Những chiếc huy chương là vô giá

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
06/10/2018 09:06 GMT+7

50 - 70 triệu đồng cho một chiếc huy chương vàng hay một giải nhất thì khó có thể nói là xứng đáng hay chưa đối với cả quá trình học tập và lao động miệt mài. Để nuôi dưỡng một nhân tài, nhà nước và xã hội cần làm nhiều hơn thế.

Dự thảo nghị định của Chính phủ về khen thưởng những học sinh - sinh viên (HS-SV) đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế với mức thưởng cao gấp gần 5 lần so với quy định cũ, kèm huân chương và bằng khen, nhận được sự ủng hộ của ngành giáo dục và xã hội.
Những bạn trẻ mang vinh dự về cho đất nước
Theo số liệu của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2017 - 2018 TP.HCM có 8 HS giành được huy chương, 6 HS đoạt giải đồng đội trong các kỳ thi quốc tế. Cụ thể là 1 HCB kỳ thi Tin học Olympic châu Á, 4 HCV cuộc thi Robotacon quốc tế và giải đồng đội Thiết kế mô hình xuất sắc cuộc thi Khoa học ứng dụng quốc tế. Ngoài ra, có 126 giải kỳ thi HS giỏi và 41 giải Sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, nhìn nhận: “Các em chính là những nhân tài tương lai của đất nước, cần được khen thưởng và động viên xứng đáng. Ngoài ngân sách thưởng của nhà nước theo quy định, Sở cũng đề xuất với UBND TP.HCM có phần thưởng riêng cho các em. Cụ thể, cá nhân đoạt HCV quốc tế được 10 triệu đồng, HCB được 8 triệu và HCĐ là 6 triệu. Các giải khu vực và quốc gia cũng được thưởng mức tiền 2 - 8 triệu đồng. Hiện nay, Sở đang đề xuất xin mức thưởng tăng lên gấp 5 vì mức lương cơ bản đã tăng đến 10 lần”.
Tại tỉnh Bình Định, số lượng HS giỏi quốc gia và quốc tế luôn nằm trong tốp của 10 tỉnh miền Trung. Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, chia sẻ: “Một HS năm 2016 đoạt HCB Olympic Toán quốc tế, tỉnh thưởng tổng cộng 30 triệu đồng. Em nào đoạt giải nhất thi quốc gia cũng được tặng 10 triệu, nhì 7 triệu, giải ba là 4 triệu và khuyến khích là 2 triệu đồng, vượt so với quy định mỗi bằng khen thưởng 1,3 triệu đồng của tỉnh”.
Vẫn còn những nỗi niềm
Tuy nhiên, ở một góc khác, chẳng hạn những thí sinh đoạt huy chương từ kỳ thi tay nghề khu vực hay thế giới, việc khen thưởng lại không được kịp thời và chưa thực sự tương xứng.

Để tương xứng với công sức và năng lực của các em, chúng ta cũng nên xã hội hóa trong việc khen thưởng, nuôi dưỡng, phát triển tài năng. Nhà nước và xã hội cùng phối hợp thực hiện thì thành quả sẽ cao hơn rất nhiều

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM

Bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường TC Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương, cho biết: “Trong những năm qua, trường có khá nhiều HS đi thi tay nghề khu vực giành được huy chương vàng, bạc, đồng. Để mang được tấm huy chương về cho đất nước, là niềm vinh dự quốc gia, thì HS lẫn huấn luyện viên đã có cả một quá trình học tập, thực hành, sáng tạo, lao động miệt mài với biết bao tâm huyết. Thế nhưng phải nửa năm sau các em mới nhận được ngân sách chi huấn luyện. Để động viên tinh thần thầy trò, trường phải ứng tiền ra trước”.
HS tham gia đội tuyển thi tay nghề ASEAN huấn luyện trong vòng 2 tháng, mỗi thầy trò được nhận tiền chế độ khoảng 20 triệu đồng. Về tiền thưởng, theo bà Thủy, những thí sinh đoạt HCV cũng chỉ được thưởng 4 - 5 triệu đồng. Doanh nghiệp nào quan tâm thì có thể tặng thêm vài triệu đồng.
Một huấn luyện viên kỳ thi tay nghề ASEAN của một trường CĐ tại TP.HCM buồn bã: “Nếu so sánh phần thưởng trong các kỳ thi này với phần thưởng của hoa hậu, hay người chiến thắng trong một game show truyền hình thì hơi khập khiễng, vì một bên là ngân sách quốc gia, một bên là do doanh nghiệp tài trợ. Nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy có điều gì đó khá tủi thân. Những chiếc huy chương chúng tôi nỗ lực mang về không thể quy ra vật chất là bao nhiêu, cũng có thể nói nó vô giá, nhưng chúng tôi mong được nhà nước và xã hội động viên, quan tâm nhiều hơn để có thêm động lực”.
Tạo điều kiện để phát huy tài năng
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định: “Những người có thành tích cao và mang vinh dự về cho đất nước đều xứng đáng được khen thưởng để ghi nhận tài năng và sự cống hiến của họ. Để đạt được những thành tích cao như vậy không chỉ dựa vào tài năng, tư chất bẩm sinh mà còn nhờ lao động nghiên cứu, miệt mài. Mức khen thưởng trong dự thảo hiện cũng đã khá cao so với trước đây. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là tạo những điều kiện tiếp theo cho các em tiếp tục phát huy tài năng của mình hơn nữa, ví dụ như học bổng để theo học bậc học cao hơn, hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu... Đó chính là những phần thưởng hiệu quả nhất có thể giúp các em đạt những thành tích cao hơn trong học tập và nghiên cứu”.
Cũng theo hướng này, ông Đỗ Minh Hoàng cho biết: “Tiền bạc rất quý nhưng chưa phải là tất cả. Quan trọng là chúng ta cần nuôi dưỡng, phát triển những em có tố chất, năng lực trở thành người tài, có cống hiến cho đất nước. Những năm gần đây, Sở GD-ĐT TP.HCM hướng HS tham gia nhiều kỳ thi có tính ứng dụng của quốc gia, khu vực và quốc tế, vì những giải thưởng cao sẽ dễ được đầu tư khởi nghiệp, phát triển thành sản phẩm phục vụ cuộc sống”.
Theo ông Hoàng, Sở GD-ĐT TP.HCM đang hướng tới việc thành lập trung tâm ý tưởng, kêu gọi các quỹ, các doanh nghiệp tham gia vào việc phát hiện, nuôi dưỡng, phát triển ý tưởng của HS mang đi thi, sau đó đầu tư để các thí sinh đoạt giải có thể khởi nghiệp từ ý tưởng đó. “Để tương xứng với công sức và năng lực của các em, chúng ta cũng nên xã hội hóa trong việc khen thưởng, nuôi dưỡng, phát triển tài năng. Nhà nước và xã hội cùng phối hợp thực hiện thì thành quả sẽ cao hơn rất nhiều”.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp VN, cho rằng bên cạnh việc khen thưởng kịp thời, nhà nước cần có kế hoạch bồi dưỡng cho những tài năng đoạt giải, không chỉ chuyên môn mà còn cả những kiến thức, kỹ năng khác giúp họ phát triển toàn diện để có thể cống hiến hiệu quả trong thời kỳ cạnh tranh, hội nhập cao như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.