Những chuyện hậu cung vua Thành Thái và Khải Định: Vua Khải Định Âu du

13/09/2021 06:11 GMT+7

Trong 9 năm trị vì ngắn ngủi của mình (1916 - 1925), vua Khải Định đã có một số việc làm được nhiều người nhắc đến, trong đó có chuyến Bắc tuần năm 1918 và cuộc Pháp du rầm rộ năm 1922.

Năm 1922, khi hoàng tử Vĩnh Thụy mới lên 9 tuổi, có lẽ cảm nhận được tình trạng sức khỏe yếu kém của mình, vua Khải Định đã tính đến việc tấn phong thái tử và đưa con sang Pháp học. Ngày 12.2 năm Khải Định thứ 7 (10.3.1922), ông ban dụ sách lập Vĩnh Thụy làm Đông cung thái tử, sau khi tham khảo ý kiến Phủ Tôn nhơn, Viện Cơ mật, Khâm sứ Huế Pasquier và Toàn quyền Đông Dương Maurice Long. Ba ngày sau, nhà vua ban một châu dụ dài công bố với thần dân quyết định mở cuộc Âu du sang Pháp với các mục đích chính như sau:
Chúc mừng sự thắng trận của nước “Đại Pháp” (trong Thế chiến thứ nhất 1914 - 1918); Thăm đài tưởng niệm các binh lính Việt Nam thuộc hàng ngũ quân Pháp tử trận trong thế chiến vừa qua; Ký thác Hoàng thái tử Vĩnh Thụy cho Pháp đình “mà học hành để cho được sự quảng kiến văn, may đặng ngày sau có đạt đức thành tài…” (Đồng Khánh - Khải Định chính yếu - NXB Thời Đại năm 2010, tr.465-476; Nam Phong tạp chí số 57, tháng 2.1922, tr.238-243).
Ngày 20.5.1922, nhà vua cùng thái tử Vĩnh Thụy xuống tàu Porthos ở Tourane (Đà Nẵng), về phía Pháp có Khâm sứ Pasquier tháp tùng, về phía Việt có Đông các Đại học sĩ Nguyễn Hữu Bài và một số quan lại, thành viên Phủ Tôn nhơn.
Ngày 21.6.1922, tàu Porthos cập cảng Marseille, nhiều quan chức cao cấp Pháp đã túc trực để đón tiếp: Thượng thư Bộ Thuộc địa Albert Sarraut (Toàn quyền Đông Dương những năm 1911 - 1914 và 1916 - 1917); Thống sứ Bắc kỳ Garnier, đại diện Toàn quyền Đông Dương; Tổng ủy viên cuộc đấu xảo Marseille Guesde; Thị trưởng Marseille Flaissières…
Ngày 24.6, vua Khải Định tới Paris, ra đón có Thượng thư Bộ Thuộc địa Albert Sarraut, Toàn quyền Đông Dương Maurice Long, Nguyên soái Lasson, đại diện Tổng thống Pháp.

Vua Khải Định bước vào điện Elysée để hội kiến với Tổng thống Pháp

ẢNH: TƯ LIỆU CỦA LÊ NGUYỄN

Sau cuộc hội kiến với vua Khải Định, Tổng thống Pháp Millerand đặt tiệc thết đãi nhà vua và đoàn tùy tùng. Chương trình hoạt động sau đó của nhà vua diễn ra đúng dự kiến: hội kiến với Nghị trưởng nguyên lão Nghị viện, Nghị trưởng Thứ dân Nghị viện (tức Thượng viện và Hạ viện theo cách gọi ngày nay), Thủ tướng Pháp, thăm mộ tử sĩ vô danh tại Khải hoàn môn; thăm Nông học Bác vật viện, thăm đền thờ các tử sĩ Việt Nam, xem đua ngựa tại Longchamp cùng Tổng thống Pháp, xem nhạc kịch Faust tại nhà hát Opera… Trong hầu hết các cuộc thăm viếng này đều có sự tháp tùng của Thượng thư Bộ Thuộc địa Sarraut, Toàn quyền Đông Dương Maurice Long, Thống chế Joffre… (Đồng Khánh - Khải Định chính yếu - sđd - tr.476-484; Nam Phong tạp chí năm 1922 - tr.406, 501 - 503).
Cuộc viếng thăm nước Pháp của vua Khải Định gây ra một làn sóng công phẫn trong công chúng Việt Nam, nhất là giới trí thức yêu nước. Nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc viết vở kịch Con rồng tre, nhà cách mạng Phan Châu Trinh viết Thư thất điều kể rõ 7 tội của nhà vua, trong đó, tội thứ 7 là tội “Pháp du ám muội”. Cụ Phan đã viết: “...Mượn cớ rằng đưa hoàng tử đi học, hoặc đi điếu quân sĩ nước ta tử trận, và đi xem các thành phố phía Bắc nước Pháp bị tàn phá, thời những việc đó là việc tư của Bệ hạ, không phải việc công của quốc dân ta, lại đó là những việc không cần kíp gì cả”, đồng thời “Nếu mượn cớ rằng đi du lịch nước Pháp để khảo sát văn minh của họ rồi về cải cách chính trị trong nước, thời Bệ hạ không phải là tay làm việc ấy được... Cái bệnh của Bệ hạ là bởi ngu muội, chưa từng đọc lịch sử cách mạng nước Pháp vậy. Nếu một mai biết được thời sẽ gục đầu chán nản, cuốn gói mà về sớm vậy” (Tây Hồ Phan Chu Trinh - Thư thất điều (di cảo) - NXB Anh Minh - Huế 1958, tr. 28, 30).
Dù sao, theo dõi hành trình cuộc Pháp du của vua Khải Định, chúng ta có thể nhận thấy rằng tuy là một nước đế quốc, thực dân, cách nay gần 100 năm, nước Pháp cũng đã chứng tỏ được tính văn minh của họ khi đón tiếp nhà vua một nước nhược tiểu, lại là thuộc địa của Pháp, với những nghi thức đầy vẻ trọng thị: đích thân Thượng thư Bộ Thuộc địa Albert Sarraut túc trực tại bến tàu để chờ chuyến tàu chở nhà vua An Nam cập bến và tháp tùng nhà vua gần như trong suốt các chuyến tham quan. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.