đặc biệt lo ngại chính là kết quả khảo sát về thái độ học tập của sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM. Cụ thể gần 37% sinh viên thừa nhận có thái độ học tùy hứng, 16% lười biếng, trên 15% học thụ động và 8% học đối phó. Khảo sát cũng cho thấy gần 74% sinh viên lựa chọn thái độ tôn trọng, lễ phép với giáo viên và gần 52% ra vào lớp luôn xin phép thầy cô.
Tuy nhiên điều đáng quan tâm là số sinh viên có những biểu hiện thiếu tôn trọng, cư xử không đúng mực với thầy cô chiếm tỷ lệ không nhỏ (21,8%) và sinh viên ra vào lớp không xin phép (chiếm 34%). Những biểu hiện về vi phạm pháp luật, nội quy nhà trường cũng nổi lên một số vấn đề như đi học muộn (gần 65%), làm việc riêng trong giờ học (60%), nghỉ học không lý do (gần 50%).
Theo nhóm thực hiện khảo sát, những số liệu này cho thấy tinh thần kỷ luật, sự tôn trọng giáo viên của sinh viên cần tiếp tục được cải thiện.

Có nên xây dựng đạo đức bằng "roi"?

Hội thảo cũng có những ý kiến bàn luận xung quanh các giải pháp nhằm góp phần xây dựng, phát triển đạo đức sinh viên ngày nay.
Có mặt tại hội thảo, một sinh viên băn khoăn: “Việc thực hiện hành vi đạo đức là tự nguyện, vậy ký túc xá đôi khi sử dụng biện pháp mạnh có tạo được hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức hành vi đạo đức của sinh viên không?”.
Thạc sĩ Tăng Hữu Thủy, Giám đốc Trung tâm quản lý ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, khẳng định trung tâm không sử dụng pháp luật để điều khiển hành vi đạo đức sinh viên. “Về phương pháp triển khai thì lấy nhân cách để dạy nhân cách, tức chuyện “làm gương”. Một nhân viên KTX hút thuốc thì không thể nói sinh viên không hút thuốc. Nếu nhân viên KTX chạy xe ngược chiều thì không thể nói sinh viên không được chạy ngược chiều. Đấy là phương pháp triển khai”, ông Thủy nói.
Ông Thủy dẫn dắt thêm: “Có những phụ huynh đề nghị KTX tắt đèn lúc 11 giờ đêm để sinh viên ngủ sáng thức dậy đi học. Nhưng thực tế tôi quan sát 7.000 phòng ở sinh viên, có những đêm ít nhất ¾ số phòng ở có đèn sáng đến 1-2 giờ đêm. Vậy đâu là giới hạn cho phạm vi chung?”.
Vì vậy, theo ông Thủy, nếu không có giải pháp vận dụng tương ứng thì rất khó trong thực hiện. Khi đó cần căn cứ các quy định về công tác sinh viên, công tác sinh viên nội trú được cụ thể hóa thành nội quy, quy tắc ứng xử trong KTX.
Cũng theo ông Thủy, việc sử dụng "roi" sẽ có thay đổi nhanh nhưng phương pháp chúng ta đang thực hiện là tác động bằng hành vi nhận thức, đa số  sinh viên đều có những biểu hiện rất tốt.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.