Những chuyện hậu cung vua Thành Thái và Khải Định: Ông vua... cắt tóc ngắn

10/09/2021 08:00 GMT+7

Năm 1883, sau cái chết của vua Tự Đức , người được chỉ định kế vị là ông hoàng Ưng Chân (vua Dục Đức) đã bị 2 quyền thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết truất phế, giam vào ngục tối chỉ sau 3 ngày làm vua, chưa kịp làm lễ tức vị.

Lúc bấy giờ, người con trai của vua Dục Đức là ông hoàng Nguyễn Phúc Bửu Lân mới lên 4 tuổi, cả gia đình đã trải qua những năm tháng đầy lo sợ, không biết còn có nỗi bất hạnh nào giáng xuống gia đình mình nữa hay không. Vậy mà lúc lên 10 tuổi, vào một ngày cuối năm âm lịch, ông hoàng Bửu Lân bất ngờ được võng lọng đến nhà rước vào cung để... làm vua.
Tân quân làm lễ tức vị với niên hiệu Thành Thái vào đúng mùng 1 Tết Kỷ Sửu (31.1.1889). Do nhà vua còn quá trẻ, mới 10 tuổi, triều đình đã cử ra một Hội đồng Phụ chánh hùng hậu gồm 2 vị Phụ chánh thân thần (trong hoàng tộc) là Tuy Lý công (sau được phục là Tuy Lý vương) Miên Trinh và Hoài Đức công Miên Lâm cùng 2 Phụ chánh đại thần khác là Nguyễn Trọng Hiệp (Hợp) và Trương Quang Đản. Ngoài ra, ông còn có các thầy dạy truyền thụ chữ nghĩa và kiến thức, trong đó phải kể đến Phan Thanh Liêm là con trai cụ Phan Thanh Giản, từng bị thực dân Pháp bắt giải vào Sài Gòn vào năm 1873 khi tham gia bảo vệ thành Hà Nội, lúc quân Pháp mở cuộc tấn công thành lần thứ nhất vào tháng 11.1873 (Đại Nam thực lục chính biên - Đệ lục kỷ phụ biên - NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2011, tr. 66 - 67).

Bà Thái hậu Từ Minh Phan Thị Điều, vợ vua Dục Đức, mẹ vua Thành Thái, cùng 3 người em trai của nhà vua

Ảnh: TƯ LIỆU CỦA LÊ NGUYỄN

Được sự phò tá và dạy dỗ của những vị đại thần đầy tài năng và đạo đức như thế, nhà vua sớm trưởng thành và ý thức được thân phận mất nước của cả một dân tộc. Ông đã thực hiện được một số cải cách, trước tiên với chính bản thân ông, bởi vì ông là vị vua đầu tiên trong lịch sử đã cắt tóc ngắn. Trong một buổi thiết triều, quần thần tròn mắt ngạc nhiên nhìn mái tóc ngắn dưới chiếc vương miện của ông. Ông thu ngắn khoảng cách giữa đấng quân vương và thứ dân trong nước.
Có tài liệu kể rằng một lần nọ xa giá nhà vua đang đi trên đường, gặp một người đàn ông đang vác bó tre nặng trên vai, quân lính hô đuổi người này dạt qua một bên đường, nhưng nhà vua đã ngăn lại và nói với đại ý rằng: “Ở cái đất nước này, còn có dân với vua gì đâu, đừng đuổi anh ta!”. Lại có lần, ông đi đến một xóm nhà dân, ngồi xuống chiếu, nói đủ thứ chuyện với họ. Ông còn đưa về cung một cô gái chèo thuyền và cho làm nàng hầu.
Trong tác phẩm Lettres du Tonkin (Những lá thư từ Bắc kỳ - Paris 1928), một sĩ quan Pháp là Lyautey (sau lên đến Thống chế) có kể rằng khi nghe tin quân đội của Lyautey là nơi duy nhất có sử dụng điện, vua Thành Thái đã cho thắng xe ngựa để đến xem tận mắt. Đến nơi, ông dành suốt một tiếng đồng hồ để quan sát, sờ mó các dụng cụ điện và đặt ra cho các sĩ quan Pháp nhiều câu hỏi.
Tuy nhiên, những hành động thân dân của nhà vua đã vượt ra ngoài khuôn khổ một chế độ phong kiến, khiến thực dân Pháp và quan lại dưới quyền ông cảm thấy khó chịu. Đáng tiếc nhất là sau việc ông đi quan sát trạm điện của quân đội Pháp trở về, Hội đồng Phụ chánh đã họp nhau lại và đưa ra nhận xét là nhà vua... điên mất rồi (Lyautey - sách đã dẫn - trang 411).
“Chứng điên” hay tật xấu của vua Thành Thái trước hết được miêu tả qua ngòi bút của một số cây bút Pháp. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Revue Indochinoise năm 1907, tác giả George Bois viết rằng nhà vua thích thỏa mãn tính ngông của mình như chỉnh sửa chính tả chữ quốc ngữ, thích tìm hiểu môn cơ khí, điện báo và thường ứng dụng không mấy thành công các kỹ thuật trong y khoa, phẫu thuật. George Bois còn kể rằng nhà vua đã mua của một người từng giao dịch với quốc vương Cambodge (Campuchia) một bộ từ điển Larousse với giá 350 đồng, tương đương 875 quan, trong khi thực giá của quyển từ điển này ở Pháp chỉ có 200 quan.
Cũng như Bois, viên Khâm sứ Pháp ở Huế là Brière kể rằng vua Thành Thái thường hành hạ các cung nữ và thường bỏ ra khỏi hoàng thành vào ban đêm để đắm mình trong các cuộc truy hoan (!).
Tuy nhiên, hồi ký của ông Huỳnh Côn, Hộ bộ Thượng thư triều Thành Thái, được cây bút Jean Jacnal thuật lại trên tạp chí Revue Indochinoise số 1 - 6.1924 mới thật sự gieo vào đầu người đọc ấn tượng mạnh về “chứng điên” của nhà vua. Ông Côn kể rằng tính khí của nhà vua rất kỳ quặc, như có lần ra lệnh cho các viên Thừa Thiên Phủ doãn (như Thị trưởng về sau) và Thừa Thiên Phủ thừa (Phó thị trưởng) đi tìm dấu chân cọp và dấu chân voi cho ông đi săn. Bản thân ông Côn cũng có lần bị như thế, song do không tìm ra dấu chân voi và cọp, ông bị nhà vua bắt quỳ gối suốt 6 giờ liền (Jean Jacnal, tạp chí đã dẫn, trang 83).
Ông Huỳnh Côn còn kể rằng có đêm thấy vua Thành Thái chuẩn bị lên ngựa, người thầy học của nhà vua là Phan Thanh Liêm đã nằm lăn trước đầu ngựa để cản đường, song ông lặng lẽ quay đầu ngựa ra khỏi hoàng thành qua một ngả khác.
Vậy điều gì đã dẫn đến những “chứng điên” của vua Thành Thái? (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.