Những 'chiến binh' tuyến đầu thầm lặng chống Covid-19

27/02/2021 07:48 GMT+7

Đây là năm thứ 2 những 'chiến binh' tuyến đầu chống dịch Covid-19 không được hưởng trọn vẹn ngày truyền thống, ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2.

Họ đã không nghỉ tết, đến nay vẫn tiếp tục công việc theo dõi người bệnh, theo dõi khu cách ly, khử khuẩn, điều tra truy vết để dập dịch...

Tâm sự bác sĩ xa vợ mới cưới, lên bệnh viện dã chiến chống Covid-19 xuyên tết

Làm xuyên đêm, điện thoại cá nhân thành đường dây nóng

Nửa tháng trước tại TP.HCM, Tân Bình là quận có nhiều điểm phong tỏa nhất với 15 điểm liên quan chuỗi lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất. Chính quyền, lực lượng y tế tuyến đầu phải căng mình chống dịch ở 15 điểm phong tỏa, giám sát khu cách ly tập trung của quận, 7 khách sạn cách ly có thu phí cho người nhập cảnh. Từ cán bộ y tế thuộc Trung tâm y tế (TTYT) đến nhân viên trạm y tế (TYT) trên địa bàn Q.Tân Bình, không ai còn nghĩ tới việc ăn tết.
Điều dưỡng Đào Thị Thanh Nga, Phó trưởng TYT P.13, Q.Tân Bình, cho biết từ khi bùng phát dịch ở quận, số điện thoại của chị đã thành đường dây nóng để giải đáp thắc mắc cho người dân. Những ngày tết, P.13 có nhiều ca nghi nhiễm và nhiều điểm bị phong tỏa tạm thời nên đến 12 giờ đêm, điện thoại chị vẫn reo liên tục. “Những ngày cao điểm, lúc người dân gọi đến đường dây nóng quá nhiều khiến mình bị căng thẳng, sợ trả lời không kịp, làm người dân bất an”, chị Nga tâm sự.
Nhớ lại ngày có ca nhiễm Covid-19 ở tầng 15, lô F, chung cư Carillon, P.13, Q.Tân Bình, chị Nga kể: “Hôm đó khoảng 19 giờ ngày 27 tết, tôi vừa đi chợ về, định sẽ nấu một bữa cơm cho cả nhà thì nhận được thông báo có ca nghi nhiễm (nhân viên điều hành bốc xếp Vietnam Airlines sau đó xét nghiệm (XN) khẳng định nhiễm Covid-19 - PV). Tôi liền quay lại TYT, phân công nhiệm vụ cho mọi người và cùng xuống chung cư hỗ trợ điều tra, khoanh vùng F1, F2, chuyển người trong gia đình đi cách ly. Tôi trở về nhà lúc 1 giờ sáng”.
Và từ đó đến mùng 4 tết, chị Nga và các đồng nghiệp vừa đi điều tra, lập danh sách những người tiếp xúc người nhiễm Covid-19 vừa lo việc phong tỏa ở chung cư, điều tra xác minh để lập danh sách, cùng Khoa XN của TTYT quận lấy mẫu.

Tâm sự tình nguyện viên tiêm thử vắc xin Nano Covax ngừa Covid-19 của Việt Nam

Bị tài xế taxi đuổi xuống giữa đường

Chị Phan Thị Hoàng, Trưởng khoa XN và chẩn đoán hình ảnh, TTYT Q.Tân Bình, kể: “Ở trung tâm chỉ có một chiếc ô tô, nhiều khi dùng để chở người đi cách ly, nên khi gửi mẫu thì không có xe. Nếu phải gửi mẫu khẩn mà ít mẫu thì nhân viên trung tâm lấy xe máy đi, còn gửi số lượng nhiều thì phải gọi taxi. Có lần, nhân viên khoa XN đi taxi để gửi mẫu, đang đi được nửa đường thì lấy tờ giấy ra xem. Tài xế taxi thấy trên tờ giấy có ghi chữ Covid-19 nên cho nhân viên đó xuống giữa đường vì sợ”.    
Cùng hoàn cảnh, chị Phan Thị Hoàng, Trưởng khoa XN và chẩn đoán hình ảnh, TTYT Q.Tân Bình, nhớ lại: “Hôm 29 tết, tôi vừa mua bó hoa về nhà định cắm cho có không khí tết thì được gọi đi lấy mẫu gấp, đành đưa hoa cho con trai đem về cho vợ cắm. Những ngày cao điểm, đi đến 2 giờ sáng, về đến nhà thì điện thoại cũng gọi đến liên tục để trao đổi công việc nên cũng chỉ ngủ được vài tiếng rồi phải đi tiếp. Cứ đi suốt như vậy, cho đến mùng 6 thì mới giảm lại”.
Những “chiến binh” tuyến đầu thầm lặng chống Covid-19

Nhân viên Khoa Xét nghiệm Trung tâm y tế Q.Tân Bình đang dán mã code vào các ống lưu bệnh phẩm để chuẩn bị đi lấy mẫu

ẢNH: SONG MAI

Gửi con để đi chống dịch

PV Thanh Niên có mặt tại Khoa XN của TTYT Q.Tân Bình vào một ngày sau tết, lúc này các nhân viên XN đang tất bật chuẩn bị danh sách những người cần lấy mẫu, dán mã code vào các ống lưu bệnh phẩm để đi lấy mẫu XN. Những ngày qua, nhân viên ở đây đã quen với việc làm việc xuyên đêm đến 3, 4 giờ sáng.
Vừa dán mã code, chị Lê Thị Thanh Nhàn, nhân viên phòng XN, cho biết: “Tôi đi lấy mẫu liên tục, có những ngày ở lại làm đến 3, 4 giờ sáng, nhưng tôi còn độc thân, không vướng bận việc gia đình. Trong Khoa XN còn một chị nữa, vừa đi làm vừa chật vật việc gửi hai con nhỏ thấy thương lắm”.
Chị Nguyễn Thị Vân, nhân viên TTYT Q.11 kể, tổ chống dịch của chị có 2 thành viên nữ. Trong những ngày đi chống dịch xuyên tết thì 2 chị em phải gửi con nhỏ ở nhờ nhà ông bà. “Gửi con hết nhà nội rồi đến nhà ngoại. Tết không sắm sửa được gì, nhưng gia đình không trách mình. Đã chọn công việc này, nhận nhiệm vụ thì chuyện gia đình xác định gác lại phía sau, có thông báo là 30 - 40 phút tổ đã có mặt, sẵn sàng đi lấy mẫu”, chị Vân nói.
Chị Nguyễn Thị Bảo Phúc, Trưởng TYT P.10, Q.11 thì chia sẻ: “Mùng 2 tết, TTYT Q.11 đã lấy mẫu 85 tiểu thương ở chợ Bình Thới. Nhưng chiều mùng 1 tết, tôi đã đi khảo sát chợ, thông báo và giải thích cho tiểu thương về việc lấy mẫu. Lúc đó chồng chở mình và con, cả gia đình cùng đi luôn, coi như là chuyến du xuân đầu năm của gia đình”. Chị Phúc nói mình còn “may mắn” hơn nhiều đồng đội khác ở trạm đã phải hủy vé xe, máy bay về quê.
Những “chiến binh” tuyến đầu thầm lặng chống Covid-19

Nhân viên Trung tâm y tế Q.11 lấy mẫu để xét nghiệm

Ảnh: TTYT Q.11 cung cấp

Chúng tôi “sáng đèn” để dân yên tâm ngủ

Trong vụ 2 cha con người Trung Quốc nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23.1.2020, Q.11 nhận nhiệm vụ cách ly vợ của người Trung Quốc nhiễm Covid-19. Q.11 cũng là địa bàn mà bệnh nhân (BN) 1660 từ Hải Dương đầu tiên vào TP.HCM ngày 28.1, được khẳng định nhiễm Covid-19 vào ngày 29.1.
Y sĩ Phan Hoằng Sơn, phụ trách công tác phòng chống dịch của TYT P.4, Q.11 là người đầu tiên đến tận nhà nghỉ nơi BN 1660 lưu trú để điều tra yếu tố dịch tễ. Chiều 29.1, khi Bộ Y tế công bố ca bệnh 1660, anh Sơn cùng Trưởng TYT P.4 là bác sĩ (BS) Vũ Thị Kim Dung lại vào cuộc, khoanh vùng, nắm lịch trình đi lại của những trường hợp tiếp xúc gần trên địa bàn.
“Trong nhà nghỉ BN từng ở, nhiều trường hợp tiếp xúc gần lại có bệnh nền. Có bé 2 tuổi vừa phẫu thuật tim, có người mắc ung thư nên việc làm rõ yếu tố nguy cơ phải hết sức cẩn thận. Hai chị em một người đánh máy, một người dò lại, hoàn tất báo cáo gửi đi thì cũng 3 giờ sáng 29.1”, BS Dung nhớ lại.
Y sĩ Sơn nói thêm: “Các trường hợp trên đều rơi vào ca trực đêm của mình. Lần đầu điều tra dịch tễ năm ngoái, mọi thứ còn mới, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phải hướng dẫn từng bước một. Nhưng giờ thì quen rồi”.

Ngày 30 tết đặc biệt của bác sĩ cùng bệnh nhân Covid-19

BS Hứa Khắc Sương Linh, Phó giám đốc TTYT Q.11, chia sẻ công tác phòng chống dịch ở Q.11: “Đã tham gia chống dịch thì xác định chuyện lo tết để lại cho gia đình. Mọi người đều trong tâm thế sẵn sàng, những lúc lấy mẫu, truy vết xuyên đêm là chuyện bình thường. Chúng tôi “sáng đèn” để dân yên tâm ngủ. Đó chính là công việc của chúng tôi”.
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC, cho biết HCDC chỉ là đầu tàu đưa ra phương hướng, hoạch định, hỗ trợ cùng các đơn vị, nếu một mình HCDC sẽ không làm nổi. “Anh em hệ thống y tế quận, huyện, phường, xã vào cuộc rất quyết liệt, cứ nhận nhiệm vụ là làm liên tục. Không ai nề hà, xa lánh công việc. Họ đã chiến đấu hết sức, nếu không có họ sẽ làm không nổi”, BS Dũng chia sẻ.

Vinh danh 16 thành tựu y khoa Việt Nam 2020

Ngày 26.2, Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) phối hợp với Sở Y tế TP.HCM vinh danh và trao Giải thành tựu y khoa Việt Nam năm 2020 cho 16 sản phẩm có giá trị khoa học, giá trị cống hiến vì sức khỏe cộng đồng, trong đó có 2 thành tựu y khoa phòng chống Covid-19.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn xét tặng Giải thành tựu y khoa Việt Nam năm 2020, cho biết Hội đồng nhận được hơn 70 sản phẩm của 37 bệnh viện, trung tâm, viện, trường đại học trên địa bàn TP.HCM, Hà Nội, Huế đăng ký tham gia bình chọn. Hội đồng đã chọn ra 22 sản phẩm tiêu biểu nhất để giới thiệu rộng rãi cho người dân bình chọn. Cuối cùng có 16 sản phẩm được bình chọn.   
Duy Tính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.