Những chuyện chưa kể về Tây du ký: Bí ẩn của hồi thứ 9

18/10/2021 06:33 GMT+7

Tây du ký là một trong Tứ đại kỳ thư của nền văn học cổ Trung Quốc. Ban đầu, sách này không đề tên tác giả.

Ngày nay ta nhìn nhận rằng tác giả sách này chính là Ngô Thừa Ân (1506 - 1582), người phủ Hoài An. Nhận thức này được Đinh Yến (1794 - 1875) đề xuất sớm nhất.

Trong bộ Hoài An phủ chí biên soạn trong niên hiệu Thiên Khải (1621 - 1628) cũng ghi nhận trong số trước tác của Ngô Thừa Ân có Tây du ký. Mặc dù vậy vẫn có một số nhà nghiên cứu đề xuất các cách nghĩ khác về tác giả của Tây du ký. Điều đó cho thấy xung quanh lai lịch của bộ sách này vẫn còn nhiều bí ẩn cần được làm rõ. Bí ẩn lớn nhất trong số đó là bí ẩn về hồi thứ 9 nói về xuất thân của Đường Tam Tạng.

Lưu Hồng ra mắt Trần Quang Nhị (bản in Chu Đỉnh Thần)

TƯ LIỆU CỦA TRẦN HOÀNG VŨ

Một hồi truyện đầy mâu thuẫn

Hồi thứ 9 của Tây du ký có tiêu đề “Trần Quang Nhị nhậm chức gặp nạn; Sư Giang Lưu trả thù báo ơn”, nói chuyện năm Trinh Quán thứ 13, Trần Quang Nhị đỗ trạng nguyên, cưới con gái của Tể tướng Ân Khai Sơn tên là Ôn Kiều, rồi đi Giang Châu làm Tri phủ. Trên đường đi, Trần Quang Nhị bị người lái thuyền là Lưu Hồng đánh chết, vứt xác xuống sông. Lưu Hồng giả làm Trần Quang Nhị đi nhậm chức, ép Ôn Kiều theo làm vợ mình. Ôn Kiều đang có mang, đến ngày sinh ra một bé trai. Vì sợ Lưu Hồng ám hại nên Ôn Kiều đem con thả trôi sông, lại viết một lá huyết thư kể rõ đầu đuôi. Đứa bé trôi đến chùa Kim Sơn, được trưởng lão Pháp Minh cứu sống, đặt tên là Giang Lưu, rồi sau lại đặt pháp danh là Huyền Trang. Lúc Huyền Trang 18 tuổi, sư Pháp Minh đem huyết thư cho Huyền Trang xem. Huyền Trang bèn tới Giang Châu tìm mẹ, rồi lại lên kinh thành tìm ông ngoại là Ân Khai Sơn. Ân Khai Sơn đem quân tới Giang Châu bắt Lưu Hồng đem chém. Long vương trả lại hồn và xác của Trần Quang Nhị.

Điểm kỳ quặc ở câu chuyện này là thời điểm của nó. Trần Quang Nhị thi đỗ vào năm Trinh Quán thứ 13. Huyền Trang báo thù khi đã 18 tuổi. Vậy ít ra đó phải là khoảng năm Trinh Quán thứ 31 (trên thực tế niên hiệu Trinh Quán chỉ tới năm thứ 23 là hết). Thế mà đến hồi thứ 12, Đường Thái Tông sai Huyền Trang mở pháp hội cũng là năm Trinh Quán thứ 13, ngày mồng Ba tháng Chín. Đó là điểm mâu thuẫn thứ nhất.

Cũng trong hồi thứ 12, khi Huyền Trang xuất hiện, tác giả Tây du ký đã có một bài thơ kể lại nguồn gốc của Huyền Trang. Bài thơ đại khái nói: Huyền Trang vốn trước là Kim Thiền. Vì lơ đễnh lời của Như Lai nên bị đày xuống phàm trần. Cha là trạng nguyên họ Trần, ông ngoại giữ quyền tổng nhung trong triều. Huyền Trang còn trong trứng đã gặp tai nạn, lúc sinh ra bị thả trôi sông. Sư Thiên An ở chùa Kim Sơn nuôi dưỡng. Đến lúc mười tám, Huyền Trang gặp mẹ, rồi về kinh xin quân báo thù. Thừa tướng Khai Sơn bèn kéo quân đến Hồng Châu cứu Trần Quang Nhị. Cha con gặp gỡ, vợ chồng đoàn viên. Một đằng hồi thứ 9 nói kẻ thù ở Giang Châu; đây lại thành Hồng Châu. Một đằng hồi thứ 9 nói nhà sư là Pháp Minh; đây lại thành sư Thiên An. Đó là điểm mâu thuẫn thứ hai.

Lại nữa, hồi thứ 99 có viết trong sổ của Quy Y Yết Đế chép thầy trò Đường Tăng đã gặp 80 nạn. Bốn kiếp nạn đầu tiên là: 1 - Kim Thiền bị đuổi; 2 - Ra đời hút chết; 3 - Đầy tháng quăng sông; 4 - Tìm mẹ báo oan. Hồi thứ 9 hoàn toàn không nói đến nạn thứ nhất. Nạn thứ hai và nạn thứ tư hoàn toàn mờ nhạt. Nếu ta xem việc mô tả 81 kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng là xương sống của bộ truyện thì đây rõ ràng là một sự thiếu sót rất lớn. Có đâu trong truyện không kể mà đến cuối lại điểm như đúng rồi! Đó là điểm mâu thuẫn thứ ba.

Nguồn gốc hồi thứ 9

Thực ra hồi thứ 9 của Tây du ký nói về Trần Quang Nhị là một tăng bổ rất muộn. Phần truyện này không hề có trong bản cổ nhất còn giữ được là bản Thế Đức đường và một số bản muộn hơn. Vào thời Khang Hi, hai người Uông Tượng Húc và Hoàng Chu Tinh mới tăng nhập hồi này vào trong Tây du ký. Uông Tượng Húc cho biết: “Tôi lúc nhỏ thấy tục bản cắt bỏ mất hồi này, tra cứu không biết được lai lịch gia thế của Đường Tăng, thì nghi là cũng giống như chuyện sinh ra từ đá ở Hoa Quả sơn. Nhưng hồi thứ 99 kể các nạn ghi trong sổ từ đầu đến cuối lại có kể bốn nạn “bị biếm”, “sinh ra”, “trôi sông”, “báo oán”, khiến người đọc hoang mang không hiểu nguồn cơn, chỉ hận tác giả sơ sót. Về sau tìm được cổ bản Thích ngoa truyện của Đại Lược đường để đọc, thấy chép rõ đầu đuôi chuyện Trần Quang Nhị đi nhậm chức rồi gặp nạn”.

Ngày nay ta không tìm được bản mà Uông Tượng Húc nói. Nhưng thời Minh có một bản Tây du ký rút gọn của Chu Đỉnh Thần có tên là Đường Tam Tạng tây du thích ngoa truyện. Quyển 8 của sách này hoàn toàn nói về xuất thân của Đường Tăng. Nội dung của quyển 8 về cơ bản giống với hồi 9 do nhóm Uông Tượng Húc tăng bổ. Nhà sư đã nuôi dưỡng Đường Tăng trong sách này cũng là sư Pháp Minh (tạp kịch thời Nguyên của Dương Cảnh Hiền nói người nuôi là Đan Hà thiền sư). Trần Quang Nhị trong sách này cũng thi đỗ vào năm Trinh Quán thứ 13 (Dương Cảnh Hiền thời Nguyên nói là năm Trinh Quán thứ 3). Các nhà nghiên cứu cho rằng bản Thế Đức đường đầy đủ vốn không có phần lai lịch Đường Tam Tạng, thì bản rút gọn của Chu Đỉnh Thần đáng lý cũng không thể có phần truyện này, hơn nữa còn chiếm trọn một quyển. Trừ phi đây là do Chu Đỉnh Thần tăng bổ vào. Nhưng Chu Đỉnh Thần tự sáng tác chuyện này hay lấy cảm hứng từ đâu thì vẫn chưa rõ. Bởi vì hồi thứ 9 của Tây du ký là thu nhập từ nguồn khác nên mới có chuyện kỳ quái: Đường Tăng sinh năm Trinh Quán thứ 13, 18 năm sau vẫn là năm Trinh Quán thứ 13.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.