Những chuyện 'thâm cung' thời kháng Pháp thế kỷ 19: Lưu Vĩnh Phúc và các nhà cách mạng Việt Nam

21/03/2022 06:42 GMT+7

Khi trở về Trung Quốc , Lưu Vĩnh Phúc bỏ lại đạo quân Cờ Đen cho các thuộc tướng. Đó cũng là lúc mà cuộc xuất bôn của vua Hàm Nghi khỏi kinh thành Huế (5.7.1885) và hịch Cần vương đã làm khởi phát nhiều cuộc khởi nghĩa của Tạ Hiện, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Cao…

Các lãnh tụ Cần vương tìm cách liên lạc với đạo quân Cờ Đen để gây thêm thanh thế, song mất Lưu Vĩnh Phúc, họ như rắn mất đầu, một số lấy việc cướp bóc để tồn tại và đó là thời điểm mà đạo quân này bị lên án mạnh nhất. Theo bộ sách của Pháp Histoire militaire de l’Indochine française (Lịch sử quân sự xứ Đông Pháp; Hà Nội - Hải Phòng 1931), đến ngày 23.3.1887, trong các cuộc hành quân tại Cao Bằng, Pháp vẫn còn ghi nhận sự hiện diện của các toán quân Cờ Đen.

Nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867 - 1940)

TƯ LIỆU

Về phần Lưu Vĩnh Phúc, sau khi trở về Trung Quốc, ông được nhà Thanh cử làm Tổng binh Quảng Châu. Năm 1894, khi cuộc chiến tranh Trung - Nhật nổ ra, ông đang là Tổng binh đảo Đài Loan. Chiến tranh kết thúc một năm sau đó, thắng lợi nghiêng về phía Nhật Bản, nhà Thanh phải chấp nhận ký hòa ước Mã Quan (Shimonoseki) ngày 17.4.1895 giao đảo Đài Loan cho Nhật. Song người đứng đầu đảo này là Đường Cảnh Tùng không tuân thủ hòa ước, công bố nước Cộng hòa Đài Loan với Lưu Vĩnh Phúc là Phó tổng thống. Sau đó, trước sự tấn công mãnh liệt của quân Nhật, thế yếu, Lưu Vĩnh Phúc đã phải cải trang làm một người phụ nữ và trốn khỏi Đài Loan (Bradley Camp Davis - Imperial Bandits - University of Washington Press - 2017, trang 152-153).

Quay lại đại lục Trung Hoa, Lưu Vĩnh Phúc trở thành chỗ dựa cho các nhà cách mạng Việt Nam hoạt động trên đất Trung Hoa. Trong bài viết dài hơn 100 trang có nhan đề Quelques précisions sur une période troublée de l’histoire d’Annam (Vài điều minh xác về một thời kỳ rối ren trong lịch sử Việt Nam) in trong Tập san Đô thành Hiếu cổ (BAVH) số 3 năm 1941, cây bút Pháp A.Delvaux có nhắc đến chi tiết vào tháng 3.1888, Lãnh sự Pháp tại Quảng Đông phát hiện Đề đốc Trần Xuân Soạn có mặt tại nhà Lưu Vĩnh Phúc (Tlđd trang 289-290).

Năm 1900, một nhà cách mạng Việt Nam là cụ Phan Bội Châu mưu tính tập hợp các nhà trí thức yêu nước trong một phong trào chống Pháp, với sự hỗ trợ của Lưu Vĩnh Phúc. Năm 1905, cụ đi gặp họ Lưu.

Nhà Lưu Vĩnh Phúc không chỉ là nơi tiếp đón cụ Phan Bội Châu, mà cả cụ Phan Châu Trinh và Nguyễn Thiện Thuật (hay Nguyễn Thuật). Riêng cụ Thuật là người ở lâu dài trong nhà họ Lưu.

Tháng 1.1907, sau khi từ Nhật về, cụ Phan Bội Châu lại đến nhà Lưu Vĩnh Phúc, nơi đây cụ vạch ra kế hoạch Đông Du, đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật du học. Thất bại trong việc xây dựng một đạo quân chống Pháp, cụ Phan muốn biến người từng lãnh đạo đạo quân Cờ Đen và các đồng chí của cụ thành những nhân tố của một cuộc cách mạng chính trị.

Lưu Vĩnh Phúc (1837 - 1917) khi làm quan nhà Thanh

TƯ LIỆU

Cụ Phan Bội Châu là một trong những nhà cách mạng khả kính, vì vậy những gì cụ viết về Lưu Vĩnh Phúc không phải là sự cường điệu. Trong hồi ký Phan Bội Châu niên biểu (NXB Văn Nghệ TP.HCM - 2001), cụ Phan đã có những dòng sau đây về Lưu Vĩnh Phúc: “Thượng tuần tháng 8 đến Quảng Đông, thăm chào ông Lưu Vĩnh Phúc, nhân gặp được cụ Tam Tuyên tán lý xưa là cụ Nguyễn Thuật. Lưu tuổi gần 70 mà dung mạo quắc thước, khi vừa gặp chúng tôi, nói tới người Pháp thì vỗ tay trên án mà nói rằng: “Tả! tả! tả!” (tả: đánh - L.N).

Tôi nhân đó mà nhắc lúc quân Tây hai lần lấy thành Hà Nội, nếu không có quân Lưu đoàn, thì chắc quân ta không được giọt máu nào rơi ở cổ người giặc. Ôi, Lưu đoàn chẳng phải là một bậc anh hùng hay sao? Tôi lúc bấy giờ, cái lòng sùng bái anh hùng hết sức dốc đổ vào Lưu…” (sđd, trang 105; Bradley Camp Davis - sđd - trang 154).

Sau Cách mạng Tân Hợi năm 1911, Lưu Vĩnh Phúc được cử làm Tổng trưởng dân đoàn Quảng Đông, tiếp tục công tác cho chế độ dân quốc đến ngày qua đời vì bệnh năm 1917.

Cụ Nguyễn Thiện Thuật (1844 - 1926), từng trú ngụ trong nhà Lưu Vĩnh Phúc ở Quảng Đông

TƯ LIỆU

Căn cứ vào các tư liệu trên, có thể thấy rằng vai trò của Lưu Vĩnh Phúc trong lịch sử kháng Pháp của Việt Nam thay đổi qua từng thời kỳ; thời kỳ trước năm 1868 là một kẻ cầm đầu thổ phỉ, thời kỳ từ 1868 đến 1885 là một quan lại triều đình Việt Nam, lập nhiều chiến công, được vua Tự Đức phong đến chức Đề đốc, hàm nhị phẩm, và thời kỳ từ năm 1885 bị hất ra khỏi guồng máy chiến tranh Việt - Pháp, quay về Trung Quốc, góp phần cải thiện đời sống xã hội của nước ông vào những thập niên 1890 - 1900 - 1910.

Từ những thập niên qua, nhiều nhà viết sử Việt Nam đi theo lối mòn của các cây bút Pháp, vốn hận thù đạo quân Cờ Đen từng sát hại hai sĩ quan ưu tú của họ, nên đã có những miêu tả và nhận định không công bằng đối với một người như Lưu Vĩnh Phúc. Đặt họ Lưu đúng vào vị trí đích thực của ông trong cuộc kháng chiến lâu dài của người Việt chúng ta là cách mang lại sự công bằng lịch sử, phù hợp với đạo lý do cha ông truyền lại.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.