Những 'chiến binh' áo trắng

An Dy
An Dy
28/02/2020 07:05 GMT+7

Gần 2 tháng kể từ ngày Bộ Y tế khởi động quy trình chống dịch nhóm A, các 'chiến binh áo trắng' tại Đà Nẵng vào trận âm thầm mà quyết liệt, không ngơi nghỉ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Giữa tháng 1.2020, khi du khách đầu tiên người Trung Quốc phát hiện sốt ở sân bay Đà Nẵng và đưa vào khu vực cách ly nghi nhiễm Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, "cuộc chiến" chống dịch của những “chiến binh áo trắng” tại đây chính thức bắt đầu.
Đó cũng là những ngày cận Tết Nguyên đán 2020. Chính quyền TP.Đà Nẵng chỉ đạo khẩn cấp tổng lực chống dịch bởi Đà Nẵng là thị trường du lịch lớn đối với khách Trung Quốc, Hàn Quốc... Các BV sẵn sàng khu vực cách ly đặc biệt, nhưng có khu vực được chú ý hơn cả: tâm điểm cách ly, chống dịch đầu tiên tại BV Đà Nẵng...

Không kịp ăn cơm

Khu vực cách ly nằm khá biệt lập, thuộc Khoa Y học nhiệt đới (BV Đà Nẵng) với nhiều vòng bảo vệ, kiểm soát. Người mà chúng tôi dễ gặp nhất ở đây là bác sĩ (BS) Nguyễn Thành Trung, Phó giám đốc BV Đà Nẵng, Trưởng ban Phòng chống dịch. Bên cạnh BS Trung là những cộng sự, những nhân viên y tế âm thầm làm nhiệm vụ trên tinh thần “sứ mệnh tình nguyện” nơi tuyến đầu.
Những “chiến binh

Khu vực cách ly nghi nhiễm Covid-19 tại BV Đà Nẵng

Ảnh: An Dy

“Ngoài quy trình phòng chống dịch thường quy, bằng kinh nghiệm chủ động quan sát, cập nhật qua các mùa dịch như dịch SARS..., chúng tôi xác định chủng mới của vi rút này là không thể xem thường bởi khả năng, mức độ lây nhiễm rất cao, diễn biến phức tạp... Các nhân viên y tế BV Đà Nẵng đều xác định chống dịch ở tuyến đầu với hàng trăm ca nghi nhiễm đa quốc tịch, ở những tình huống nguy hiểm, thậm chí sẽ sẵn sàng điều trị cả những ca nhiễm, ca dương tính nếu có”, TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng, chia sẻ với PV Thanh Niên ở khu vực giới hạn “Cách ly đặc biệt”.
Sau BV Đà Nẵng, đến lượt BV Phổi Đà Nẵng cũng trở thành một trong những điểm cách ly mở rộng tiếp theo, đón cả trăm lượt người nghi nhiễm. Chúng tôi gặp BS Lê Thành Phúc, Giám đốc BV này, khi ông đang tất bật với công việc. Lau mồ hôi ở trán, BS Phúc vừa “thương thảo” với nhân viên Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng về phương án cách ly, đảm bảo sinh hoạt và giám sát sức khỏe cho 20 công dân đến từ tâm dịch Daegu (Hàn Quốc), vừa hỗ trợ một phụ nữ Pháp có vấn đề về sức khỏe... BS Phúc cho biết ông và các nhân viên của mình ở BV suốt từ tết đến nay. “Chúng tôi cùng nhau chống dịch, cơm thì có sẵn ở căn tin và ăn cùng với bệnh nhân, cả những người trong khu vực cách ly. Hôm đón đoàn khách từ Daegu, Hàn Quốc, chúng tôi còn không kịp ăn, nhịn đến tận 12 giờ đêm mới nhớ ra là... mình chưa ăn gì”, BS Phúc chia sẻ.
Những “chiến binh

Điều dưỡng Nguyễn Thị Cẩm Vân (trái) và cộng sự làm việc tại khu vực cách ly đặc biệt (Bệnh viện Phổi Đà Nẵng)

Ảnh: An Dy

Phải cách ly với người thân

Giữa mùa dịch, không chỉ lo lắng về nguy hiểm cho mình, mà nhân viên y tế còn phải tự cách ly mình với người thân. Điều dưỡng La Thị Bích Liễu (BV Phổi Đà Nẵng) dù có gần 35 năm kinh nghiệm làm việc ở các khu vực lây nhiễm, nhưng quả quyết vẫn không chủ quan với Covid-19. “Chống lại cảm xúc và nỗi bất an cũng giống như chống dịch. Tôi tự cách ly với con cháu, dù đi làm về chúng cứ ùa vào đòi ôm, đòi hôn, không cho lại gần thì chúng giận dỗi. Tôi ứa nước mắt, nhưng biết làm sao được... Hạn chế tiếp xúc vẫn là tốt nhất khi Covid-19 vẫn quá khó lường”, điều dưỡng Liễu nói.
Có những tình huống “khó đỡ” khi người cách ly bất đồng ngôn ngữ, dẫn đến có những hành vi nguy cơ cao. Điều dưỡng Lê Thị Kim Loan, điều dưỡng kỳ cựu của Khoa Y học nhiệt đới (BV Đà Nẵng), thường xuyên tiếp xúc, hỗ trợ những người nghi nhiễm trong khu vực cách ly. Chị tâm sự, các điều dưỡng cố gắng đáp ứng những yêu cầu dù nhỏ nhất của người bị cách ly. “Từ đồ dùng cá nhân cho đến cơm cháo, nước uống giữa khuya, chỉ cần họ có yêu cầu là chúng tôi phục vụ trong khả năng của mình”, điều dưỡng Loan nói.

Chúng tôi thấy rõ họ quá áp lực với dịch bệnh, với việc sinh hoạt của những người đang được cách ly, nhưng họ vẫn thân thiện, vẫn liên tục hỏi chúng tôi cần gì, chúng tôi có hài lòng không. Chúng tôi vô cùng cảm kích vì điều đó. Nhiều người trong số họ túc trực với những người được cách ly từ sáng sớm đến tận khuya và quên cả việc ăn uống...

Ông Lim Jong-In, nhân viên Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng

Điều dưỡng Nguyễn Thị Cẩm Vân, BV Phổi Đà Nẵng, cho hay: “Khi chúng tôi bận, các BS cũng sẵn sàng chạy ra ngoài mua thức ăn theo yêu cầu của người được cách ly. Có khi họ còn yêu cầu được ăn phở, bún... các BS cũng “chiều” hết nấc. Ngay cả khẩu phần sữa được hỗ trợ trong mùa chống dịch, các nhân viên y tế cũng nhường cho họ”. Cũng theo điều dưỡng Vân, du khách người Pháp, Mỹ... thì dễ phục vụ; riêng người Trung Quốc, Hàn Quốc thì “áp lực” hơn. Nhưng các điều dưỡng vẫn vui vẻ đáp ứng.
Với “người nhạc trưởng”, họ còn phải liên tục cập nhật tình hình bệnh tật, cách phòng chống dịch tuyệt đối cho các cộng sự của mình... Nói như BS Lê Đức Nhân, chống dịch như chống giặc nên không có lễ tết, bất kể đêm ngày, vậy nên BS Nhân vô cùng trân quý và tự hào những cộng sự của mình. “Tôi có những cộng sự vô cùng tuyệt vời và ấn tượng. Họ giỏi trên phương diện chuyên môn và còn là những người tình nguyện đi tuyến đầu, lan tỏa tinh thần chống dịch triệt để trong vụ dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ họ”, BS Nhân nói.

Sử dụng... Google dịch

Tại các khu vực cách ly dịch Covid-19, y BS các BV có những cách tương tác khá đặc biệt với những người được cách ly đó là kết nối Zalo, là sử dụng Google dịch. Điều dưỡng Vân cho biết khu vực cách ly không thể ra vào tùy tiện, trong khi đồ bảo hộ cần hạn chế, tiết kiệm nên các điều dưỡng kết nối Zalo với nhau. Cần gì thì nhắn tin yêu cầu, phía bên ngoài gửi vào.
Còn với điều dưỡng Loan, “Google dịch” là công cụ được phát huy triệt để trong đợt dịch Covid-19. Các du khách Trung, Hàn... ít khi dùng tiếng Anh giao tiếp nên các điều dưỡng liên tục sử dụng Google dịch, bằng một chiếc điện thoại đặt riêng trong khu vực cách ly để mọi người cùng sử dụng. “Phải hiểu ý nhau, hiểu yêu cầu của nhau thì mới giao tiếp được. Có những người nước ngoài họ khá khó chịu vì bất ngờ bị cách ly, nên tâm trạng họ bực bội cũng là điều dễ hiểu...”, điều dưỡng Loan nói.
Túc trực tại khu vực cách ly BV Phổi Đà Nẵng, ông Lim Jong-in (nhân viên Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng) nói: “Chúng tôi thấy rõ họ quá áp lực với dịch bệnh, với việc sinh hoạt của những người đang được cách ly, nhưng họ vẫn thân thiện, vẫn liên tục hỏi chúng tôi cần gì, chúng tôi có hài lòng không. Chúng tôi vô cùng cảm kích vì điều đó. Nhiều người trong số họ túc trực với những người được cách ly từ sáng sớm đến tận khuya và quên cả việc ăn uống...”.
Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn khó lường, phức tạp, thì những “chiến binh áo trắng” nơi tuyến đầu sẽ còn đối mặt với nhiều cam go và nguy cơ cao. Hơn tất cả, bên cạnh niềm tin, các y BS thực sự cần sự chia sẻ, tiếp sức cho họ trong "cuộc chiến" chống dịch.
Tính đến hết ngày 27.2, tại Đà Nẵng đã tiếp nhận theo dõi cách ly 183 ca nghi nhiễm Covid-19 tại khu vực cách ly ở các BV (BV Đà Nẵng theo dõi 72 ca, BV Phổi Đà Nẵng: 100 ca, BV 199 Bộ Công an: 7 ca và BV Phụ sản - Nhi: 4 ca). Đã có 161 ca ổn định được xuất viện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.